Quốc hội băn khoăn việc nâng thời hạn bảo hộ tác quyền

Thứ Ba, 02/06/2009, 08:41
Tại phiên thảo luận sáng 1/6 về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đã bày tỏ ý kiến khá quyết liệt không đồng tình với đề xuất nâng thời hạn bảo hộ quyền tác giả lên 75 năm, thay vì 50 năm như hiện nay.

Phải cân nhắc đến quyền hưởng thụ của công chúng

Đề nghị giữ nguyên thời hạn bảo hộ như quy định hiện hành, đại biểu Vũ Hồng Anh (Hà Nội) nêu ý kiến, khi xây dựng quyền sở hữu trí tuệ năm 2005, Quốc hội đã cân nhắc kỹ đến thời hạn bảo hộ quyền tác giả trên các khía cạnh. Trong đó có sự phù hợp với chuẩn mực quốc tế để mở đường cho chúng ta gia nhập Tổ chức thương mại thế giới.

Đại biểu Vũ Hồng Anh (Hà Nội) phát biểu tại Hội trường.

Sự phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của đất nước, sự cân bằng hài hòa giữa quyền và lợi ích hợp pháp của tác giả với quyền hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật của công chúng, việc xác định thời hạn bảo hộ 50 năm không những phù hợp với chuẩn mực quốc tế, Công ước BERNE và Hiệp định TRISP, phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của đất nước, mà còn đảm bảo cho tác giả hưởng thù lao xứng đáng cho hoạt động sáng tạo của mình, góp phần đảm bảo cho tác giả yên tâm đầu tư trí tuệ, công sức cho hoạt động sáng tạo văn hóa, nghệ thuật.

Mặt khác, thời hạn này còn đảm bảo được quyền hưởng thụ văn hóa của công chúng. Ở nước ta hiện nay hơn 70% dân số sống ở vùng nông thôn, điều kiện hưởng thụ văn hóa, tác phẩm nghệ thuật còn hạn chế. Do vậy việc xác định thời hạn bảo hộ 50 năm còn đảm bảo cho một bộ phận đông đảo nhân dân sớm được tiếp cận với những tác phẩm văn hóa, nghệ thuật có giá trị.

Chung quan điểm này, đại biểu Phan Trung Lý (Nghệ An) cho rằng không thể lập luận như trong Tờ trình của Ban soạn thảo về việc kéo dài thời hạn bảo hộ quyền tác giả quy định tại Khoản 2, Điều 27 với lý do để bảo đảm bình đẳng giữa công dân Việt Nam và Hoa Kỳ và để theo xu thế chung của thế giới.

Theo đại biểu, vấn đề chính ở đây phải xác định các Điều ước quốc tế quy định bắt buộc chúng ta phải thực hiện như thế nào. Công ước BERNE và Hiệp định TRIPS quy định thời hạn bảo hộ chỉ 25 năm hoặc 50 năm, cao nhất 50 năm. Nhưng ở Việt Nam thì tất cả các loại ở trong này chúng ta đều đã bảo hộ đến 50 năm. Bây giờ lại đề nghị kéo lên đến 75 năm, tức là gấp rưỡi quy định hiện hành của các công ước quốc tế, trong khi ta chỉ ký kết điều ước song phương với Hoa Kỳ.

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) dẫn chứng: Công ước Geneva nói về quyền bảo hộ đối với bản ghi âm, ghi hình cũng chỉ quy định 20 năm, chúng ta quy định 50 năm như hiện nay đã là nhiều rồi, không thể kéo dài thêm nữa.

"Nâng thời hạn bảo hộ tức là những phim của hề Sác lô từ năm 1935, bây giờ chúng ta chiếu thì vẫn phải trả tiền bản quyền…. như vậy, sẽ hạn chế ghê gớm quyền tiếp cận của công chúng" - đại biểu phân tích.

Dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp: "Siết" điều kiện hoạt động

Theo đề xuất của Chính phủ thì nên quy định các tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp phải là doanh nghiệp, tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ có tư cách pháp lý độc lập được thành lập và hoạt động hợp pháp theo pháp luật của Việt Nam.

