Quốc hội đề nghị không tăng quyền khởi tố, điều tra cho Viện kiểm sát

Thứ Sáu, 06/06/2014, 10:00
Dự án Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao sửa đổi mở rộng quyền hạn điều tra cho cơ quan điều tra thuộc VKSND tối cao. Tuy nhiên, đa số các ý kiến thảo luận tại Quốc hội không đồng ý vì cho rằng nếu mở rộng sẽ chồng lấn với chức năng điều tra trong CAND.

Duy trì cơ quan điều tra VKSND

Nhiều ý kiến cho rằng nội dung các quy định chưa rõ ràng, chưa phân biệt được hai chức năng của VKSND là thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, còn lẫn lộn giữa quyền hạn và trách nhiệm. Một số ý kiến đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định về chức năng, nhiệm vụ của VKSND để nâng cao vai trò trong thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra vụ án hình sự. Bổ sung cơ chế giúp VKSND kiểm sát việc phân loại xử lý các hành vi vi phạm, bảo đảm toàn diện, nghiêm minh, không bỏ lọt tội phạm. Một số ý kiến đề nghị làm rõ nội hàm khái niệm “thực hành quyền công tố”. Việc quy định nội dung thực hành quyền công tố bao gồm xác định tội phạm và người phạm tội là chồng chéo với chức năng của cơ quan điều tra và không phù hợp với Kết luận số 92 của Bộ Chính trị. Vì theo dự thảo, thì bao gồm cả kiểm sát hoạt động xét xử của tòa án.

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng, từ năm 1989 đến nay, cơ quan điều tra VKS được giao điều tra án xâm phạm hoạt động tư pháp, nên kế thừa, không làm oan người vô tội, phục vụ chức năng quyền công tố xuất phát từ chức năng Hiến định của VKS, tham gia tất cả các giai đoạn tố tụng. Điều tra xâm phạm hoạt động tư pháp là hoàn toàn phù hợp, vì đó là các cán bộ có chức có quyền, có trình độ nên các vụ án mà VKS điều tra là ít.

Đại biểu Phạm Trường Dân, Phó Giám đốc Công an Quảng Nam phát biểu tại hội trường.

Phân tích về Điều 2, đại biểu Phạm Trường Dân (Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam) cho rằng, VKS cần phải bám sát 2 nhiệm vụ công tố và kiểm sát điều tra, không trực tiếp  giải quyết tin báo về tội phạm, phải giữ vai trò chủ thể độc lập. Không nên quy định quyền khởi tố cho VKSND mà chỉ yêu cầu cơ quan điều tra khởi tố. Trong giai đoạn điều tra chỉ có cơ quan điều tra mới thực hiện điều tra, nếu không sẽ giẫm chân lên nhau… Phân tích về tính độc lập, đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) cho rằng, dự thảo luật có chất lượng tốt, thể hiện quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp, tiến tới mục tiêu hoạt động độc lập.

Ông Quyền cho rằng, kiểm sát viên với Viện trưởng VKSND theo nguyên tắc tập trung thống nhất, tạo hành lang pháp lý độc lập, các chức danh trong đó có kiểm sát viên đều có tính đặc thù hơn so với công chức hành chính. “Mỗi người đều độc lập, phải tuân theo pháp luật, không thể tập trung thống nhất, không thuộc chỉ đạo của Viện trưởng. Không thể đang xử án tại tòa lại phải về hỏi ý kiến thủ trưởng được”, đại biểu Quyền phân tích về tính độc lập.

Không nên lập VKSND khu vực

Thảo luận mô hình tổ chức VKSND cấp huyện hay khu vực, nhiều ý kiến đại biểu chọn phương án 2 là "Tổ chức VKSND tại các đơn vị hành chính cấp huyện". Các lĩnh vực công tác của cấp kiểm sát này đòi hỏi mối quan hệ chặt chẽ với cơ quan điều tra và cơ quan thi hành án, trong khi các cơ quan này vẫn giữ nguyên hệ thống tổ chức gắn liền với các đơn vị hành chính như hiện nay. Tổ chức VKSND cấp huyện là cơ sở quan trọng để thực hiện tốt yêu cầu của Đảng về tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, thực hiện cơ chế công tố gắn với điều tra, bảo đảm yêu cầu xây dựng nền tư pháp gần dân, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận công lý, tiết kiệm thời gian và chi phí cho cả người dân, Nhà nước và xã hội.

