Tổng kết 3 năm phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên:

“Nóng” các giải pháp đối phó với loại “tội phạm ẩn”

Thứ Hai, 16/06/2014, 19:25
Trung tướng Phan Văn Vĩnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát PCTP (Bộ Công an) nhấn mạnh, dù đây là loại “tội phạm ẩn” nhưng lực lượng CSHS cần phải chủ động nắm chắc diễn biến tình hình để dựng lên bức tranh tổng thể tội phạm hình sự, đặc biệt là tội phạm xâm hại trẻ em và tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên.

Thượng tướng Lê Quý Vương, Ủy viên TW Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an chụp ảnh cùng các đại biểu dự hội nghị.

Ngày 16/6, Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác “Đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên” từ 2011-2013 và tổng kết các kế hoạch, chuyên đề bảo vệ trẻ em năm 2014. Đến dự và chỉ đạo hội nghị có Thượng tướng Lê Quý Vương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Trung tướng Phan Văn Vĩnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm (PCTP).

Trong nhiều vấn đề được đưa ra tại hội nghị, đã “nóng” lên các ý kiến của đại biểu xung quanh trình trạng xâm hại trẻ em (XHTE), đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em (XHTDTE). Bởi đây là vấn đề gây nhức nhối dư luận, đối tượng bị xâm hại còn nhỏ tuổi, không chỉ bị ảnh hưởng đến thể xác, mà còn kéo theo hệ lụy về đời sống tinh thần lâu dài của các em. Hơn nữa, tội phạm XHTDTE được đánh giá là một loại “tội phạm ẩn”, do vấn đề XHTDTE có tính nhạy cảm, do tâm lý sợ bị mang tiếng, ảnh hưởng đến tương lai của trẻ em, uy tín của gia đình nên thường không thông báo với cơ quan chức năng, dẫn đến việc điều tra, khám phá gặp không ít khó khăn.

Đánh giá của Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (CSHS) cũng nêu rõ, công tác phòng, chống tội phạm XHTE và tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, bước đầu đã đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả và kiềm chế sự gia tăng của loại tội phạm này. Tuy nhiên, công tác phát hiện, điều tra, xử lý các hành vi XHTE chưa được kịp thời, nhiều vụ việc không xử lý hình sự được (do gia đình không tố giác tội phạm, tự dàn xếp bồi thường hay do lực lượng chức năng phát hiện vụ án muộn…), mặc dù lực lượng CSHS đã cố gắng điều tra, xác minh nhưng vẫn không đủ chứng cứ chứng minh tội phạm. Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật, chính sách về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em chưa hoàn thiện; công tác tuyên truyền phòng ngừa tội phạm chưa được thường xuyên, liên tục…  

Một trong những công tác trọng tâm mà Cục CSHS đưa ra nhằm phòng, chống tội phạm XHTE, đó là phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho mọi người dân về pháp luật và phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm XHTE, về kỹ năng phòng ngừa, khi bị người khác tấn công XHTD, cần kịp thời thông báo cho người thân hoặc cơ quan chức năng biết để có biện pháp giải cứu, điều tra, bắt giữ tội phạm và bảo vệ, hỗ trợ các em. Lực lượng CSHS cần huy động các nguồn lực nhằm phát hiện nhanh chóng các vụ XHTE, tập trung lực lượng điều tra, khám phá nhanh các vụ án XHTE gây bức xức dư luận và phối hợp với Viện KSND, Tòa án các cấp xét xử nghiêm minh, xử điểm một số vụ án điển hình nhằm răn đe tội phạm và phòng ngừa giáo dục chung…

Đại diện Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng kiến nghị, trong tình hình hiện nay, hệ thống chính sách pháp luật về bảo vệ, chăm sóc trẻ em rất cần được nhanh chóng hoàn thiện. Trước mắt, tội phạm XHTE, bạo hành trẻ em cần được xét xử với khung hình phạt nghiêm khắc. Cần xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành thống nhất từ Trung ương tới cơ sở trong phát hiện, xử lý, can thiệp, trợ giúp trẻ em bị xâm hại, bạo hành. Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật của Nhà nước và các biện pháp phòng, chống bạo lực, XHTE cần được thực hiện thường xuyên tới cấp ủy, chính quyền, cộng đồng dân cư…

Thượng tá Hà Mạnh Hùng, Phó trưởng Phòng CSHS Công an TP Hà Nội, cũng nêu ý kiến, cần tuyên truyền để các bậc cha mẹ quan tâm đến việc trông nom quản lý con cái, tự bảo vệ phòng ngừa cho con em mình. Đồng thời, nếu phát hiện con em mình không may là nạn nhân của tội phạm XHTE, hãy dũng cảm bước qua sự mặc cảm để tố giác các vụ XHTDTE với cơ quan Công an, tích cực giúp đỡ cơ quan Công an trong công tác điều tra, xử lý các vụ XHTE.

