Quốc hội ghi nhận nỗ lực phòng ngừa, khắc phục oan, sai của các cơ quan tố tụng

Thứ Bảy, 06/06/2015, 07:52
Chỉ ra tình hình, nguyên nhân dẫn đến oan, sai trong áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự, các đại biểu Quốc hội cũng đánh giá, ghi nhận những nỗ lực của các cơ quan tiến hành tố tụng về phòng ngừa, khắc phục oan, sai, trong đó có vai trò của cơ quan điều tra Công an các cấp. Cũng tại phiên thảo luận ngày 5/6, đại biểu Quốc hội thống nhất với nhiều kiến nghị được nêu trong báo cáo giám sát của UBTV Quốc hội.

Phòng ngừa, khắc phục oan, sai, bảo đảm quyền con người

Báo cáo kết quả giám sát tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự của UBTV Quốc hội đánh giá, trong những năm gần đây, tình hình tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp, gia tăng số vụ, số người phạm tội, phương thức, thủ đoạn phạm tội tinh vi, xảo quyệt, nhưng cơ quan điều tra (CQĐT), Viện kiểm sát, Tòa án các cấp đã có nhiều nỗ lực, tích cực đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Về cơ bản hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, bảo đảm quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Các cơ quan đã triển khai áp dụng nhiều biện pháp để chấn chỉnh, khắc phục tồn tại, thiếu sót trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử; nhờ đó tình hình oan, sai đã được hạn chế đáng kể so với trước đây. Tuy nhiên, so với yêu cầu cải cách tư pháp, yêu cầu của Hiến pháp năm 2013 thì công tác này còn một số hạn chế cần được khắc phục.

Bộ trưởng Trần Đại Quang phát biểu tại Quốc hội ngày 5/6.

Trong kỳ giám sát (từ 2011-2014), các cơ quan tiến hành tố tụng khởi tố, điều tra 219.506 vụ với 338.379 bị can nhưng số vụ làm oan người vô tội trong 3 năm chỉ có 71 trường hợp, chiếm 0,02%. Số người bị oan trên chủ yếu thuộc loại án giết người, cướp tài sản, hiếp dâm trẻ em không quả tang mà quá trình điều tra gặp nhiều khó khăn và loại án về kinh tế do chủ quan của người tiến hành tố tụng.

Kết quả giám sát cũng cho thấy, phần lớn các địa phương báo cáo trong nhiều năm chưa phát hiện trường hợp nào làm oan người vô tội. Ở những địa phương có xảy ra oan, sai thì hầu hết các trường hợp bị oan trong những năm gần đây đều được các cơ quan có thẩm quyền tố tụng qua kiểm tra, phát hiện và được khắc phục, xử lý ngay trong giai đoạn điều tra, truy tố.

Trong khi đó, một số vụ án đặc biệt nghiêm trọng mà dư luận quan tâm thì không phải xảy ra trong kỳ giám sát (2011-2014) mà chủ yếu đã xảy ra từ lâu, có những vụ án đã xảy ra cách đây từ 7-10 năm, có vụ 16 năm (ngoài kỳ giám sát) nhưng gần đây, nhờ sự vào cuộc tích cực của các cơ quan tiến hành tố tụng nên mới được phát hiện. Về những sai sót trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử thì phần lớn các sai sót này đã được các cơ quan có thẩm quyền tố tụng thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời.

Đánh giá về nguyên nhân dẫn đến oan, sai, đoàn giám sát cho rằng, có các nguyên nhân khách quan như do diễn biến, tính chất tinh vi, phức tạp của tội phạm. Về chủ quan, thuộc về lỗi của một số người tiến hành tố tụng. Thảo luận tại hội trường, các đại biểu Quốc hội khẳng định, giám sát về tình hình oan, sai trong áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật là một chủ trương đúng đắn của Quốc hội. Đây là cơ sở rất quan trọng để các ngành, các cấp, trước hết là các cơ quan tiến hành tố tụng khắc phục các hạn chế, nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động trong điều tra, truy tố, xét xử.

