Quốc hội lo ngại phiên bản Vinalines, Vinashin

Thứ Năm, 04/06/2015, 10:46
Tàu lặn, tàu ngầm, giàn di động là những phương tiện khác với tàu thủy, vậy việc quản lý như thế nào? Cùng với đó, đại biểu Quốc hội cũng kiến nghị có thiết chế để tránh những phiên bản Vinalines, Vinashin lặp lại khi thảo luận dự án Bộ luật Hàng hải sửa đổi.

Lo ngại phiên bản Vinalines, Vinashin

Nội dung tờ trình cho biết, hiện nay đã xuất hiện tàu lặn, tàu ngầm, là loại phương tiện thủy có những đặc thù về hoạt động là chủ yếu dưới mặt nước và các đặc tính khác không giống như tàu biển, vì vậy cần có những quy định đặc thù riêng cho các đối tượng này.

Bên cạnh đó, kho chứa nổi, giàn di động là những kết cấu nổi chuyên dùng đã hoạt động tại Việt Nam nhưng chưa quy định cụ thể. Do đó, dự luật bổ sung các loại hình,  phương tiện đường thủy mới vào danh mục quản lý. 

Cùng với đó, cảng cạn là bộ phận thuộc kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, là đầu mối tổ chức vận tải gắn liền với hoạt động của cảng biển, cảng hàng không quốc tế, cảng đường thủy nội địa quốc tế, cửa khẩu đường bộ quốc tế, đồng thời có chức năng là cửa khẩu đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu, tuy nhiên, Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2005 lại chưa có quy định, vì vậy, cần bổ sung vào dự thảo cho đầy đủ…

Bên cạnh đó, báo cáo đánh giá tác động dự thảo luật của Bộ Giao thông Vận tải cũng cho biết, tính đến hết ngày 31/12/2012 đội tàu biển Việt Nam gồm 1.755 tàu các loại với tổng dung tích hơn 4,3 triệu GT và tổng trọng tải hơn 6,9 triệu USD. Đáng nói hơn, với gần 7 triệu DWT, đội tàu biển Việt Nam mới chỉ vận chuyển được khoảng 10% tổng lượng hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam và khoảng gần 50% hàng hóa đóng container giữa các cảng nội địa. Do đó, cần phải có những chính sách quản lý phù hợp và có chiến lược phát triển đội tàu hợp lý, phù hợp với nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam…

Về chính sách phát triển hàng hải, dự thảo Luật Hàng hải Việt Nam bổ sung nội dung về chính sách xã hội hóa trong đầu tư xây dựng và khai thác kết cấu hạ tầng hàng hải; chính sách ưu tiên phát triển đội tàu vận tải biển thông qua chính sách ưu đãi về thuế, lãi suất; ưu tiên phát triển đội ngũ thuyền viên đáp ứng nhu cầu trong nước và quốc tế... nhằm tạo bước đột phá cho ngành Hàng hải nước ta phát triển.

Theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2010, chúng ta đã cơ bản hoàn thành việc đầu tư xây dựng các cảng biển và hình thành được 3 trung tâm cảng, cảng cửa ngõ quốc tế. Tuy nhiên do chưa có cơ quan nào chịu trách nhiệm điều phối chung về sự đồng bộ trong đầu tư khai thác hạ tầng cảng biển và hạ tầng kết nối cảng biển, dẫn đến việc đầu tư xây dựng cảng còn manh mún, hiệu quả khai thác cảng thấp.

Thảo luận tại tổ chiều 3/6, đại biểu Trần Tiến Dũng (Hà Tĩnh) cho rằng đất nước ta có tiềm năng rất lớn về biển nhưng kinh tế hàng hải lại rất kém do cơ chế chính sách pháp luật chưa phù hợp. Từ đó dẫn đến những vụ việc sai phạm nghiêm trọng như Vinashin, Vinalines, nếu không thận trọng lại dễ có các phiên bản như vậy. Dự luật này phải có những quy định chặt chẽ để ngăn ngừa kẽ hở, lợi dụng như đã xảy ra với Vinalines, Vinashin, gây thất thoát tài sản lớn của nhân dân. Theo đại biểu, những chính sách được đề cập trong dự thảo luật vẫn nặng tính khẩu hiệu, thiếu các chính sách cụ thể.

Ủng hộ chủ trương xã hội hóa, thu hút các nguồn lực đầu tư vào xây dựng, khai thác hạ tầng cảng biển nhưng ĐBQH Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc) đề nghị cần phải phân định rõ ra cái gì nhà nước đầu tư có thể bán lại hoặc giao quyền khai thác cho tư nhân để hiệu quả hơn, và Nhà nước thu lại nguồn lực để tái đầu tư.

