Quốc hội ghi nhận nỗ lực của lực lượng Công an

Thứ Tư, 18/12/2013, 09:58
Tại kỳ họp thứ 6 vừa qua, Quốc hội đã dành thời gian thảo luận báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm, thực hiện Nghị quyết 37 của Quốc hội và báo cáo của các cơ quan tư pháp. Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản tán thành các nội dung của báo cáo, đặc biệt ghi nhận kết quả đảm bảo an ninh quốc gia, phòng chống các loại tội phạm của lực lượng CAND, đã kiềm chế một số loại tội phạm, nâng cao tỷ lệ điều tra khám phá án... Các đại biểu cũng đóng góp ý kiến, hiến kế ngăn ngừa, chống các loại tội phạm...

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu: Nghị quyết 37 tạo chuyển biến tích cực trong công tác tư pháp

Về cơ bản các vị đại biểu Quốc hội tán thành các báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và báo cáo thẩm tra của Ủy ban tư pháp về công tác phòng ngừa chống vi phạm pháp luật, tội phạm, công tác tư pháp năm 2013 và định hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp năm 2014.

Các bản báo cáo đều được chuẩn bị tốt hơn các năm trước, phản ánh toàn diện các mặt công tác tư pháp và kết quả thực hiện Nghị quyết 37 của Quốc hội về công tác phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật, công tác điều tra, truy tố, xét xử thi hành án, các vị đại biểu Quốc hội đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân trong việc thực hiện mục tiêu các chỉ tiêu đã được đề ra trong Nghị quyết 37 của Quốc hội.

Các vị đại biểu Quốc hội cho rằng, đây là nghị quyết quan trọng, tạo được sự chuyển biến tích cực trong công tác tư pháp, nhiều chỉ tiêu nêu trong nghị quyết đều đạt và vượt như tỷ lệ phát hiện khám phá các loại án đạt trên 76,6%. Nhất là các vụ án nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng thì đạt tỷ lệ cao hơn là trên 90%. Số vụ kết thúc điều tra đề nghị truy tố tăng cao hơn các năm trước.

Tuy nhiên, trong báo cáo cần phải đề cập đầy đủ hơn về tình trạng vi phạm pháp luật ở một số lĩnh vực khác, trong đó có vấn đề đánh giá vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, tình trạng bảo kê, can thiệp, che giấu tội phạm...

Đại biểu Lưu Thị Huyền (Ninh Bình): Chia sẻ sự hy sinh, mất mát

Trong năm qua, cùng với tinh thần nỗ lực của cả hệ thống chính trị, trong đó lực lượng Công an đóng vai trò nòng cốt, công tác phòng ngừa, vi phạm pháp luật đã được quan tâm trên các địa bàn trọng điểm về an ninh trật tự. Vì vậy, đã kiềm chế được tốc độ gia tăng tội phạm với 18 đợt tập trung đấu tranh truy quét tội phạm, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm đã đạt được những kết quả tích cực hơn so với những năm trước, đạt tỷ lệ điều tra khám phá rất cao đạt đến 76%. Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm gắn với sự hy sinh của nhiều chiến sỹ, chỉ tính từ đầu năm đến nay riêng lực lượng Công an đã có 6 đồng chí hy sinh, 114 đồng chí bị thương trong khi thi hành công vụ để bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân được cử tri cả nước tin tưởng và ghi nhận.

Mặc dù, đánh giá cao sự nỗ lực của các lực lượng đấu tranh trong công tác phòng, chống vi phạm pháp luật nhưng cử tri vẫn còn băn khoăn như tình trạng vi phạm pháp luật tội phạm trong năm 2013 còn diễn biến phức tạp, nghiêm trọng. Tội phạm có xu hướng trẻ hóa, tội phạm trong thanh, thiếu niên gia tăng, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm về an ninh mạng, tội phạm vay nặng lãi, buôn lậu, gian lận thương mại, tội phạm về ngân hàng tài chính và tội phạm xuyên quốc gia có ảnh hưởng rất lớn đến an ninh và hội nhập quốc tế.

Đại biểu Bạch Thị Hương Thủy (Hòa Bình): Tội phạm tăng có nguyên do kinh tế khó khăn

Năm 2013 đã tạo bước chuyển biến rõ rệt trong công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm. Công tác điều tra, truy tố, xét xử thi hành án về cơ bản đã hoàn thành chỉ tiêu theo Nghị quyết số 37, góp phần giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế đất nước. Đặc biệt trong thời gian qua, Công an thành phố Hà Nội đã thành lập lực lượng 141 thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, xử lý các đối tượng có dấu hiệu vi phạm pháp luật, bên cạnh đó cơ quan báo chí cũng là một trong những đơn vị đã góp phần tích cực trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Tuy nhiên cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội thì tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm ngày càng diễn biến phức tạp, tinh vi như tội tuyên truyền chống phá nhà nước, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng, đặc biệt tội phạm ma túy ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp... Tôi cho rằng nguyên nhân của tình hình tội phạm gia tăng là do kinh tế còn nhiều khó khăn, số lượng người thất nghiệp tăng làm ảnh hưởng đến an sinh xã hội, tác động tiêu cực từ văn hóa phẩm độc hại, trò chơi bạo lực, công tác quản lý mạng Internet chưa chặt chẽ, thiếu sự phối hợp trong công tác giáo dục giữa gia đình và nhà trường...

PV
.
.
.