Cần phân biệt rõ các vụ oan, sai trong các giai đoạn khác nhau

Góp ý thêm về báo cáo, nhiều ý kiến đề nghị cần phân định rõ các vụ, việc oan, sai trong kỳ giám sát, không đánh đồng các vụ đã xảy ra quá lâu. Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) băn khoăn, “kế hoạch của chúng ta là giám sát tình hình oan, sai trong 3 năm, năm 2011 đến năm 2014, nhưng các dẫn chứng đưa ra chủ yếu là những vụ đã xảy ra từ rất lâu. Vì thế, khi đọc báo cáo chúng tôi có cảm giác tình hình 3 năm qua rất nghiêm trọng song thực tế lại không phải như vậy”. Đại biểu chỉ rõ, những vụ oan, sai nghiêm trọng gây bức xúc dư luận thực tế đã xảy ra từ trước, như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn đã xảy ra hơn 10 năm, nay được phát hiện, giải oan là nhờ sự vào cuộc tích cực của các cơ quan tố tụng.

Đại biểu thảo luận tại hội trường ngày 5/6.

Vì thế, trong báo cáo, ông đề nghị nên phân biệt rõ đây là những việc đã diễn ra ngoài thời kỳ giám sát và những vụ này đến giai đoạn này chúng ta phát hiện, tiếp tục xử lý. “Khi có sự tách biệt như vậy, chúng ta sẽ thấy những cố gắng của các cơ quan bảo vệ pháp luật trong 3 năm qua là rất lớn trong việc khắc phục những hiện tượng oan sai đã xảy ra trước đây” – đại biểu giải thích... 

Ghi nhận nỗ lực ngăn ngừa, khắc phục oan, sai

Ghi nhận những giải pháp tích cực, hiệu quả của các cơ quan tiến hành tố tụng, đại biểu Nguyễn Tuyết Liên (Sóc Trăng) viện dẫn, trong thời gian qua, Quốc hội cũng đã nhiều lần chất vấn, thảo luận cho ý kiến về vấn đề có liên quan đến oan, sai trong hoạt động tố tụng. “Qua theo dõi tôi thấy các đồng chí lãnh đạo của các cơ quan tư pháp ở trung ương như đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an, các đồng chí Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao cũng đã triển khai nhiều biện pháp để hạn chế khắc phục hiện tượng này trong ngành mình, cụ thể như đã tổ chức nhiều hội thảo chuyên đề để nâng cao chất lượng điều tra, truy tố, xét xử chống oan, sai, chống bức cung, nhục hình, rà soát các quy chế, quy trình nghiệp vụ, giáo dục đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp và khắc phục những tư tưởng sợ sai mà chùn bước không dám trấn áp tội phạm. Tôi cũng thấy rằng, các cơ quan tố tụng đã kịp thời xử lý đối với số cán bộ sai phạm, công khai xin lỗi và bồi thường theo quy định đối với các trường hợp oan, sai” – đại biểu khẳng định.

Nói thêm về báo cáo giám sát, đại biểu Nguyễn Tuyết Liên cho rằng một số phần chưa chính xác. Chẳng hạn, báo cáo nêu “trong 80% vụ án hình sự chưa có luật sư tham gia” thì dựa vào tiêu chí nào để đưa ra số liệu này? Đại biểu phân tích, ở nước ta hiện nay, hằng năm xảy ra khoảng 80.000 vụ phạm pháp hình sự, trong khi đó số đội ngũ luật sư của chúng ta có khoảng 10.000 luật sư, không phải người bị tạm giữ, bị can, bị cáo nào cũng mời luật sư tham gia bào chữa. Do đó, cần phải tách bạch các trường hợp này để phân tích số liệu cho phù hợp hơn.

Theo đại biểu Thích Thanh Quyết, cần phải nhìn nhận rõ nguyên nhân khách quan của vấn đề oan, sai do tình hình tội phạm có rất nhiều diễn biến phức tạp, gia tăng cả về số vụ, việc, đối tượng phạm tội và tính chất, mức độ nguy hiểm, phương thức thủ đoạn, phạm tội rất tinh vi, xảo quyệt. Trong hoàn cảnh đó, các cơ quan tiến hành tố tụng, trong đó có CQĐT Công an các cấp đã có nhiều nỗ lực tích cực đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần giữ vững an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự an toàn xã hội. “Hoạt động điều tra, truy tố xét xử luôn được các cơ quan tiến hành tố tụng quan tâm khắc phục để tránh xảy ra các tình trạng oan, sai; nhờ đó tỷ lệ án oan, sai đã được hạn chế rất nhiều. Mặc dù tỷ lệ oan, sai rất thấp nhưng những vụ, việc này đã được các cơ quan tố tụng tập trung khắc phục kịp thời” – đại biểu đánh giá.

