Phiên thứ hai chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội: Không có chuyện lobby chính sách

Thứ Năm, 12/06/2014, 00:03
Chất lượng đào tạo hệ đại học, dạy nghề còn thấp, chưa phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động, tỷ lệ thất nghiệp của sinh viên ra trường còn cao, gây lãng phí nguồn nhân lực xã hội. Việc triển khai thực hiện cải cách về giáo dục, đổi mới chương trình, sách giáo khoa còn yếu kém, lãng phí. Đó là những vấn đề các đại biểu Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận làm rõ trong buổi chất vấn ngày 11/6. Với Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, các chất vấn về thi hành Hiến pháp 2013, những hạn chế, bất cập trong công tác thi hành án dân sự…

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: “Cả hội đồng trông 1 em thi sử, tôi cũng băn khoăn lắm”

Với 18 câu hỏi, tập trung 7 nhóm vấn đề, các đại biểu đã nêu nhiều câu hỏi mà người dân đang rất cần câu trả lời trong giáo dục đào tạo hiện nay. Đại biểu  Nguyễn Thị Bích Nhiệm (Yên Bái) và một số đại biểu cho rằng, Bộ GD&ĐT chọn khâu thi cử là đột phá, đó chỉ là phần ngọn. Tại sao không đổi mới sách giáo khoa, đó mới là phần gốc? Để đáp ứng yêu cầu hội nhập thì môn ngoại ngữ là rất quan trọng (đặc biệt là môn Anh văn), tại sao kỳ thi tốt nghiệp phổ thông vừa qua lại quy định môn ngoại ngữ lại là môn tự chọn? Và, việc hàng ngàn sinh viên tốt nghiệp đại học ra trường không có việc làm, hoặc làm  những công việc không qua đào tạo. Việc đào tạo đại học, cao đẳng tràn lan đã làm méo mó cung - cầu thị trường lao động. Giải pháp hữu hiệu nào để giải quyết những vấn đề trên để có nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của xã hội. Và, chiến lược lâu dài trong giáo dục đào tạo, loại trừ bệnh thành tích trong thi cử.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã trả lời rất chi tiết những bức xúc trên. Ông cho rằng, thi cử và học có tác động lẫn nhau, phải thiết kế nội dung phương pháp dạy và học, tiếp đến là thi cử. Trong quá tình thi cử có sự thay đổi dẫn đến quá trình dạy và học. Mối quan hệ thi cử không nên làm đột ngột, các cháu (học sinh) dễ bị sốc. Ông nói, giáo dục đã có những thay đổi căn bản, từ chỗ kiểm tra học thuộc lòng, bây giờ là kiểm tra khả năng tổng hợp kiến thức về mọi mặt, các cháu rất hứng khởi làm bài.   

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận giải thích, từ đợt thi tốt nghiệp vừa qua cho thấy, phải thay đổi cách truyền thụ kiến thức. Xây dựng mới hoàn toàn một chương trình giáo dục phổ thông và cả đại học theo lối phát triển năng lực. Với thầy cô giáo, cũng phải thay đổi cách dạy, để từng bức nâng cao chất  lượng. Về dạy và học ngoại ngữ (đặc biệt là tiếng Anh), Bộ trưởng Luận cho biết, qua kiểm tra phát hiện cách dạy và học ngoại ngữ của ta “không giống ai” trên thế  giới. Học chủ yếu là ngữ pháp nên học hết phổ thông mà vẫn không nói được. Nguyên nhân của nó là nhiều thầy cô chưa đạt chuẩn…

 Với nhóm câu hỏi sinh viên nhân văn nhiều, kỹ thuật ít, sinh viên ra trường không có việc làm, Bộ trưởng cho rằng: Bàn về thị trường lao động thì  Bộ GD-ĐT với vai trò là khâu cung cấp lao động, cũng có trách nhiệm trong hiện trạng nhiều sinh viên ra trường mà không có việc làm. Đó là hệ quả của một thời gian dài quan niệm số lượng, quy mô giáo dục đại học mà chưa chú ý chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu xã hội. Việc cấp phép các trường còn thiếu chặt chẽ, chương trình đào tạo chưa theo kịp các nước tiên tiến, kỹ năng mềm của sinh viên khi ra trường còn yếu, ngoại ngữ hạn chế… Đó là những yếu kém. Bộ có trách nhiệm chính với những yếu kém đó.

