Hưởng ứng cuộc thi Tìm hiểu Hiến pháp năm 2013:

Quy định của Hiến pháp năm 2013 về cách thức để nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước

Thứ Năm, 30/04/2015, 15:05
Đây là nội dung bao trùm nhất trong Hiến pháp năm 2013. Có thể khẳng định rằng, việc xác lập, đề cao, hiến định cách thức để nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước là sự nhất quán, kiên định, thể hiện bản chất ưu việt của chế độ xã hội; là cụ thể hóa vai trò của nhân dân và quyền làm chủ của nhân dân theo đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam; là sự kế thừa những giá trị phổ quát, tiến bộ của nhân loại.

Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định chủ quyền nhân dân trong việc xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp, tôn trọng và đề cao quyền làm chủ của người dân, thể hiện rõ hơn bản chất dân chủ của Nhà nước ta, Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. Đồng thời cũng quy định cụ thể cách thức để nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện (Điều 6 Hiến pháp năm 2013).

Dân chủ trực tiếp là việc nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước bằng cách trực tiếp thể hiện ý chí của mình không cần thông qua cá nhân hay tổ chức thay mặt cho mình. Dân chủ đại diện là việc nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước một cách gián tiếp thông qua các cơ quan nhà nước (Quốc hội, Hội đồng nhân dân và các cơ quan khác của Nhà nước), các cá nhân được nhân dân ủy quyền để thực hiện ý chí của nhân dân.

Trong Hiến pháp năm 2013, dân chủ trực tiếp được thể hiện khá đa dạng và ở nhiều cấp độ khác nhau. Các hình thức dân chủ trực tiếp quan trọng nhất đã được quy định ngay trong Hiến pháp như quyền bầu cử, ứng cử (Điều 7, Điều 27), quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội (Điều 28), quyền được biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân (Điều 29), quyền khiếu nại, tố cáo của Nhân dân đối với việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân (khoản 1 Điều 30), ở quy định "Nhân dân là người xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp” (lời nói đầu của bản Hiến pháp) và việc lấy ý kiến nhân dân về sửa đổi Hiến pháp (các khoản 3, 4 Điều 120), ở chế định Hội đồng bầu cử quốc gia quy định tại Điều 117 (Hội đồng bầu cử quốc gia là cơ quan do Quốc hội thành lập có nhiệm vụ tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội, chỉ đạo và hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp) nhằm tạo thêm một cơ chế để bảo đảm cho nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình, ở quy định trách nhiệm thông báo tình hình hoạt động của các cơ Nhà nước cho nhân dân của Thủ tướng, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân để nhân dân thực hiện quyền giám sát của mình (khoản 6 Điều 98, khoản 2 Điều 99, khoản 1 Điều 116). Các hình thức dân chủ trực tiếp khác như tham gia ý kiến, thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước, thực hiện dân chủ ở cơ sở… thì trên cơ sở quy định của Hiến pháp đã và đang được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật.

Dân chủ đại diện được thể hiện qua nguyên tắc hoạt động của các cơ quan nhà nước: Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp, pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp, pháp luật, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ. Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền (Điều 8); qua các quy định về Quốc hội, Hội đồng nhân dân quy định tại Điều 7 (Việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân bị nhân dân (cử tri) hoặc Quốc hội bãi nhiệm khi không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân), Điều 69 (Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), Điều 113 quy định về Hội đồng nhân dân (Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, do nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên), khoản 1 Điều 115 quy định về đại biểu Hội đồng nhân dân (Đại biểu Hội đồng nhân dân là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân địa phương; liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri, thực hiện chế độ tiếp xúc, báo cáo với cử tri về hoạt động của mình và của Hội đồng nhân dân, trả lời những yêu cầu, kiến nghị của cử tri; xem xét, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Đại biểu Hội đồng nhân dân có nhiệm vụ vận động nhân dân thực hiện Hiến pháp và pháp luật, chính sách của Nhà nước, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, động viên nhân dân tham gia quản lý nhà nước). Bên cạnh đó, dân chủ đại diện còn được thể hiện ở các quy định về Đảng Cộng sản Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân, bảo đảm “Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình” (Điều 4); bảo đảm “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” (Điều 9); bảo đảm lực lượng vũ trang nhân dân tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, nhân dân, với Đảng và Nhà nước, có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ nhân dân, Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế” (Điều 65).

Dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong thực hiện quyền lực Nhà nước của nhân dân, giữa chúng có mối quan hệ chặt chẽ, gắn bó với nhau, tổ chức thực hiện tốt và bảo đảm hài hòa cả hai hình thức dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện trên cơ sở quy định của Hiến pháp là cơ sở vững chắc để hướng tới một thể chế Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa hoàn thiện mà nhân dân là chủ thể tối cao và duy nhất của quyền lực nhà nước, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân.

Lê Thị Yến
.
.
.