Quốc hội thảo luận quy hoạch tổng thể về thủy điện, xây dựng đường Hồ Chí Minh

Thứ Tư, 13/11/2013, 22:01
Trong mối quan hệ hữu cơ giữa kinh tế-xã hội và môi trường, quá chú trọng tới kinh tế mà chưa quan tâm tới môi trường để xây dựng các dự án thủy điện tràn lan, ảnh hưởng tới cuộc sống người dân, ảnh hưởng tới môi trường thì kiên quyết không làm… Đó là những vấn đề các đại biểu thảo luận về quy hoạch tổng thể về thủy điện, chiều 13/11.
>> Chính thức phê chuẩn ông Vũ Đức Đam, ông Phạm Bình Minh làm Phó Thủ tướng

“Các công trình thủy điện có tính hai mặt, mặt tích cực là cung cấp điện cho quốc gia, và mặt hạn chế là ảnh hưởng môi trường, gây ngập úng làm ảnh hưởng đến sản xuất của người dân vùng hạ du, lấy đất nhiều và di dời dân nhiều làm xáo trộn cuộc sống…”. Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) lo lắng.

Tỉnh Phú Yên là địa phương có nhiều dự án thủy điện, trong khi công tác quản lý nhà nước về các dự án thủy điện tồn tại không ít mặt hạn chế. Xây dựng các dự án thủy điện như một phong trào, nhiều nhà máy đưa vào vận hành không đảm bảo chất lượng dẫn tới bức xúc, lo lắng của người dân. Đa số các đại biểu cho rằng, đó là sự buông lỏng của cơ quan chức năng về thủy điện dẫn tới 424 dự án vừa và nhỏ phải rời quy hoạch, 55% số đập chưa có phòng chống lụt bão. Cần kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của người phê duyệt những công trình thủy điện để lại hậu quả xấu. Chủ đầu tư thường chỉ quan tâm đến sản lượng và lợi nhuận thu được. Nhiều công trình khai thác mà không thực hiện đầy đủ về môi trường, không tôn trọng dòng chảy để thành những dòng sông chết… nhiều vi phạm mà không được phát hiện và xử lý vi phạm khiến người dân không yên tâm. Trong khi người dân vùng thu hồi đất để làm thủy điện thì tỉ lệ hộ nghèo còn nhiều, có nơi chiếm 43%. “Nếu không tháo gỡ kịp thời thì người dân ở các vùng có dự án thủy điện gặp rất nhiều khó khăn. Lợi nhuận thu lợi từ thủy điện thì được chia cho 1 nhóm người, trong khi người dân tái định cư ngày một nghèo đi…       

Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi Đinh Thị Phương Lan phát biểu. Ảnh: TTXVN

là sự bất bình đẳng”, đại biểu Nguyễn Thái Học nêu ý kiến. Đa số các đại biểu rất lo ngại khi giá điện thì bán theo giá thị trường mà không đảm bảo tốt môi trường (chủ đầu tư họ chỉ biết kinh doanh). “Trước những diễn biến rất phức tạp, cùng một lúc phải giải bài toán tăng trưởng và bền vững là rất khó khăn, cần phải quan tâm xem xét đến đời sống người dân ở vùng thủy điện để họ có một đời sống tốt hơn”, đại biểu nói. Một số đại biểu đề nghị,  phải rà soát quy hoạch các dự án công trình thủy điện, ảnh hưởng tài nguyên, sinh thái rừng. “Cử tri Đồng Nai rất vui mừng với việc loại khỏi dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A”.