Về những giải pháp, Bộ trưởng nói: “Chúng tôi đã có giải pháp theo hướng, hạn chế thành lập các trường đại học, cao đẳng. Khi mở chuyên ngành đã cảnh báo những ngành nghề, lĩnh vực “ế” thì không mở nữa... Các điều kiện thành lập trường, ngành đào tạo phải được nâng cao, đã xử lý trường không đủ điều kiện, dừng tuyển sinh. Dừng hồ sơ nâng cấp đại học mới và công bố chuẩn đầu ra. Công bố công khai đảm bảo chất lượng các cơ sở đào tạo để kiểm tra, giám sát, cung ứng lao động, cân đối giữa đào tạo và sử dụng. Đại biểu hỏi “Tại sao bỏ điểm sàn đại học?”. Bộ trưởng quả quyết: “Chúng tôi không bỏ mà phân 2-3 mức sàn, có mức sàn cao, có mức thấp, nhưng không hạ thấp tiêu chuẩn, yêu cầu. Tổ chức phân tầng đại học, tiêu chí khác nhau để xã hội, học sinh, sinh viên cân nhắc vào các trường phù hợp. Từ năm 2006, các trường đại học đã tự chủ, trong đó có tự chủ về tài chính. Khi chuyển từ giáo dục truyền thụ kiến thức sang phát huy năng lực thì cả xã hội sẽ có chuyển biến… Đề án đổi mới giáo dục đào tạo, cả hệ thống chính trị vào cuộc, dứt khoát giải quyết được những bức xúc về giáo dục.

Trước khi bổ nhiệm phải thẩm định văn bằng, nếu giả sẽ xử lý

Nhóm vấn đề các đại biểu đặt câu hỏi về việc đổi mới công tác thi cử, tổ chức 2 kỳ thi gây tốn kém thời gian, tiền bạc và tâm lý căng thẳng. Những chính sách thu hút người tài vào chuyên ngành sư phạm? Trả lời thẳng thắn, Bộ trưởng tự nhận trách nhiệm và đưa ra những định hướng, giải pháp. Ông chia sẻ, lần đầu tiên xuất hiện phòng thi sử có 1 cháu, thể hiện quá trình dạy và học đã thay đổi, từ số đông, chuyển sang từng cháu, “tôi cũng băn khoăn”. Thay đổi cách học nhưng phù hợp, không tạo sốc, sâu hơn theo hướng thi và kiểm tra, nằm trong lộ tình tiến tới 1 kỳ thi quốc gia, lựa chọn các cháu vào đại học. Với sinh viên các trường sư phạm, đó là miễn học phí, khi đời sống nâng cao, nó không còn sức hút.

Liên quan đến chuyện bằng cấp trong khâu tuyển dụng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho rằng, tiêu chuẩn đội ngũ viên chức, công chức đã được quy định cụ thể trong các văn bản của Chính phủ. Trong đó có chiến lược cán bộ trong thời kỳ CNH, HĐH. Phân cấp cán bộ, sử dụng công chức… tiêu chuẩn văn hóa là tốt nghiệp đại học (viên chức), còn công chức: hiệu trưởng được quy định là tiến sĩ. Để hoàn thiện tiêu chuẩn, Bộ Nội vụ có phối hợp với Bộ ngành quản lý viên chức để hoàn thiện, phù hợp với từng đơn vị. Về việc này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng giải thích, bằng cấp thì có nhưng chất lượng kém. Bộ trưởng Bình cho biết, trước khi bổ nhiệm phải tiến hành thẩm định văn bằng, nếu giả sẽ xử lý.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Không có lợi ích nhóm!

Phần chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, nhóm câu hỏi các đại biểu cho rằng, xây dựng văn bản pháp luật dư luận cho rằng cài đặt lợi ích nhóm, tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý, cơ quan công quyền, đẩy khó khăn về phía người dân.

