Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị phòng chống AIDS

Chủ Nhật, 25/12/2011, 11:05
Ngày 24/12, tại Hà Nội, Ủy ban Quốc gia phòng chống AIDS và tệ nạn ma túy, mại dâm và Bộ Y tế đã tổ chức đánh giá lại 3 năm triển khai công tác với sự tham dự của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đại diện nhiều bộ, ngành, tổ chức quốc tế.

Thành công của chương trình điều trị thay thế nghiện ma túy (ĐTTTNMT) bằng Methadone ở TP Hồ Chí Minh và Hải Phòng cho thấy đã mang lại nhiều lợi ích cho xã hội và bệnh nhân. Không có bệnh nhân nào tử vong do quá liều hoặc vì tác dụng phụ của thuốc. Sau khi được điều trị, các bệnh nhân đã dừng sử dụng ma túy hoặc giảm tần suất rất nhiều: các bệnh nhân vốn dùng ma túy 3 - 5 lần/ngày nhưng sau 12 tháng, đã không còn người nào sử dụng 2 lần/ngày trở lên và cũng chỉ sử dụng 2 - 3 lần/tháng. Vì thế, nguy cơ lây nhiễm HIV của những người này giảm đáng kể vì họ không có hành vi tiêm chích ma túy nữa.

Nghiên cứu của Bộ Y tế khẳng định sức khỏe của đa số bệnh nhân được cải thiện và người nghiện có thái độ tích cực sau khi điều trị. Thời gian điều trị Methadone càng dài thì mức độ ổn định cả về sức khỏe lẫn thể chất càng cao. Khi người nghiện không còn các hành vi ảnh hưởng tới cuộc sống của họ và gia đình như bán, cầm cố đồ đạc, nói dối hoặc cưỡng ép người thân để có tiền sử dụng ma túy nên mâu thuẫn trong gia đình và xã hội đều giảm mạnh. Với việc điều trị bằng Methadone miễn phí, chi phí của các gia đình có người nghiện đã giảm đáng kể, vì không phải mất tiền mua ma túy cũng như để điều trị bệnh tật do ma túy. Từ gần 7.000 bệnh nhân được điều trị đã tiết kiệm được 588 tỷ đồng/năm.

Điều đáng nói là khi người nghiện không còn bị cơn ghiền ma túy ám ảnh cũng như tác động của việc đói thuốc, nên nhiều người đã tập trung tâm trí để làm việc và được gia đình yêu thương. Theo báo cáo của các cơ sở điều trị tại Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng v.v… số người được điều trị bằng Methadone có việc làm gia tăng tới 76% và thu nhập bình quân do họ có việc làm cũng tăng lên. Điều này giúp họ có cuộc sống ổn định và hạnh phúc hơn.

Lực lượng Công an các địa phương cho rằng, thành công rất lớn của chương trình này chính là tình hình ANTT ở địa phương có người nghiện chích ma túy đã được cải thiện đáng kể khi số người nghiện không còn dùng ma túy. Sau 24 tháng điều trị, số người nghiện có các hành vi vi phạm pháp luật giảm từ 41% xuống 1,3%. Theo Công an quận Lê Chân (Hải Phòng) nơi đầu tiên tổ chức ĐTTTNMT bằng Methadone thì chỉ sau 6 tháng, số vụ trộm cắp vặt liên quan đến nhóm nghiện chích ma túy ở khu vực Bệnh viện Việt Tiệp giảm 70% và số vụ vi phạm pháp luật có liên quan đến ma túy tại chợ Sắt cũng giảm hơn 70%.

Đại tá Lê Việt Hùng, PGĐ Công an TP Cần Thơ, cũng cho biết: Việc triển khai ĐTTTNMT bằng Methadone đã làm giảm 50% tội phạm hình sự có liên quan đến ma túy ở Cần Thơ, vốn là trọng điểm ma túy.

Đại diện của WHO, BS. David Jacka chỉ ra: Methadone đã được điều trị cho hơn 1 triệu bệnh nhân ở hơn 80 nước: Malaysia, Trung Quốc, Hồng Kông, Miến Điện, Australia, Áo, Italia v.v… giảm được 10 lần chi phí của Nhà nước và cộng đồng vì ngăn ngừa được lây nhiễm HIV.

Từ hiệu quả của việc ĐTTTNMT bằng Methadone, chính quyền và Công an các địa phương đều đề nghị được mở rộng thêm cơ sở và số người được điều trị, góp phần hạn chế thấp nhất nguồn cầu ma túy và ngăn chặn nguồn cung ma túy trên các địa bàn. Để đáp ứng yêu cầu này, đại diện các ngành cũng cho rằng, cần sản xuất thuốc ở Việt Nam vì sẽ rẻ hơn 50%. TS. Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết: Với sự chỉ đạo của Chính phủ, trong tháng 12/2011, Bộ Y tế sẽ quyết định chọn 1 cơ sở để sản xuất thuốc Methadone để Việt Nam chủ động được việc ĐTTTNMT bằng Methadone thời gian tới với giá thành rẻ

Thanh Hằng
.
.
.