Nông nghiệp sẽ kéo giảm tăng trưởng nếu không có giải pháp

Thứ Hai, 25/05/2015, 18:08
Trong phiên thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách chiều 25/5, sự sụt giảm cả về tăng trưởng và xuất khẩu của nông nghiệp và du lịch đã trở thành một trong những mối quan tâm hàng đầu của các đại biểu Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng nếu không có giải pháp tháo gỡ mạnh, đến tháng 10 này, tăng trưởng kinh tế sẽ bị kéo giảm do nông nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của phần lớn người dân lao động.

Đánh giá 2014 là một năm thành công của Chính phủ và cả đất nước, khi giữ được các chỉ số vĩ mô ổn định, lạm phát giảm dưới mức Quốc hội cho phép, năm đầu tiên có 13/14 chỉ số đạt và vượt kế hoạch, và đà tốt đó đang được kéo dài sang những tháng đầu năm nay, nhưng Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cảnh báo “đang bắt đầu nảy sinh một số khó khăn chúng ta đã lường từ quý trước”.

Các đại biểu thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội 2014 và những tháng đầu năm 2015.

Đầu tiên là trong nông nghiệp năm nay đối mặt với nhiều thách thức, dự báo đã xấu đi nhiều. Thị trường xuất khẩu hàng hoá nông nghiệp bị thu hẹp, ế ẩm… Những việc như hỗ trợ mua dưa hấu vừa qua chỉ manh tính sẻ chia, còn nhiều mặt hàng khác đang giảm cả về lượng và giá. “DN cao su cho biết, giá lúc đỉnh là 150 triệu đồng/tấn, nay chỉ còn 25 triệu đồng/tấn. Nhiều nơi bắt đầu chặt cây cao su. Ở miền Nam thì đã trồng lâu rồi, nhưng ở miền Tây Bắc, theo chủ trương, mới trồng được vài năm, chưa được thu hoạch, nhưng giờ mà càng làm càng lỗ, vậy phải làm sao?”

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng cho biết: Chúng ta đang đối mặt với 3 vấn đề trong xuất khẩu gạo.

Thứ nhất là (sản xuất) quá nhiều, nhưng chất lượng kém, không đủ cạnh tranh với các nước.

Hai là một số nước bắt đầu chính sách bảo hộ nông nghiệp, khuyến khích sản xuất trong nước, như Indonesia.

Ba là, các nước tham gia xuất khẩu gạo lại tăng lên, trong khi thị trường thu hẹp. Có những nước chỉ có nhập chứ không xuất, nay lại xuất là Ấn Độ và Pakistan, hay ngay cả Campuchia… Nên chúng ta đang bị cạnh tranh gay gắt.

Một cảnh báo khác cũng được Bộ trưởng Vinh đề cập là sụt giảm trong khu vực dịch vụ, đơn cử như du lịch. Khách quốc tế đến Việt Nam tháng 5 ước giảm 14,5% so với tháng 5/2014.

Tính chung 5 tháng, chúng ta giảm 12,6% so với cùng kỳ năm trước. Riêng khách Trung Quốc, số khách đông nhất, giảm tới 33,3%. Khách Campuchia cũng giảm hơn 43%. Thái Lan giảm 29%. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc các nước khác phá giá đồng tiền. Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã nới biên độ, nhưng không lớn.

Bộ trưởng Vinh cho rằng du lịch đem lại rất nhiều lợi ích cho các tầng lớp nhân dân, mang tính dây chuyền cho cả nền kinh tế, nên là vấn đề cần phải quan tâm.

Tất nhiên, một vấn đề khác không thể bỏ qua là tích cực tháo gỡ khó khăn cho DN. “DN FDI có sẵn thị trường, chỉ làm để xuất khẩu, chứ không phải bán cho Việt Nam nên vẫn tăng trưởng mạnh.

Cái cần chú ý là nhóm DN trong nước, từ DN vừa và nhỏ đến các tập đoàn lớn. Mảng này chúng ta đã và đang làm nhiều, cho vay ưu đãi, tháo gỡ nợ xấu, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh… tuy nhiên chưa đạt được những tác động trực tiếp. Chúng ta cần quan tâm hơn, nếu họ không phát triển thì chúng ta không có căn cứ gì để phát triển”.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng những vấn đề trên là động lực chính, nếu không tháo gỡ tốt thì sẽ ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng “đang khí thế” của Việt Nam.

“Nhiều tổ chức quốc tế đang hồ hởi, tin cậy vào tốc độ tăng trưởng của chúng ta trong vài năm tới. Nhiệm kỳ vừa qua là sóng gió nhất trong vài nhiệm kỳ gần đây, nên kinh tế suy thoái và nhiều vấn đề tồn tại, nhưng chúng ta đã dẹp yên được, đã ổn định. Tôi rất lo lắng, trong phiên họp Chính phủ tới tôi sẽ báo cáo vấn đề này” – Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh.

Sáng cùng ngày, Quốc hội đã dành thời gian để thảo luận về dự án Luật An toàn, vệ sinh lao động (AT,VSLĐ), đặc biệt xung quanh các vấn đề chính sách bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; việc xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về AT,VSLĐ; trách nhiệm quản lý nhà nước và hệ thống kiểm soát rủi ro về vấn đề này.

Đại biểu Trần Thanh Hải (TP Hồ Chí Minh) khẳng định việc thảo luận luật này mang tính thời sự rất cao khi cuối năm 2014, đầu năm 2015 đã xảy ra những vụ tai nạn lao động rất thương tâm. Ông đề nghị khuyến khích người sử dụng lao động tổ chức cho người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và người lao động có sức khỏe kém được điều dưỡng sức khỏe hằng năm.

Trong khi đó, đại biểu Lưu Thành Công (Vĩnh Long) cho rằng, nội dung chế định này chưa đủ mạnh để ràng buộc người sử dụng lao động, tính pháp lý chưa cao để bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động. “Chỉ khuyến khích thôi thì chưa đủ, mà phải buộc người sử dụng lao động có trách nhiệm tổ chức khám và điều dưỡng phục hồi sức khỏe hằng năm cho những người lao động làm việc trong môi trường độc hại nguy hiểm, những người có sức khỏe kém do bệnh nghề nghiệp”, đại biểu Công nhấn mạnh.

Về trách nhiệm bồi thường của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, quy định trong dự thảo chưa tương thích với Bộ luật Dân sự. Yêu cầu bồi thường đối với người sử dụng lao động chưa được thỏa đáng, đặc biệt nhất là trong dự thảo chưa đề cập đến yếu tố bồi thường tổn thất về mặt tinh thần.

Đại biểu Lưu Thành Công đề nghị Ban soạn thảo cần xem xét xây dựng một chế định về bồi thường tổn thất tinh thần trong trường hợp tai nạn lao động xảy ra mà nguyên nhân lỗi hoàn toàn từ phía người sử dụng lao động. Việc làm này nhằm đảm bảo tốt nhất lợi ích của người lao động, một nhóm người yếu thế mà pháp luật cần phải bảo vệ.

Nêu vấn đề các hành vi bị nghiêm cấm trong an toàn vệ sinh lao động, ĐBQH Trần Xuân Vinh (Quảng Nam) đề nghị bổ sung việc cố tình không chi trả chế độ cho người lao động, hoặc chi trả không đầy đủ theo quy định của pháp luật khi người lao động xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. 

Vũ Hân - Quỳnh Vinh
.
.
.