Quốc hội thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội:

Phục hồi kinh tế và gỡ khó cho người nông dân

Thứ Sáu, 01/11/2013, 05:27
Với nhiều khó khăn thách thức còn ở trước mắt, trong ngày làm việc 31/10, Quốc hội tiếp tục dành thời gian để thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế xã hội, đặc biệt tập trung vào việc đưa ra các giải pháp phục hồi kinh tế. Đời sống khó khăn của người dân, đặc biệt là người nông dân đã được nhiều đại biểu quan tâm kiến nghị.

Đầu tư công phải được giám sát chặt hơn

Tâm huyết và nhiều lần đưa ra các đề xuất liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) bày tỏ đồng ý với báo cáo của Chính phủ về điểm nổi bật nhất của năm 2013 là tăng cường được những nhân tố ổn định vĩ mô, thể hiện rất rõ trên vấn đề kiểm soát lạm phát, vấn đề lành mạnh dần, từng bước ổn định thị trường tiền tệ.

Đại biểu Lịch cũng cho rằng kinh tế đang có dấu hiệu phục hồi ở khu vực dịch vụ, nhưng khu vực công nghiệp và xây dựng còn rất trì trệ, khó khăn.

“Tôi nghĩ hiện nay tình hình có ba điều lo lắng. Thứ nhất, niềm tin của thị trường chưa được phục hồi, thể hiện rất rõ ở chỗ nhiều DN chưa mặn mà vay vốn sản xuất kinh doanh mà làm ăn cầm chừng và trông ngóng. Thứ hai là thực tế cho thấy xuất khẩu tăng, nhưng khu vực kinh tế trong nước đang rất đuối tầm trong cạnh tranh, bộc lộ yếu kém cả ở khu vực doanh nghiệp nhà nước, khu vực tư nhân và kể cả nông nghiệp. Thứ ba là thâm hụt ngân sách và nợ phải trả bị dồn toa do nhiều năm gần đây chúng ta vay trung hạn. Đây là những vấn đề sẽ gây bất ổn vĩ mô”.

Do đó, đại biểu Trần Du Lịch tỏ ý hoan nghênh giải pháp của Chính phủ cho 2 năm tới là tăng trưởng GDP khoảng 6% và lạm phát mục tiêu là 7%. “Tôi rất đồng tình là chúng ta chuyển từ quan điểm kiềm chế lạm phát sang kiểm soát lạm phát mục tiêu. Chúng ta cũng không nóng vội vấn đề thúc đẩy tăng trưởng để gây lại lạm phát không cần thiết”.

Liên quan đến việc nới trần bội chi ngân sách từ 4,8% lên 5,3% để tăng đầu tư, các đại biểu đều tỏ ý đồng tình, tuy nhiên đề nghị Chính phủ phải sử dụng đồng tiền một cách hợp lý nhất để đóng góp vào phát triển đất nước.

“Với bối cảnh kinh tế tài chính mà chính sách tiền tệ còn rất ít dư địa, lãi suất gần như không còn khả năng hạ tiếp thì việc mở rộng tài khóa gần như là sự lựa chọn duy nhất để góp phần phục hồi kinh tế. Song nguồn vốn này phải được đặc biệt ưu tiên cho các công trình đang cấp thiết, đang thiếu vốn của các địa phương và nhất là cần gắn với quá trình tái cơ cấu nền kinh tế” - Đại biểu Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh.

Các đại biểu đề nghị chi cho đầu tư vốn trái phiếu và ngân sách cần có danh mục đầu tư các công trình trọng điểm trình Quốc hội và quá trình triển khai cần có sự kiểm soát của Ủy ban thường vụ Quốc hội để thật sự đầu tư đúng mục đích, kiểm soát được tránh đầu tư dàn trải. Các đại biểu cũng nhấn mạnh cần thực hiện nghiêm túc việc tái cơ cấu nền kinh tế bởi “đến nay đề án tái cơ cấu đầu tư công chưa có, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước rời rạc, tái cơ cấu ngân hàng thì chưa đạt yêu cầu”.

Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) đề nghị Chính phủ cần làm ngay việc thay đổi trong quản lý và điều hành, từ việc nâng cao chất lượng hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác lập và thực hiện quy hoạch. Thứ hai, để tái cơ cấu đầu tư công đạt kết quả, cần cải tổ thể chế, phân cấp đầu tư và quản lý đầu tư có hiệu quả. Thứ ba, sớm khắc phục tình trạng phân bố nguồn lực dàn đều, thiếu trọng điểm. Thứ tư là tạo sự chuyển biến rõ về kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy quản lý nhà nước; phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, không để lợi ích nhóm chi phối, đáp ứng lòng mong đợi của cử tri.

Sản xuất nông nghiệp được Chính phủ ưu tiên phát triển.

Cải cách nông nghiệp phải đặt lợi ích người nông dân lên hàng đầu

Được xác định là trụ đỡ cho nền kinh tế, khu vực nông nghiệp là nơi giải quyết công ăn việc làm và là kế sinh nhai của khoảng 70% dân số nước ta. Bên cạnh đó, khu vực này cũng đóng góp lớn vào xuất khẩu với nhiều mặt hàng chủ lực. Tuy nhiên, những năm vừa qua đầu tư cho lĩnh vực này chưa xứng với vị thế đã được xác định của nó là điều được rất nhiều đại biểu quan tâm trong phiên thảo luận 31/10.