“Nếu thành lập VKSND theo phương án 1 là “Tổ chức VKSND theo khu vực” sẽ gây khó khăn cho người dân về khoảng cách địa lý do phải sáp nhập nhiều đơn vị VKSND cấp huyện vào VKSND khu vực. Mặt khác, nếu thành lập VKSND theo khu vực, việc xây dựng trụ sở, mua sắm trang bị, phương tiện làm việc cho mô hình này sẽ rất tốn kém về kinh phí, diện tích đất đai và các nguồn lực khác, trong khi điều kiện kinh tế của đất nước còn gặp khó khăn, do đó, tổ chức VKSND cấp huyện như hiện nay là hợp lý”, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) phân tích.

Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Bạch Thị Hương Thủy (Hòa Bình) lý giải: Phương án này đã đáp ứng yêu cầu về đổi mới hoạt động tố tụng của VKSND, đó là tăng cường hoạt động công tố trong công tác điều tra, thực hiện cơ chế công tố gắn với điều tra”. 

Cũng tán thành chọn phương án 2, đại biểu Lê Minh Hiền (Khánh Hòa) cho rằng tại một số địa phương việc đi lại để tham gia tố tụng đối với các vụ án rất khó khăn, nếu thành lập VKSND khu vực sẽ gây khó khăn cho người dân khi tham gia tố tụng. Xu hướng tội phạm ngày càng phức tạp, đòi hỏi phải gắn bó với cơ quan điều tra từ khâu khám nghiệm hiện trường, làm đúng quy định của pháp luật, ra lệnh bắt tạm giam, tạm giữ… tất cả đều gắn liền với nhau. Nhiều đại biểu không đồng ý phương án VKSND khu vực.

“Đề nghị giữ nguyên viện kiểm sát nhân dân cấp huyện là phù hợp, gắn với cơ quan điều tra cấp huyện. Tránh oan sai từ ngay khâu điều tra chứ không chỉ lúc ra tòa. Phải cải cách cái đầu, lương tâm, trách nhiệm chứ không phải riêng cái trụ sở. Phải dành cho họ chế độ, lương bổng phù hợp thì họ không nghĩ đến tiền, tránh việc “đói ăn vụng, túng làm liều”. Nếu cứ quyết theo mô hình VKSND khu vực là hậu quả khôn lường”, đại biểu Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh) quả quyết.

Mở rộng thẩm quyền sẽ chồng chéo

Về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện Kiểm sát nhân dân khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra ở Điều 15. Tôi xin tham gia góp ý tại Khoản 1 và Khoản 3 như sau:

Tại Khoản 1 dự thảo quy định "Viện Kiểm sát nhân dân có thẩm quyền quyết định khởi tố", đề nghị xem xét lại quy định này, theo tôi không quy định thẩm quyền quyết định khởi tố của Viện Kiểm sát nhân dân, chỉ quy định Viện Kiểm sát nhân dân có quyền hạn yêu cầu cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, khởi tố vụ án là phù hợp.

Tại Khoản 3 dự thảo quy định "Viện Kiểm sát nhân dân có thẩm quyền trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra", theo tôi trong giai đoạn điều tra chỉ có cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có thẩm quyền điều tra. Viện Kiểm sát nhân dân chỉ có trách nhiệm kiểm sát, giám sát các hoạt động của cơ quan điều tra và đề ra các yêu cầu chứng minh để Viện Kiểm sát nhân dân thực hiện quyền công tố. Nếu quy định như dự thảo Viện Kiểm sát nhân dân có quyền trực tiếp điều tra một số hoạt động điều tra thì không bảo đảm nguyên tắc tố tụng hình sự, sự chế ước lẫn nhau giữa các cơ quan tư pháp.

Về quyền hạn điều tra của Viện Kiểm sát nhân dân khi thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp ở Điều 20, tôi nhận thấy phù hợp với quyền hạn của Viện Kiểm sát nhân dân. Tuy nhiên, tôi cũng xin đề nghị Ban soạn thảo dự án luật cần quy định cho rõ là quyền tiến hành một số hoạt động điều tra bao gồm những hoạt động nào, không nên quy định chung chung như dự thảo, sẽ gây khó khăn cho việc áp dụng sau này khi dự án luật có hiệu lực thi hành.

Về thẩm quyền điều tra của cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân ở Điều 21 và thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra, điều tra viên, trợ lý điều tra viên của Viện Kiểm sát nhân dân ở Mục 4, Chương IV. Tôi nhận thấy các điều luật này thuộc phạm vi điều chỉnh của dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, do đó tôi đề nghị không nên đưa vào dự thảo Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân (sửa đổi) lần này.

(Đại biểu Phạm Trường Dân, Quảng Nam)

PV

Kim Quý - Vũ Hân
.
.
.