Trong ý kiến thẩm tra đối với dự án luật này, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng yêu cầu về "tư cách pháp lý độc lập" là không cần thiết. Tuy nhiên, nhiều đại biểu Quốc hội lại đồng tình với đề xuất của Chính phủ.

Theo đại biểu Đặng Vũ Minh (Tây Ninh): thực tế trong những năm qua cho thấy tài sản trí tuệ là một loại tài sản vô hình, nhưng có thể đem lại những lợi ích vật chất vô cùng to lớn, trị giá từ vài chục nghìn USD cho đến hàng triệu, thậm chí hàng trăm triệu USD. Nếu cho phép các chi nhánh, văn phòng đại diện là những tổ chức không đủ tư cách pháp lý, độc lập đứng ra làm đại diện để quyết định những khoản tài sản lớn như vậy của các doanh nghiệp, nếu xảy ra sai sót, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp thì các chi nhánh, văn phòng đại diện không đủ khả năng pháp lý để giải quyết.

Thêm vào đó qua tìm hiểu kinh nghiệm của các nước có truyền thống trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, hàng năm phải giải quyết gần 1 triệu đơn xin cấp bằng sáng chế thì ở những nước đó pháp luật cũng không cho phép các chi nhánh, văn phòng đại diện trực tiếp nộp đơn cho cơ quan quản lý sở hữu trí tuệ quốc gia.

Đại biểu Nguyễn Đăng Trừng (TP. HCM) cũng đồng tình với đề xuất trong dự thảo, vì cho rằng thêm điều kiện phải có tư cách pháp lý độc lập mới bảo đảm quyền lợi của tổ chức, của các tổ chức cá nhân Việt Nam và nước ngoài là chủ sở hữu các quyền về sở hữu trí tuệ, vì sở hữu trí tuệ là một loại hình dịch vụ khoa học công nghệ đặc biệt theo Điều 2, Khoản 8 Luật Khoa học công nghệ, nếu làm sai sẽ làm tổn thất tài sản vô hình rất lớn.

Đề nghị "siết" chặt hơn lĩnh vực này, đại biểu nhấn mạnh rằng không thể các chi nhánh, văn phòng đại diện các công ty luật nước ngoài không có tư cách pháp lý độc lập theo pháp luật Việt Nam, làm đại diện dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp.

Người cao tuổi sẽ được hưởng nhiều ưu đãi

Chiều 1/6, Quốc hội đã thảo luận ở tổ về dự án Luật Người cao tuổi. Trong quá trình soạn thảo dự án luật này, có nhiều ý kiến cho rằng người cao tuổi cần được ưu đãi khi sử dụng các dịch vụ đi lại, tham quan... và đề nghị trong luật cần có quy định cụ thể về mức giảm giá dịch vụ cho người cao tuổi khi khám bệnh, chữa bệnh, tham gia giao thông, hoạt động văn hoá, văn nghệ, thăm danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử văn hoá dân tộc (được giảm 20%); khi đi máy bay, tàu biển (được giảm 30%); giá dịch vụ tiêu dùng điện nước và điện thoại sử dụng tại cơ sở chăm sóc người cao tuổi không vì mục đích lợi nhuận (được giảm 30%).

Theo ý kiến chung, việc quy định giảm giá dịch vụ cho người cao tuổi là cần thiết, phù hợp với đạo lý và chủ trương, chính sách của Đảng. Tuy nhiên, mức giảm giá cụ thể phụ thuộc vào điều kiện phát triển KT-XH của đất nước trong từng thời kỳ và phụ thuộc vào các chính sách đồng bộ khác của Chính phủ.

Vì vậy, Quốc hội nên giao Chính phủ quy định nhằm bảo đảm tính linh hoạt, phù hợp với thực tiễn điều hành của Chính phủ trong từng thời kỳ.

B.Tuấn - Đ.Trường
.
.
.