Đại biểu Hoàng Đăng Quang (Quảng Bình) lo ngại: “Tốc độ tăng trưởng nông nghiệp ngày càng giảm, từ 3,3% trong giai đoạn 2006 - 2010 đến nay  chỉ còn 2,8% trong năm 2013. Hiện nay khả năng tái sản xuất mở rộng của nông dân giảm sút, rủi ro tăng cao, giá nông sản thấp, sức mua nông dân giảm, tình trạng mất đất nông nghiệp, nông dân bỏ hoang đất không canh tác xảy ra ở nhiều địa phương trong cả nước”.

Đại biểu Quang cho rằng trong điều kiện kinh tế khó khăn vẫn phải ưu tiên nguồn lực để phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đó là vấn đề quan trọng nhất để nền kinh tế được trụ vững và bảo đảm được ổn định xã hội.

Vai trò thì rất quan trọng, nhưng bấy lâu nay “linh hồn” của ngành nông nghiệp là người nông dân thì vẫn phải chịu rất nhiều thiệt thòi, đời sống vô cùng khó khăn. Liên tục nhiều năm tái diễn cảnh được mùa, rớt giá và ngược lại; người nông dân bị thương lái ép giá, dẫn đến cảnh người chân lấm tay bùn thì nghèo khổ, để lớp trung gian “ngồi mát ăn bát vàng”.

Trong khi đó, những chính sách đưa ra hỗ trợ người nông dân như tạm trữ lúa gạo, đảm bảo nông dân có lãi 30%... lại không đến được với người nông dân. Chính vì vậy, hiện tình trạng người nông dân bỏ ruộng ra thành phố kiếm việc làm ngày càng nhiều.

Đại biểu Nguyễn Quốc Cường bày bỏ: Hiện tại thu nhập trung bình của người nông dân 1 năm chỉ có hơn 4 triệu đồng, tương đương 200 đô la Mỹ (trong khi thu nhập bình quân đầu người của ta hiện nay là 1.600 đô la Mỹ). Cử tri nông dân đã nhiều lần kiến nghị những bất cập, nhưng việc tháo gỡ rất chậm, kết quả đạt thấp.

Tại kỳ họp này, cử tri nông dân vẫn tiếp tục kiến nghị. 5 năm gần đây giá các loại vật tư nông nghiệp đã tăng từ 2 – 2,5 lần trong khi giá sản phẩm nông nghiệp chỉ tăng 1,2 lần. Xuất khẩu thì rớt giá rất nhiều. Ngoài ra, nông dân còn phải đóng góp nhiều khoản khác theo đầu sào, tức là càng làm nhiều càng phải nộp nhiều. Tình hình tiếp tục thế này thì nông nghiệp còn có thể là trụ đỡ hay không?

Cần có biện pháp tích cực để chặn đứng đà suy giảm của nông nghiệp, bổ sung điều chỉnh những chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Quan trọng nhất là những chính sách đó làm sao phải khả thi, phải đến được với nông dân. Đó là những trăn trở lớn rất mong Chính phủ, các bộ ngành quan tâm tháo gỡ giải quyết.

Các đại biểu cho rằng đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp hiện chưa giải quyết được các vấn đề bất cập, đặc biệt là đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp. Việc tổ chức chuyển đổi một số đất lúa sang đất trồng màu hoặc trồng các loại cây khác bà con nông dân phải đổ vào đó một lượng vốn không nhỏ, tốn kém tự chịu, nhưng đầu ra của sản phẩm lại chưa bền vững.

“Ngành nông nghiệp là ngành được xem là trụ đỡ của nền kinh tế lúc gặp khó khăn, nhưng lợi ích của ngành nông nghiệp, lợi ích của người làm ra sản phẩm nông nghiệp đã được bảo vệ đúng mức chưa? Câu hỏi này xin gửi đến các nhà chuyên môn nghiên cứu. Tôi kiến nghị, trong cải cách ngành nông nghiệp xin đặt quyền lợi của người nông dân lên hàng đầu” – Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát: Nguyên nhân chính khiến nông nghiệp tăng trưởng chậm là mất đất

Trả lời nhiều kiến nghị của đại biểu Quốc hội về các vấn đề nông nghiệp, nông thôn và việc cải thiện đời sống nông dân, Bộ trưởng Cao Đức Phát thừa nhận nhìn chung nông nghiệp vẫn tăng trưởng ổn định nhưng tốc độ tăng trưởng chậm hơn và sự cải thiện thu nhập của người nông dân cũng chậm hơn.

Nguyên nhân chính được Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết là do những nguồn lực quan trọng của nông nghiệp thời gian gần đây có xu hướng giảm, nhất là đất đai. Đất lúa diện tích giảm nhanh, nên giảm năng lực sản xuất. Số lượng lao động nông nghiệp cũng có thời điểm đã giảm. Đầu tư xã hội của Nhà nước cho nông nghiệp tăng chậm.

Những năm gần đây qua theo dõi cho thấy tăng trưởng của nông nghiệp chủ yếu do tăng năng suất, nhưng lại phải bù vào thiệt hại do giảm diện tích và thiên tai. Năm 2013 lại phải đối diện với tình trạng nhu cầu tiêu dùng các loại nông, thủy sản trong và ngoài nước tăng chậm làm giảm giá một số loại nông sản chính của nước ta, ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân, nhất là bà con thuần nông thậm chí thu nhập thấp.

Vũ Hân - Kim Quý
.
.
.