Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn trước Quốc hội:

Phân kỳ đầu tư hợp lý nhất để nền kinh tế vượt qua sức ỳ

Thứ Năm, 15/11/2012, 00:43
“Tồn kho cao, nợ xấu lớn trong điều kiện tổng cầu giảm đang là những nút thắt trong nền kinh tế. Nhiều đại biểu đã bày tỏ lo lắng về tình trạng này. Chính phủ nhận thức rõ điều đó. Nghị quyết 13 năm 2012 của Chính phủ, tuy có những tác động tích cực nhưng chưa đủ mức, cần có những giải pháp mạnh hơn cả về cơ chế chính sách và nguồn lực theo quan điểm là trong giới hạn của tổng nguồn, phải phân bổ và phân kỳ đầu tư hợp lý nhất để nền kinh tế vượt qua sức ỳ, ra khỏi khó khăn, tạo đà đi lên” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định trong báo cáo giải trình và trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội, sáng 14/11.

Đưa nợ xấu về mức 3-4% vào cuối năm 2015

Nhiều nội dung lớn được Thủ tướng nêu trong báo cáo giải trình trước Quốc hội. Trong đó, về giải quyết hàng tồn kho - vấn đề lớn được đại biểu chất vấn tại kỳ này, Thủ tướng cho biết sẽ mở rộng tín dụng cho sản xuất và tiêu dùng, tăng dư nợ tín dụng của nền kinh tế. Cùng với việc đẩy mạnh giải ngân các công trình trong kế hoạch đầu tư năm 2012, sẽ phân bổ ngay vốn và đẩy nhanh tiến độ các dự án trong kế hoạch 2013, tập trung cho những dự án tạo sức lan toả lớn, những dự án thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới, nhà ở xã hội, ký túc xá học sinh sinh viên... Sẽ tìm mọi giải pháp cân đối nguồn để khi có điều kiện tiếp tục tăng lương theo sát lộ trình cải cách, ưu tiên các đối tượng chính sách, người có thu nhập thấp, nhằm giảm bớt khó khăn, cải  thiện đời sống...

Về xử lý nợ xấu, Thủ tướng khẳng định, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, mặc dù phải sử dụng nhiều giải pháp để xử lý nợ xấu nhưng không thể không có vai trò của Nhà nước. Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng phương án thành lập công ty mua bán nợ, ban hành các văn bản pháp lý làm cơ sở cho việc xử lý nợ xấu, xác định rõ cơ chế hoạt động của công ty này phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam và có tham khảo thông lệ quốc tế. Một trong những trọng tâm cần tập trung xử lý là nợ đọng xây dựng cơ bản từ vốn ngân sách. Hiện nay, tổng số nợ đọng xây dựng cơ bản khoảng 90 nghìn tỷ đồng; trong đó, nợ các dự án đã hoàn thành khoảng 20 nghìn tỷ, nợ các dự án chuyển tiếp gần 70 nghìn tỷ đồng. Với các giải pháp đồng bộ, phấn đấu đưa mức nợ xấu về khoảng 3-4% vào cuối năm 2015.

Cho phép phân nhỏ căn hộ, khuyến khích hạ giá bán

Về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, Thủ tướng chỉ đạo các giải pháp lớn. Đó là mở rộng tín dụng cho vay mua nhà, khuyến khích các tổ chức tín dụng liên kết với chủ dự án để cung cấp tín dụng dài hạn cho người có nhu cầu mua nhà để ở. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tìm nguồn vốn phù hợp để mua lại các khu nhà làm nhà tái định cư, nhà ở xã hội, ký túc xá sinh viên... Rà soát các dự án đã giao để xác định các dự án tạm dừng, dự án được tiếp tục triển khai, các dự án cần điều chỉnh cơ cấu sản phẩm cho phù hợp và yêu cầu các chủ đầu tư nghiêm túc thực hiện. Cho phép phân nhỏ các căn hộ phù hợp với quy hoạch; khuyến khích hạ giá bán để đáp ứng nhu cầu và khả năng thanh toán của nhiều đối tượng dân cư. Đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài nhằm tăng thêm nhu cầu văn phòng làm việc, căn hộ cho thuê; nghiên cứu điều chỉnh chính sách bán nhà cho các đối tượng là người nước ngoài có dự án đầu tư, kinh doanh lâu dài tại Việt Nam. Rà soát lại quy hoạch, kế hoạch phát triển nhà ở phù hợp với điều kiện và chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Triển khai thực hiện có hiệu quả chiến lược về nhà ở đã ban hành, đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội.