Đại biểu Trương Văn Vở, nói. Ông Vở cho rằng, cần xem xét công tác thẩm định, chưa đúng trình tự và chậm kiểm tra, chậm xử lý kiên quyết kịp thời hồ chứa thủy điện. Xác định rõ một số Bộ, ngành chưa thực hiện tốt tham mưu, thẩm định quy hoạch, chưa tính với các liên kết quy hoạch khác. Đề nghị, loại khỏi 6 dự án thủy điện Đồng Nai (trong đó có Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A), khẩn trương ban hành hồ chứa thủy điện và xử lý trách nhiệm cá nhân. Kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm chặt cây sống, trồng cây chết. Năng lượng điện có thể mua, năng lượng khác thay thế nhưng rừng thì không thể nhất là rừng đầu nguồn…

Làm rõ trách nhiệm người quản lý

Không thể xé lẻ vì lợi ích kinh tế đơn thuần mà khiến lưu vực các dòng sông bị ảnh hưởng. Đa số các đại biểu đồng tình, việc phát triển thủy điện là yêu cầu của xã hội. Nhưng vừa qua thủy điện vừa và nhỏ phát triển nhiều, tình trạng chủ đầu tư đã không thực hiện đúng cam kết dẫn tới mất an toàn cộng đồng dân cư, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, đặc biệt xả lũ làm ảnh hưởng đến sản xuất, gây bức xúc người dân ở vùng hạ du. “Người đầu tư và người duyệt đều dễ dãi, tiêu chí trồng lại rừng không đạt được, trong khi trồng rừng thay thế thì làm cũng được không cũng được, chính sách hỗ trợ di dân tái định cư chưa đảm bảo tính đồng bộ”, đại biểu Ly Kiều Vân (Quảng Trị) đánh giá.

Bà Vân đề nghị: Cần quan tâm đến sự sinh kế cho người dân, cần đa dạng hóa phát huy mọi nguồn lực, tạo công ăn việc làm để người dân đảm bảo cuộc sống. Và, phải tăng cường bảo vệ môi trường, chấm dứt tình trạng chủ đầu tư tích nước khi chưa được phép, chưa đưa ra phương án xả lũ gây ngập lụt vùng hạ du…

Đại biểu Bạch Thị Hương Thủy nói về Thủy điện Hòa Bình, một công trình lớn của thế kỷ XX:  “ Thủy điện Hòa Bình khởi công năm 1979, lớn nhất Đông Nam Á ngày đó, khánh thành năm 1994, đã đánh dấu một bước ngoặt lớn và có vai trò trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước…”. Nhưng, đại biểu đã rất băn khoăn khi bà con khu vực thủy điện Hòa Bình đã phải di dời đến khắp nơi. Họ đã “tất cả vì dòng điện ngày mai của đất nước”, nhưng 30 năm qua, cuộc sống của người dân vùng thủy điện Hòa Bình vẫn còn đó những khó khăn. Mặc dù Chính phủ đề ra là, ổn định đời sống người dân, xóa đói, giảm hộ nghèo, kết hợp phát triển kinh tế với phủ rừng… Tuy nhiên, các xã vùng hồ vẫn còn 50% hộ nghèo.

Đại biểu Thủy đề nghị, cần có chính sách căn cơ xây dựng khu tái định cư, phân đất từ các nông - lâm trường cho người dân sản xuất cải thiện đời sống. Và cần có cơ chế về tái định cơ cho người dân khi phải di dời để làm các dự án thủy điện. Các đại biểu đã rất đề cao vai trò của người dân. “Cần đánh giá ghi nhận vinh danh những người dân đã nhường đất để làm các công trình thủy điện. Cần nêu tổn thất mà họ phải gánh chịu và ai là người chịu trách nhiệm” đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) nói. Một số đại biểu đề nghị, phải trồng rừng thay thế. Bộ NN-PTNT cần chỉ ra diện tích đất trồng rừng thay thế, đặc biệt là địa phương có ưu tiên cho thủy điện. Và, quan tâm xem xét đến một loạt vấn đề, đó là không ít những công nhân nữ đến nơi đây, có chị em không có cơ hội thành lập gia đình… đó là một vấn đề xã hội phải lưu ý

Kim Quý – Vũ Hân
.
.
.