Không có nể nang

Đại biểu Trần Du Lịch nêu vấn đề, về thi hành án dân sự, phát mại thế chấp, qua phản ánh của cử tri, không có nơi nào thủ tục nhiêu khê như mình. Các thủ tục hành chính dân sự thực tế đang cản trở, cách nào để tháo gỡ. Bộ Tư pháp điều phối mọi thứ, có nể nang  không? Luật dù nhiều, nhưng luật chậm đi vào cuộc sống, phải khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản. Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng, về việc có lợi ích nhóm hay không. Bộ Tư pháp được giao xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật từ Chính phủ trở lên, quy trình rất chặt chẽ. Không chỉ cơ quan, ngành đó mà qua nhiều bước, các văn bản quy phạm pháp luật là thể chế hóa chính sách đường lối của Đảng. Bộ Tư pháp phải phát biểu ý kiến về văn bản đó có phù hợp với đường lối của Đảng không. Trong nhiệm kỳ này, Bộ Tư pháp đã báo cáo Chính phủ, phối hợp xây dựng đề án trên một số lĩnh vực gắn chặt với lợi ích người dân.

Với chức năng nhiệm vụ, Bộ trưởng cũng kiểm tra văn bản của các Bộ, không hề có lợi ích nhóm, không có chuyện lobby chính sách. Việc vừa xây dựng văn bản pháp luật vừa xây dựng chính sách, có lý nhưng không hoàn toàn. Vì trước khi xây dựng văn bản thì có tổng kết thực tiễn, chính sách mới đưa ra thế nào.

Có khi luật mẹ chưa có, luật con đã có rồi

Trả lời câu hỏi đại biểu Trần Du Lịch, liên quan đến tài sản, nhiều thủ tục, có bản án tuyên mươi năm, giá cả đã khác đi nhiều, nay thi hành án khác, vì vậy bán đấu giá thế nào? Bộ trưởng cho biết, cần quan tâm hơn trong xây dựng hệ thống luật, có khi luật mẹ chưa có, luật con đã có rồi. Hiện nay, hệ thống pháp luật của ta có thể nói phức tạp nhất thế giới. Với rất nhiều văn bản của một chủ thể, rất khó tuân thủ, chi phí lớn. Bộ Tư pháp có cố gắng nhưng còn nhiều khuyết điểm.

Chưa hài lòng, đại biểu Kim Thúy và đại biểu Trần Du Lịch đề nghị Bộ trưởng Tư pháp giải thích rõ ràng hơn. Cần làm rõ vai trò trách nhiệm của Bộ Tư pháp để xử lý từng đạo luật. Có nhiều luật Bộ Tư pháp thẩm tra, nếu làm tốt vai trò, xử lý và tham mưu thì luật sớm đi vào cuộc sống. Bộ trưởng cho rằng, có xu hướng, không quản lý được thì cấm, tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý hơn người dân, chúng tôi đang xem xét. Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng, tình trạng tồn đọng án nhiều, một số chỉ tiêu khác vẫn chưa đạt yêu cầu.         

Xử lý 82 cán bộ thanh tra phạm pháp

Trả lời bằng văn bản về tiêu cực trong hoạt động thanh tra, ông Huỳnh Phong Tranh cho hay, thanh tra là một hoạt động nhạy cảm, thường xuyên tiếp xúc với những cám dỗ về vật chất, đối tượng thanh tra thường muốn giảm nhẹ tính chất, mức độ vi phạm được phát hiện; nếu cán bộ thanh tra không có bản lĩnh chính trị vững vàng thì rất dễ xảy ra vi phạm.

Trong 3 năm qua (2011- 2013), ngành Thanh tra đã tiến hành xử lý kỷ luật 82 cán bộ, công chức, chiếm 0,3% (trong đó: xử lý hành chính 71 người, xử lý hình sự 11 người có dấu hiệu và hành vi tham nhũng). Riêng Thanh tra Chính phủ đã xử lý kỷ luật 12 công chức (buộc thôi việc 1 công chức do vi phạm pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước, cách chức 1 công chức do vi phạm pháp luật về giao thông và chống người thi hành công vụ, khiển trách 10 công chức do vi phạm về quy trình nghiệp vụ và sinh con thứ ba).

M.Đ.

Kim Quý- Vũ Hân
.
.
.