Trong bản giải trình, Thủ tướng cũng nêu các giải pháp tái cơ cấu kinh tế. “Đây cũng là nội dung mà nhiều đại biểu quan tâm, chất vấn, trong đó nhấn mạnh ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, gắn tái cơ cấu kinh tế với đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược” - Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: TTXVN .

Sẽ ban hành nghị định riêng cho từng tập đoàn

Đáng chú ý, liên quan các tập đoàn, tổng công ty, Thủ tướng cho biết, cùng với việc chấm dứt thí điểm thành lập tập đoàn kinh tế, Chính phủ đang chỉ đạo rà soát, đánh giá lại các tập đoàn, yêu cầu các tập đoàn thực hiện thoái vốn trong các ngành nghề không phải là ngành nghề kinh doanh chính. Khẩn trương phê duyệt đề án tái cơ cấu của từng tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước.

Trong khi tiến hành nghiên cứu thấu đáo phương án thành lập một cơ quan thực hiện thống nhất chức năng chủ sở hữu đối với doanh nghiệp Nhà nước, Chính phủ đang khẩn trương hoàn tất các thủ tục để ban hành nghị định mới về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu Nhà nước đối với doanh nghiệp Nhà nước và vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, trong đó quy định cụ thể quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ quản lý ngành, Bộ tổng hợp, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Hội đồng thành viên và người đại diện phần vốn Nhà nước. Chính phủ sẽ xây dựng và ban hành nghị định riêng về điều lệ tổ chức hoạt động cho từng tập đoàn kinh tế và một số tổng công ty lớn.

Thực hành dân chủ xã hội là động lực phát triển

Trả lời chất vấn trực tiếp tại hội trường, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giải đáp thẳng thắn, rõ ràng từng vấn đề. Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương hỏi Thủ tướng giải pháp nào là quyết định nhất, cơ bản nhất, động lực nào là bao trùm nhất để tái cơ cấu nền kinh tế, để chuyển đổi mô hình tăng trưởng? Thủ tướng chỉ rõ: Không có cách nào khác là toàn Đảng, toàn quân, toàn dân chúng ta phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tăng cường sự quản lý của Nhà nước, quán triệt và thực hiện đầy đủ, đồng bộ, đồng thời có hiệu quả các chủ trương nghị quyết của Đảng, của Nhà nước ta. Trong đó đặc biệt quán triệt và triển khai có hiệu quả các quan điểm mục tiêu, chỉ tiêu định hướng phát triển, các dịch vụ giải pháp, đặc biệt là 3 khâu đột phá để phát triển nhanh bền vững mà Đại hội XI của Đảng vừa đã đề ra.

“Giải pháp có ý nghĩa quyết định cơ bản, động lực bao trùm cơ bản đó chính là thực hành dân chủ, quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm và chăm lo lợi ích của nhân dân, là lòng dân, là sự đồng thuận của xã hội. Như Bác Hồ đã dạy là mọi quyền hành, mọi lợi ích, mọi lực lượng là ở dân và vì nhân dân. Dân chủ vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước, theo tôi đây là giải pháp cơ bản quyết định và cũng là động lực bao trùm để chúng ta thực hiện thành công cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, công  nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đổi mới toàn diện đất nước, xây dựng và bảo vệ đất nước” - Thủ tướng khẳng định.

Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ rõ, bên cạnh những việc làm được, làm tốt của Chính phủ đã đóng góp vào thành tựu chung, cũng còn những hạn chế, yếu kém khuyết điểm trong lãnh đạo quản lý điều hành của Chính phủ trên các lĩnh vực, trong đó có việc kiểm tra, giám sát doanh nghiệp Nhà nước. Để khắc phục hạn chế, yếu kém khuyết điểm này, Chính phủ báo cáo với Quốc hội đã nghiêm túc có những chương trình, kế hoạch cụ thể để khắc phục khuyết điểm của mình...

Trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội, Thủ tướng bày tỏ:

“Là một cán bộ đảng viên của Đảng, báo cáo với Quốc hội, tôi đã nghiêm túc báo cáo đầy đủ với Đảng, báo cáo với Bộ Chính trị, báo cáo với Ban Chấp hành Trung ương một cách nghiêm túc, đầy đủ về bản thân mình. Đảng, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương cũng đã hiểu rõ về tôi, cả về ưu điểm, khuyết điểm, cả về phẩm chất đạo đức, cả về năng lực khả năng, cả về sức khỏe, thương tật, cả về tâm tư nguyện vọng của tôi. Đảng lãnh đạo quản lý trực tiếp tôi, hiểu rất rõ về tôi và Đảng ta cũng là Đảng cầm quyền, Đảng lãnh đạo Nhà nước và toàn xã hội. Đảng đã quyết định phân công tôi ứng cử làm nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ, tiếp tục làm nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ, Trung ương phân công, Quốc hội đã bỏ phiếu bầu tôi làm nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ, tôi sẵn sàng chấp nhận, sẵn sàng chấp hành nghiêm túc mọi quyết định của Đảng, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, của Quốc hội cơ quan quyền lực cao nhất đối với tôi. Tóm lại, có thể nói gần suốt cả cuộc đời tôi theo Đảng, hoạt động cách mạng dưới sự lãnh đạo quản lý trực tiếp của Đảng, tôi không có chạy, tôi cũng không xin, và tôi cũng không thoái thoác từ chối bất cứ nhiệm vụ gì mà Đảng, Nhà nước quyết định phân công giao phó cho tôi. Tôi sẽ tiếp tục thực hiện và nghiêm túc thực hiện như tôi đã làm trong suốt 51 năm qua”.

Ý kiến đại biểu sau phiên chất vấn

Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai): Thủ tướng trả lời thẳng thắn, trách nhiệm

Đối với Thủ tướng, cũng như kỳ trước, tôi thấy Thủ tướng đã trả lời rõ, cụ thể các vấn đề cử tri, Quốc hội quan tâm; đặc biệt trả lời chất vấn trực tiếp tại hội trường rất thẳng thắn, trách nhiệm.
Đối với các bộ trưởng, các vấn đề nêu tại phiên chất vấn không mới, nhưng quan trọng là cách hỏi và trả lời cụ thể, rõ ràng. Giải pháp cũng đã rõ, quan trọng là cách tổ chức thực hiện. Như nội dung câu hỏi tôi đặt ra với Bộ trưởng Bộ Y tế, rằng đã có đấu thầu giá nhưng giá thuốc vẫn chênh lệch rất lớn, gây bức xúc trong nhân dân. Tôi theo dõi suốt từ kỳ họp thứ 2 và nhận thấy rằng tình hình chuyển biến vẫn còn chậm. Hay như nội dung của trả lời của Thống đốc Nguyễn Văn Bình, cũng có những vấn đề chưa được nhìn thẳng vào thực trạng. Thống đốc nói ngân hàng đồng hành cùng doanh nghiệp, cứu doanh nghiệp là cứu ngân hàng nhưng trên thực tế thì ngân hàng chưa thực sự cứu doanh nghiệp...

Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình): Người hỏi và trả lời không né sự thật

Là người đặt nhiều câu hỏi tại phiên chất vấn, đại biểu Đỗ Văn Vẻ thừa nhận, chất lượng các câu trả lời của Bộ trưởng là rõ ràng, đã tập trung đưa ra các giải pháp để giải quyết khó khăn, tồn tại. Trong khi đó, câu hỏi của đại biểu cũng cụ thể hơn, tránh được những tiểu tiết, phân tán. Các đại biểu Quốc hội quan tâm những giải pháp đưa ra sau cuộc họp này là gì, có tính đột phá không và lộ trình giải quyết ra sao... Ví dụ trước tình hình nợ xấu, doanh nghiệp lao đao, nền kinh tế khó khăn thì giải pháp như thế nào? Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trực tiếp điều hành đã đề nghị các thành viên Chính phủ tập trung làm rõ. Với các giải pháp đưa ra bước đầu, tôi cho là khả thi.
Phần trả lời của Thủ tướng là rõ ràng, thẳng thắn, nhìn thẳng vào sự thật, các tồn tại, thiếu sót với tinh thần, trách nhiệm cao.

Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao những cam kết của Thủ tướng

“Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao những cam kết của Thủ tướng Chính phủ, tinh thần trách nhiệm trước nhân dân của chính bản thân Thủ tướng và của tập thể Chính phủ trong việc khắc phục những tồn tại, yếu kém trong quản lý, điều hành và tích cực phấn đấu để thực hiện thành công những kế hoạch công tác của Chính phủ, trước mắt là phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch năm 2012 và có kế hoạch để hoàn thành chỉ tiêu, mục tiêu mà Quốc hội đã đưa ra cho nhiệm vụ 2013” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.

Nhóm PVTS
.
.
.