Quan niệm truyền thống đánh giá thấp phụ nữ là rào cản vô hình

Thứ Tư, 27/08/2014, 16:20
Quan niệm truyền thống đánh giá thấp khả năng và tiềm năng của phụ nữ cũng là rào cản vô hình cho sự tham gia của phụ nữ vào phát triển kinh tế... Điều này được nhìn nhận tại diễn đàn “Hội nhập ASEAN và Trao quyền kinh tế cho phụ nữ khu vực Mê-kông” diễn ra sáng nay.

Diễn đàn do Chính phủ Australia tổ chức cho các đối tác trong khu vực. Diễn đàn diễn ra trong hai ngày 27 và 28/8 tại Hà Nội. Được tổ chức lần đầu tiên tại khu vực Mê-kông, diễn đàn sẽ tập trung thảo luận cách thức để giúp phụ nữ có thể phát huy đầy đủ tiềm năng phát triển kinh tế và xã hội của mình. Diễn đàn cũng là một kênh thảo luận quan trọng cho các bên liên quan nhằm đảm bảo phụ nữ được hưởng lợi tối đa từ tiến trình phát triển kinh tế trong bối cảnh hội nhập ASEAN.

Diễn đàn về phụ nữ khu vực sông Mê kông được bàn luận sôi nổi sáng nay.

Khu vực Mê-kông đang liên kết ngày một chặt chẽ, vì thế cơ hội xem xét các vấn đề từ góc độ khu vực là hết sức quan trọng. Đại sứ Australia tại Việt Nam, ngài Hugh Borrowman nhận định: “Tôi hy vọng rằng đây là cuộc họp đầu tiên trong rất nhiều các cuộc họp khác sẽ diễn ra trong khu vực Mê-kông giúp chúng ta thảo luận các giải pháp sáng tạo cho những vấn đề phát triển cấp bách của khu vực”.

Hội nhập ASEAN có thể là một cú hích mạnh mẽ cho quá trình tham gia vào phát triển kinh tế của phụ nữ. Tuy nhiên, những khác biệt do sự bất bình đẳng giới như khả năng tiếp cận vốn, thị trường, kỹ năng kinh doanh… có thể làm chậm lại tốc độ tăng trưởng kinh tế. Liên Hợp quốc đã đánh giá thiệt hại do phụ nữ “bị bỏ lỡ cơ hội” tham gia làm kinh tế ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương là 89 tỷ USD mỗi năm.

Phụ nữ gặp phải rất nhiều rào cản như sự bất bình đẳng trong các điều luật, không thể đáp ứng các yêu cầu thế chấp do thiếu quyền sở hữu tài sản, bị quấy rối nơi công cộng, thiếu kiến thức kinh doanh cũng như năng lực và kiến thức tài chính cơ bản. Phụ nữ cũng phải đối mặt với sự phân biệt đối xử, cả trực tiếp cũng như gián tiếp, vì những định kiến giới. Quan niệm truyền thống đánh giá thấp khả năng và tiềm năng của phụ nữ cũng là rào cản vô hình cho sự tham gia của phụ nữ vào phát triển kinh tế. "Bình đẳng giới" không phải một trách nhiệm bắt buộc chỉ để thu thập số liệu thống kê chính xác về các vấn đề phát triển, mà còn là một cơ hội hiện hữu bởi lợi ích sẽ được đền đáp bằng những giá trị thực tế trong dài hạn" - Bộ trưởng Phụ trách Các vấn đề phụ nữ của Campuchia, Tiến sỹ Ing Khanthaphavy, diễn giả chính nói tại diễn đàn.

Theo bà Lê Kim Dung, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, trong bối cảnh còn nhiều định kiến xã hội cũng như những khó khăn của nền kinh tế thế giới vừa phục hồi, vai trò của nữ giới được nâng cao và bình đẳng giới chỉ có thể đạt được khi người phụ nữ được trao quyền kinh tế, chính trị và xã hội một cách công bằng và bình đẳng. Trong khuôn khổ xu hướng hợp tác ASEAN, Việt Nam đã rất chủ động với các hoạt động tăng cường bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ và giúp phụ nữ tham gia vào các hoạt động kinh tế

M.Đ.
.
.
.