Quốc hội sẽ giám sát chặt 3 công trình trọng điểm quốc gia

Thứ Bảy, 07/11/2009, 11:10
Ba công trình quan trọng đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư tại nhiệm kỳ trước: Nhà máy Lọc dầu Dung Quất; Nhà máy Thủy điện Sơn La; dự án đường Hồ Chí Minh, được Chính phủ báo cáo Quốc hội ngày 6/11. Ngoài ra, dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, chủ trương đầu tư Nhà máy Thủy điện Lai Châu, chủ trương đầu tư Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận cũng được Chính phủ trình Quốc hội tại phiên họp cùng ngày.

Sản phẩm của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đạt chất lượng theo quy chuẩn và tiêu chuẩn quốc gia

Dự án đầu tư NMLD số 1 Dung Quất được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 1997 và điều chỉnh dự án đầu tư năm 2005, giao Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam (nay là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư điều chỉnh của dự án hơn 3,05 tỷ USD. Dự kiến tháng 12/2009 đạt tiến độ tổng thể 95%.

Năm 2009 ghi nhận các mốc đáng chú ý: Ngày 22/2/2009, xuất dòng sản phẩm diesel và dầu hỏa đầu tiên qua đường bộ. Đến 27/5/2009, xuất lô sản phẩm đầu tiên qua đường biển (5.000 tấn dầu hỏa). Ngày 11/7, có 5.500m3 sản phẩm xăng A92 đầu tiên được xuất bán ra thị trường.

Các sản phẩm xăng dầu của nhà máy, theo kiểm tra và xác nhận của Bộ Khoa học và Công nghệ thì "đạt chất lượng theo quy chuẩn và tiêu chuẩn quốc gia". Tuy nhiên, ngày 18/8/2009, nhà máy phải tạm dừng vận hành chạy thử do sự cố trục trặc kỹ thuật van bít tại cụm thiết bị tái sinh xúc tác phân xưởng cracking xúc tác (RFCC). Ngay sau khi xảy ra sự cố kỹ thuật nêu trên, Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo chủ đầu tư, nhà thầu và các đơn vị liên quan khẩn trương khắc phục.

Tới nay, Tổng Công ty Dầu Việt Nam đã cung cấp cho nhà máy 11 chuyến tàu dầu thô với tổng khối lượng là 704.800 tấn để phục vụ chạy thử. Các sản phẩm xăng dầu, hiện đã bán ra thị trường 162.116 tấn xăng A92 và 128.785 tấn dầu D.O, 36.087 tấn dầu hỏa, 9.972 tấn dầu F.O.

Chính phủ cho biết, hiện đã nghiên cứu, ký kết hợp đồng khung với các đối tác nước ngoài về cung cấp nguồn dầu thô thay thế cho nhà máy khi sản lượng dầu thô Bạch Hổ sụt giảm. Xây dựng kế hoạch chủ động nguồn cung cấp dầu thô giai đoạn vận hành, trong đó chú trọng nguồn dầu thô nhập khẩu.

Chính phủ cũng cho rằng, mặt còn hạn chế là Ban quản lý dự án chưa có đủ kinh nghiệm trong việc xác định nguyên nhân và đề ra được các biện pháp xử lý sự cố đối với các hệ thống được kết nối phức tạp, có quy mô lớn và hiện đại của nhà máy.

Một trong những công trình trọng điểm quốc gia đã, đang được thực hiện những năm đầu thế kỷ XXI.

Nhà máy Thủy điện Sơn La: Tái định cư còn chậm

Dự án thủy điện Sơn La được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư và quy mô đề án năm 2001 với mục tiêu phát điện tổ máy số 1 vào năm 2012 và hoàn thành toàn bộ công trình vào năm 2015. Tuy nhiên, tiến độ xây dựng nhà máy đến nay vượt kế hoạch ban đầu, có thể phát điện tổ máy số 1 tháng 12/2010 và hoàn thành toàn bộ công trình vào cuối năm 2012. Tổng dự toán xây dựng công trình 26.475 tỷ đồng (chưa kể lãi vay trong thời gian xây dựng).

Tính đến nay, tất cả các hạng mục của dự án xây dựng công trình đều được thi công đáp ứng tiến độ nút cống dẫn dòng tích nước hồ chứa vào tháng 5/2010, công tác giám sát chất lượng và đảm bảo an toàn thi công được thực hiện chặt chẽ và đáp ứng yêu cầu.

- Dự án Nhà máy Lọc dầu số 1 Dung Quất là một dự án lớn, phức tạp, có trình độ công nghệ cao, được Đảng và Nhà nước ta đầu tư bằng chính nội lực Việt Nam. Qua dự án này, trình độ năng lực quản lý các dự án lớn, trình độ công nghệ của Việt Nam được nâng cao đáng kể, khẳng định các doanh nghiệp Việt Nam có khả năng, kinh nghiệm để đáp ứng việc xây dựng và vận hành những công trình, dự án, nhà máy tương tự trong tương lai. Điều đó một lần nữa khẳng định quyết định chủ trương đầu tư Nhà máy Lọc dầu số 1 Dung Quất của Đảng, Nhà nước và của Quốc hội là đúng đắn.