Cần phân biệt oan và sai

Theo đại biểu Thích Thanh Quyết, trong báo cáo cần phân biệt rõ khái niệm oan và sai trong tố tụng hình sự. Những trường hợp bị oan chủ yếu do các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng sai quy định của pháp luật và tố tụng hình sự. Tuy nhiên, có những trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng chưa đúng, không đầy đủ quy định và trình tự, thủ tục của tố tụng hình sự nhưng không làm thay đổi bản chất của vụ án, không làm oan sai cho người bị bắt, người bị tạm giữ, tạm giam, bị khởi tố, truy tố, xét xử. Vì vậy, trong báo cáo cần có sự phân tích rõ hơn về tình hình oan và sai. Nguyên nhân của việc oan, sai và trách nhiệm của từng cơ quan tiến hành tố tụng để xảy ra việc oan, sai để đưa ra các giải pháp khắc phục phù hợp. 

Đại biểu nhất trí với các nguyên nhân của tình hình oan, sai mà báo cáo đã chỉ ra. Trong đó có những vụ từ hệ thống pháp luật của nhà nước, trong điều tra, xử lý tội phạm các quy định của pháp luật hình sự và pháp luật tố tụng hình sự có vai trò hết sức quan trọng. Hiện nay nhiều quy định của pháp luật hình sự, tố tụng hình sự chưa được đầy đủ, chưa chặt chẽ và chưa hoàn thiện đồng bộ, nhưng chưa được hướng dẫn cụ thể, dẫn tới nhận thức, vận dụng và thực hiện không đúng, không thống nhất. Nhiều nội dung của Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự cần được giải thích, hướng dẫn nhưng cơ quan có thẩm quyền chưa tiến hành việc giải thích, hướng dẫn kịp thời.

Cần có cách nhìn đúng về việc bắt giữ hình sự

Theo đại biểu Nguyễn Sĩ Cương (Ninh Thuận), trong báo cáo còn nêu việc bắt giam hình sự để xảy ra nhiều trường hợp phải chuyển xử lý hành chính, từ đó coi là thiếu sót của các cơ quan tố tụng thì cũng chưa thỏa đáng.

Vấn đề này cần được nhìn nhận, đánh giá ở góc độ thực thi pháp luật, cơ quan điều tra, truy tố, xét xử có thực hiện đúng pháp luật hay không?

Nếu sai, thì vấn đề sai cần được làm rõ. Vì đây là báo cáo giám sát tình hình án oan, sai trong việc thực thi pháp luật hình sự và tố tụng hình sự cũng cần chỉ ra con số cụ thể bao nhiêu là trường hợp oan, bao nhiêu trường hợp sai vì tính chất oan, sai là khác nhau. Từ đó xác định nguyên nhân, giải pháp khắc phục.

Theo ông, trong thực tế, yêu cầu đối với hoạt động điều tra là áp dụng đúng pháp luật, nhưng cũng còn phải đảm bảo các nguyên tắc khác như không bỏ lọt tội phạm, sử dụng các biện pháp ngăn chặn, không để đối tượng tiếp tục phạm tội, ngoài ra trong quá trình điều tra việc thu thập chứng cứ, chứng minh tội phạm, các CQĐT cũng phải chú trọng thu thập để chứng minh sự vô tội hoặc tính chất mức độ, hành vi của bị can theo nguyên tắc suy đoán vô tội.

“Như tôi được biết, nhiều vụ án, bị can đã được đình chỉ điều tra, chuyển xử lý hành chính theo đúng quy định của pháp luật, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân vẫn được đảm bảo” – đại biểu Cương lập luận.

PVTS
.
.
.