Theo đồng chí Trương Quang Hà, Phó trưởng Phòng  CSHS Công an TP Hồ Chi Minh, công tác phòng ngừa có ý nghĩa rất quan trọng, phải phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị. Về mặt quản lý nhà nước, không nên để trẻ em sống ngoài tổ chức, gia đình và xã hội, phải bằng mọi cách thu nhận tất cả các em (kể cả trẻ em sống lang thang trên hè phố) đưa vào sinh hoạt trong các tổ chức đoàn thể, tổ chức xã hội. Kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong quản lý giáo dục trẻ em

Trung tướng Phan Văn Vĩnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát PCTP trao Giấy khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.

Sau khi lắng nghe các ý kiến của đại biểu, Trung tướng Phan Văn Vĩnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát PCTP nhấn mạnh, dù đây là loại “tội phạm ẩn” nhưng lực lượng CSHS cần phải chủ động nắm chắc diễn biến tình hình để dựng lên bức tranh tổng thể tội phạm hình sự, đặc biệt là tội phạm XHTE và tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên. Từ đó bố trí lực lượng, trước mắt tập trung đấu tranh với các loại tội phạm, trong đó có 2 loại tội phạm này ở 18 địa bàn trọng điểm. Tuy nhiên, điều quan trọng là công tác phòng ngừa, phải có các chuyên đề phòng ngừa tội phạm XHTE và tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên, phân công trách nhiệm cụ thể của lực lượng Công an,cũng như các ban, ngành, đoàn thể khác. Từ tính chất nghiêm trọng của vấn đề, đồng chí Tổng cục trưởng yêu cầu lực lượng CSHS cần phối hợp với các đơn vị có liên quan tiếp tục đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung dự án “Đấu tranh phòng, chống tội phạm XHTE và tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên” vào dự án thành phần thuộc Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2012-2015 và tiếp tục triển khai dự án này ở giai đoạn 2016-2020.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Lê Quý Vương biểu dương những cố gắng, tinh thần trách nhiệm của lực lượng CSHS toàn quốc; những tập thể, cá nhân điển hình tiêu biểu trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm XHTE và tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên. Chỉ đạo các nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện thời gian tới, Thứ trưởng Lê Quý Vương yêu cầu lực lượng CSHS phải lấy phương châm phòng ngừa là cơ bản, hướng về cơ sở, nâng cao nhận thức và phát huy vai trò của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể xã hội, nhà trường và gia đình trong việc phòng ngừa tội phạm XHTE và tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên. Lực lượng Công an các cấp cần thực hiện tốt công tác phòng ngừa nghiệp vụ, chủ động nắm chắc tình hình để xác định tuyến, địa bàn trọng điểm, hệ loại đối tượng có khả năng, điều kiện hoạt động tội phạm, kiến nghị bổ sung hệ thống pháp luật về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Đối với công tác điều tra, xử lý tội phạm, cần ưu tiên thực hiện nghiêm túc công tác tiếp nhận đơn thư, thông tin về tố giác tội phạm, nhất là các vụ việc liên quan đến trẻ em; công tác lập hồ sơ vi phạm hành chính để đề xuất các cấp có thẩm quyển quyết định đưa trẻ em vi phạm pháp luật vào Trường giáo dưỡng, người chưa thành niên vi phạm pháp luật vào cơ sở giáo dục theo quy định của pháp luật. Tăng cường hợp tác quốc tế trong việc trao đổi thông tin, hỗ trợ xác minh, giải cứu nạn nhân và điều tra khám phá các vụ án liên quan đến trẻ em…

Theo thống kê của Cục CSHS, toàn quốc phát hiện 4.723 vụ XHTE, tăng 370 vụ, trong đó XHTDTE là 3.347 vụ (chiếm 71% so với tổng số vụ XHTE), tăng 501 vụ =18%. Địa phương xảy ra nhiều vụ XHTE là: TP Hồ Chí Minh (298 vụ); Đồng Nai (247 vụ); Đắc Lắc (223 vụ); Hà Nội (192 vụ); Tây Ninh (159 vụ)…

Về tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên, toàn quốc phát hiện 23.749 vụ, giảm 4657 vụ (16%). Địa phương xảy ra nhiều vụ án người chưa thành niên vi phạm là: TP Hồ Chí Minh (2.055 vụ), Tây Ninh (1041 vụ); Đồng Tháp (902 vụ); An Giang (698 vụ); Đà Nẵng (618 vụ).

T.Hòa - M.Hiền
.
.
.