- Công tác xây dựng Nhà máy Thủy điện Sơn La đang được thực hiện theo đúng tiến độ, bảo đảm các yêu cầu đã đề ra (có một vài hạng mục vượt kế hoạch), có thể đáp ứng kế hoạch tích nước hồ chứa vào tháng 5 năm 2010 và phát điện tổ máy số 1 công suất 600 MW vào cuối năm 2010. Công tác nghiệm thu, thanh toán và giải ngân được thực hiện khá đồng bộ. Tuy nhiên, do khối lượng công việc còn lại lớn và tính chất thi công xây lắp giai đoạn này (lắp đặt cửa van sự cố, lắp đặt đường ống áp lực, gia cố nền và màng chống thấm, khoan lỗ giảm áp...) đòi hỏi công tác tổ chức cung ứng, vận chuyển, lắp đặt thiết bị, kiểm tra, giám sát phải được thực hiện nghiêm ngặt.

(Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội)

Tuy nhiên, Chính phủ cho rằng, tồn tại nhất là đối với dự án thành phần là việc tái định cư, chậm thực hiện chi trả tiền chênh lệch và đền bồi thường về đất và chậm hoàn thành hồ sơ nghiệm thu theo quy định. Công tác thu hồi và giao đất sản xuất cho các hộ dân đã tái định cư chậm, tiến độ hoàn thành xây dựng một số hạng mục phải lùi thời hạn.

Do đó, tới đây sẽ tích cực vận động, tuyên truyền các hộ dân còn lại trên địa bàn các huyện Quỳnh Nhai và Mường La (tỉnh Sơn La) ký cam kết di chuyển đến nơi tái định cư mới. Tập trung thực hiện di dân và ổn định đời sống và sản xuất cho 4.502 hộ dân còn lại đáp ứng tiến độ tích nước hồ chứa. Đẩy nhanh việc thu hồi, giao đất sản xuất để sớm ổn định sản xuất và đời sống của các hộ dân đã di chuyển.

Dự án đường Hồ Chí Minh: Giai đoạn 2 lùi 3 năm so kế hoạch

Đường Hồ Chí Minh, công trình quan trọng quốc gia được Quốc hội khóa XI thông qua năm 2004, đồng ý chủ trương đầu tư xây dựng. Ngày 15/2/2007, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể đường Hồ Chí Minh với điểm đầu là Pác Bó (Cao Bằng), điểm cuối Đất Mũi (Cà Mau) với chiều dài 3.167km (tuyến chính dài 2.667km, nhánh Tây dài 500km) được chia làm 3 giai đoạn đầu tư.

Tới nay, giai đoạn 1 cơ bản bàn giao đưa vào khai thác sử dụng đoạn từ Hòa Lạc (Hà Nội) đến Tân Cảnh (Kon Tum) với tổng chiều dài khoảng 1.350km. Giai đoạn 2 gồm 28 dự án thành phần, nay mới hoàn thành 1 dự án thành phần, 17 dự án thành phần đang triển khai thi công hoặc đấu thầu và 10 dự án thành phần đang lập dự án đầu tư hoặc đang gọi vốn đầu tư ODA.

Dự kiến đến năm 2013 sẽ hoàn thành toàn bộ nếu được bố trí đủ vốn (chậm 3 năm so với kế hoạch ban đầu hoàn thành vào năm 2010). Tổng mức đầu tư dự án đường Hồ Chí Minh 2 làn xe (2000-2010) hơn 44,1 nghìn tỷ đồng.

Chính phủ đánh giá: Việc hoàn thành đường Hồ Chí Minh giai đoạn 1 đoạn từ Hòa Lạc (Hà Nội) đến Tân Cảnh (Kon Tum) bước đầu đã mang lại hiệu quả rõ rệt đối với cuộc sống của hàng chục triệu đồng bào các dân tộc trong đó có đồng bào các dân tộc ít người vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng trước đây, tạo điều kiện phát triển kinh tế phía Tây đất nước. Việc xây dựng con đường cũng rút ngắn khoảng cách giữa miền ngược với miền xuôi, miền núi với đồng bằng, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, những thành quả mà đường Hồ Chí Minh mang lại cho cả vùng phía Tây rộng lớn của Tổ quốc chưa tương xứng với tiềm năng, cả về kinh tế, văn hóa, du lịch.

Năm 2010 chỉ tiêu GDP tăng 6,5%

Theo Nghị quyết về kinh tế - xã hội năm 2010 được Quốc hội thông qua ngày 6/11, chỉ tiêu GDP tăng ở mức 6,5%, chỉ số giá tiêu dùng tăng không quá 7%. Mục tiêu tổng quát năm 2010: Nỗ lực phấn đấu phục hồi tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức cao hơn năm 2009, tăng tính ổn định kinh tế vĩ mô; nâng cao chất lượng tăng trưởng; ngăn chặn lạm phát cao trở lại; tăng khả năng bảo đảm an sinh xã hội; chủ động hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế quốc tế…

Các chỉ tiêu kinh tế: Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng trên 6% so với năm 2009, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội bằng khoảng 41% GDP. Các chỉ tiêu xã hội: Số tỉnh đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở: 63 tỉnh; tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động, trong đó đưa 8,5 vạn lao động đi làm việc ở nước ngoài; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 10%; số giường bệnh trên 1 vạn dân là 27,5 giường. Các chỉ tiêu môi trường: tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh 83%; tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý 70%. 

Đ.T.

Trường Tuấn
.
.
.