Những nội dung cốt lõi trong dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng

Thứ Sáu, 16/10/2015, 10:22
Trong Dự thảo "Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020", vấn đề văn hoá, xã hội, môi trường được trình bày ở cả hai phần: "Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015"; "Phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020".


Phần thứ tư

Về văn hóa, xã hội và môi trường

I. Khái quát nội dung chủ yếu các vấn đề về văn hóa, xã hội và môi trường đã nêu trong Dự thảo văn kiện

Văn hóa, xã hội, môi trường có vị trí, vai trò rất quan trọng đối với quá trình phát triển bền vững đất nước, do vậy, trong Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng, nội dung trình bày về những vấn đề này rất phong phú với dung lượng khá lớn.

Trong Dự thảo Báo cáo chính trị, văn hoá, xã hội, môi trường được trình bày thành 5 vấn đề (trên tổng số 15 vấn đề): "Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo; phát triển nguồn nhân lực"; "Phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ"; "Phát triển văn hoá, xây dựng con người"; "Quản lý phát triển xã hội; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội"; "Tăng cường quản lý tài nguyên; bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu".

Trong từng vấn đề, Dự thảo Báo cáo chính trị đều nêu đánh giá tình hình thực hiện các đường lối, chủ trương của Đảng, chỉ rõ những thành quả nổi bật, những hạn chế, khuyết điểm chủ yếu trong 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng; xác định phương hướng, nhiệm vụ cần thực hiện trong 5 năm tới.

Trong Dự thảo "Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020", vấn đề văn hoá, xã hội, môi trường được trình bày ở cả hai phần: "Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015"; "Phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020".

Trong Dự thảo Báo cáo kinh tế - xã hội, văn hoá, xã hội, môi trường được trình bày thành ba nội dung: nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tăng cường tiềm lực khoa học, công nghệ; phát triển văn hoá, xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Dự thảo hai báo cáo tuy kết cấu và cách trình bày nội dung có khác nhau, phù hợp với tính chất, yêu cầu của từng báo cáo, song có quan hệ mật thiết, bổ sung cho nhau:

Dự thảo văn kiện đều tập trung đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng; xác định phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục đổi mới, phát triển đất nước nhanh, bền vững trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng.

Hai dự thảo đều lấy Văn kiện Đại hội XI, các nghị quyết Trung ương nhiệm kỳ XI và thực tiễn đất nước 5 năm 2011 - 2015 làm cơ sở để xây dựng nội dung báo cáo.

Trong nhiệm kỳ XI, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết để lãnh đạo, chỉ đạo các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường:

- Về giáo dục và đào tạo: Hội nghị Trung ương 8 ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW "Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế".

- Về khoa học, công nghệ: Hội nghị Trung ương 6 ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW "Về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế".

- Về văn hoá: Hội nghị Trung ương 9 ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW "Về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước".

- Về xã hội: Hội nghị Trung ương 5 ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW "Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020" và Kết luận số 23-KL/TW "Một số vấn đề về tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng cải cách đến năm 2020".

- Về môi trường: Hội nghị Trung ương 7 ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW "Về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường".

Các nghị quyết Trung ương nêu trên phản ánh những bước phát triển trong nhận thức lý luận, chỉ đạo thực tiễn của Đảng, đều mới được ban hành, đang được triển khai và còn nguyên giá trị định hướng về tư tưởng, hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Dự thảo văn kiện Đại hội XII đã tiếp thu, chọn lọc những nội dung cốt lõi của các nghị quyết về văn hoá, xã hội, môi trường, nâng lên tầm văn kiện, đồng thời căn cứ vào yêu cầu, điều kiện cụ thể của đất nước để lựa chọn những nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện được trong 5 năm tới.

II. Về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo; phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ gắn với phát triển nguồn nhân lực

1. Tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XI về giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ

Dự thảo văn kiện đã đánh giá tình hình như sau:

Về giáo dục và đào tạo

- Những kết quả nổi bật:

Các nghị quyết của Đảng về giáo dục, đào tạo được lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, đạt được những thành quả nhất định.

Quy mô, mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo tiếp tục được mở rộng, chất lượng được nâng lên.

Giáo dục, đào tạo được quan tâm đầu tư (bằng 20% tổng chi ngân sách nhà nước); cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục, đào tạo được cải thiện và có bước hiện đại hoá.

Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, đào tạo có bước phát triển.

Công tác quản lý giáo dục và đào tạo có bước chuyển biến.

- Những hạn chế, khuyết điểm:

Chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo còn thấp so với yêu cầu, nhất là giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp.

Hệ thống giáo dục và đào tạo thiếu liên thông giữa các trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo; công tác phân luồng và hướng nghiệp còn hạn chế.

Phương pháp giáo dục, việc thi, kiểm tra và đánh giá kết quả còn lạc hậu, thiếu thực chất, còn nặng lý thuyết, nhẹ thực hành, chưa chú trọng giáo dục toàn diện.

Quản lý giáo dục và đào tạo có mặt còn yếu kém.

Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, đào tạo bất cập về chất lượng, số lượng và cơ cấu.

Đầu tư cho giáo dục và đào tạo chưa hiệu quả; cơ chế, chính sách cho giáo dục và đào tạo chưa phù hợp; cơ sở vật chất - kỹ thuật còn thiếu và lạc hậu, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Về khoa học, công nghệ

- Những kết quả nổi bật:

Tiềm lực khoa học, công nghệ được tăng cường (đầu tư ngân sách nhà nước cho khoa học, công nghệ tăng bình quân 16%/năm, đạt khoảng 2% tổng chi ngân sách nhà nước).

Hiệu quả hoạt động của khoa học, công nghệ được nâng lên, đóng góp tích cực trên nhiều lĩnh vực.

Quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ có đổi mới.

Hợp tác quốc tế về khoa học, công nghệ có tiến bộ.

- Những hạn chế, khuyết điểm:

Tiềm lực khoa học, công nghệ chưa đáp ứng yêu cầu; năng lực đội ngũ khoa học, công nghệ còn hạn chế, thiếu các nhà khoa học đầu ngành.

Đầu tư cho khoa học, công nghệ còn thấp, sử dụng chưa hiệu quả; việc huy động nguồn lực của xã hội cho khoa học, công nghệ chưa được chú trọng.

Không hoàn thành mục tiêu xây dựng các trung tâm khoa học lớn; hiệu quả sử dụng các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia và kết quả hoạt động của các khu công nghệ cao còn thấp.

Cơ chế quản lý khoa học, công nghệ chậm đổi mới, nhất là về tài chính, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, trọng dụng, đãi ngộ nhân tài.

Hợp tác quốc tế về khoa học, công nghệ còn thiếu định hướng chiến lược, hiệu quả hạn chế.

Đồng thời với việc đánh giá những ưu điểm, hạn chế trên từng lĩnh vực, Dự thảo văn kiện chú trọng đánh giá những mặt được, chưa được của giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là nhu cầu phát triển nguồn nhân lực.

- Những mặt được:

Chất lượng đào tạo được nâng lên, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 50% vào năm 2015. Dạy nghề cho lao động nông thôn được quan tâm.

Khoa học, công nghệ đã có đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội trên các lĩnh vực. Khoa học xã hội và nhân văn góp phần quan trọng trong việc cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chính sách của Đảng, công tác quản lý, điều hành của Nhà nước. Khoa học tự nhiên và một số ngành công nghệ mũi nhọn góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, nhất là trong các lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng, y tế, thông tin truyền thông; đóng góp tích cực vào việc tăng cường quốc phòng, an ninh. Phát triển thị trường khoa học, công nghệ, tăng cường hoạt động kết nối cung - cầu, giá trị giao dịch công nghệ tăng bình quân 13,5%/năm. Hình thành một số mô hình gắn kết hiệu quả viện, trường với doanh nghiệp trong hoạt động khoa học, công nghệ.

- Những mặt chưa được:

Chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo còn thấp, nhất là giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp. Đào tạo thiếu gắn kết với nghiên cứu khoa học, sản xuất kinh doanh và nhu cầu của thị trường lao động.

Khoa học, công nghệ chưa thật sự gắn kết và trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội. Công tác quy hoạch, phát triển khoa học, công nghệ chưa gắn kết chặt chẽ với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Chưa có giải pháp đủ mạnh để khuyến khích doanh nghiệp và thu hút đầu tư tư nhân cho nghiên cứu, đổi mới và ứng dụng khoa học, công nghệ. Thị trường khoa học, công nghệ phát triển còn chậm.

(còn tiếp)

.
.
.