Dự thảo Bộ luật Hàng hải sửa đổi phải có những quy định chặt chẽ để ngăn ngừa kẽ hở, tránh như đã xảy ra với Vinalines, Vinashin.

Không nâng tuổi ứng cử đại biểu Quốc hội

Về Tờ trình dự thảo Luật bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) lần này, nhiều ý kiến đề nghị quy định cụ thể về cơ cấu, thành phần và tỷ lệ phân bổ đại biểu là phụ nữ, người dân tộc thiểu số, đại biểu tái cử, người trẻ tuổi ngay trong luật, không nên quy định có “số lượng thích đáng” như hiện nay. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội cho rằng việc dự kiến cơ cấu, thành phần ĐBQH, đại biểu HĐND phải căn cứ vào tiêu chuẩn, đồng thời cần quan tâm đến tình hình, yêu cầu cụ thể của từng giai đoạn, từng địa phương.

Do vậy, UBTV Quốc hội đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý nội dung này theo hướng chỉ quy định về việc UBTV Quốc hội dự kiến số lượng người dân tộc thiểu số, số lượng phụ nữ được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội nhưng phải bảo đảm để ít nhất là 18% tổng số người ứng cử ĐBQH là người dân tộc thiểu số, ít nhất là 35% tổng số người ứng cử ĐBQH là phụ nữ. Một số ý kiến đề nghị nâng tuổi ứng cử đại biểu Quốc hội lên 25-30 tuổi hoặc từ đủ 22 tuổi; quy định tuổi ứng cử tối đa là 70 tuổi. Về vấn đề này, UBTV Quốc hội đề nghị Quốc hội giữ nguyên như quy trịnh trong Điều 27 của Hiến pháp, công dân đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, HĐND.

Thảo luận tại hội trường sáng 3/6, đa số đại biểu quan tâm đến vấn đề tiêu chuẩn của người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND. Đại biểu Lê Thị Yến (Phú Thọ) nêu ý kiến: “Quốc hội là cơ quan lập pháp cao nhất quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước nên đòi hỏi đại biểu Quốc hội phải có thêm tiêu chuẩn riêng như đủ trình độ, năng lực, kiến thức, kỹ năng tổng hợp, phân tích, đánh giá từ lý luận đến thực tiễn. Đối với đại biểu HĐND cũng vậy, tiêu chuẩn trình độ chuyên môn của đại biểu HĐND tỉnh phải khác với tiêu chuẩn trình độ chuyên môn của đại biểu HĐND cấp xã”.

Đề xuất 5 Bộ trưởng trả lời chất vấn

Trên cơ sở câu hỏi đại biểu gửi đến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề xuất 5 vị Bộ trưởng để trình Quốc hội xem xét, lựa chọn 4 vị trực tiếp trả lời chất vấn tại kỳ họp này.

5 vị Bộ trưởng được đề xuất, gồm: Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát; Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng; Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Nguyễn Quân; Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Phạm Vũ Luận; Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh.

Phải làm rõ vấn đề nào cần trưng cầu ý dân

Chiều 3/6, Quốc hội thảo luận tại tổ về Luật trưng cầu ý dân, các đại biểu thảo luận xoay quanh 4 vấn đề: Việc đề nghị Quốc hội đưa ra quyết định trưng cầu ý dân; phạm vi trưng cầu ý dân; chủ thể có quyền đề nghị trưng cầu ý dân và kết quả trưng cầu ý dân. Về phạm vi trưng cầu ý dân, theo ĐBQH Trần Văn Tư (Đồng Nai) thì quy định trưng cầu trong phạm vi cả nước là phù hợp.

“Ví dụ quyết định những vấn đề về Phú Quốc thì không chỉ đó là vấn đề của riêng Kiên Giang hay miền Tây Nam Bộ, mà là của cả nước. Hay như vấn đề hạt nhân, cũng phải trưng cầu ý kiến nhân dân cả nước, bởi nó có tác động không chỉ đối với người dân trong vùng mà còn ảnh hưởng cả nước…” - đại biểu nhấn mạnh. Đặt câu hỏi những vấn đề gì phải lấy ý kiến nhân dân, đại biểu Tư lấy ví dụ vấn đề chiến tranh, lãnh thổ có đưa ra lấy ý kiến nhân dân không? “Tôi nghĩ cần thận trọng, những vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân phải do Quốc hội quyết định”. 

Vinh Hân
.
.
.