Những nội dung cốt lõi trong dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng (tiếp theo số 3720)

Chủ Nhật, 04/10/2015, 09:15
Đánh giá tổng quát kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội (2011-2015) và nhìn lại 30 năm đổi mới (1986-2016); mục tiêu tổng quát và động lực phát triển đất nước 5 năm (2016-2020)

Nguyên nhân của thành quả:

Những thành quả đạt được 5 năm qua có nhiều nguyên nhân.

- Nguyên nhân quan trọng nhất là sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cấp uỷ đảng trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI, giải quyết kịp thời, có kết quả nhiều vấn đề mới phát sinh. Trước Đại hội XI, từ kết quả đạt được của giai đoạn 2006 - 2010 và do chưa lường hết được những khó khăn, thách thức nên những chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội đề ra cho 5 năm 2011 - 2015 là khá cao (như tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm 2011 - 2015 là 7,0 - 7,5%). Sau Đại hội XI, tình hình thế giới diễn biến rất phức tạp, kinh tế thế giới phục hồi chậm hơn dự báo. Trước diễn biến của tình hình, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đã kịp thời điều chỉnh mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội cho phù hợp với thực tế. Trong lãnh đạo, chỉ đạo, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, giải pháp để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, nỗ lực phấn đấu để đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Coi trọng nhiệm vụ xây dựng Đảng là then chốt, Trung ương đã ban hành Nghị quyết Trung ương 4 "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay", Nghị quyết Trung ương 7 về "Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới", Kết luận Hội nghị Trung ương 7 về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở". Chú trọng nhiệm vụ phát triển văn hoá - nền tảng tinh thần của xã hội. Tại các Hội nghị Trung ương 6, 7, 8, 9 đã ban hành các nghị quyết về phát triển khoa học và công nghệ, về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, về giải quyết các vấn đề xã hội, về phát triển văn hoá, xây dựng con người Việt Nam...

- Hoạt động của Quốc hội được đổi mới, nâng cao chất lượng, ngày càng đi vào thực chất, dân chủ; chất lượng ban hành luật, pháp lệnh được nâng lên, tăng cường công tác giám sát tối cao của Quốc hội; đã ban hành Hiến pháp năm 2013 có nhiều đổi mới, đáp ứng tốt hơn nguyện vọng của nhân dân; đã tổ chức thành công Hội nghị Liên minh nghị viện thế giới (IPU) lần thứ 132.

- Chính phủ và chính quyền địa phương các cấp đã quản lý, điều hành năng động, thường xuyên bám sát diễn biến của tình hình để đưa ra các chủ trương, giải pháp phù hợp; quan tâm đổi mới cơ chế, chính sách kinh tế và đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành nền kinh tế phù hợp với nền kinh tế thị trường.

- Tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa để huy động các nguồn lực, các giai tầng xã hội trong việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

- Đã chủ động và tích cực hội nhập quốc tế cả chiều rộng và đặc biệt đi vào chiều sâu, đem lại nhiều cơ hội, điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Trước diễn biến phức tạp và nghiêm trọng của tình hình ở Biển Đông, Đảng, Nhà nước ta đã có chủ trương và giải pháp phù hợp, kiên quyết đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, đồng thời giữ vững môi trường hoà bình, ổn định và quan hệ hữu nghị với các nước để phát triển đất nước.

2.2. Những hạn chế, khuyết điểm và nguyên nhân

Bên cạnh những thành quả quan trọng đạt được, chúng ta còn nhiều hạn chế, khuyết điểm:

- Đổi mới chưa đồng bộ và toàn diện.

- Một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội chưa đạt kế hoạch; nhiều chỉ tiêu, tiêu chí trong mục tiêu phấn đấu để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại không đạt được.

- Kinh tế vĩ mô ổn định nhưng chưa vững chắc; nợ công tăng nhanh, nợ xấu đang giảm dần nhưng còn ở mức cao; sản xuất kinh doanh còn gặp rất nhiều khó khăn.

- Kinh tế tăng trưởng thấp hơn 5 năm trước, không đạt mục tiêu đề ra; năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp.

- Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chậm được hoàn thiện, chưa có cơ chế đột phá để thúc đẩy phát triển; chất lượng nguồn nhân lực còn thấp; kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ, tiếp tục là những yếu tố cản trở phát triển.

- Thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm.

- Nhiều hạn chế, yếu kém trong các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hoá, xã hội chậm được khắc phục.

- Ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường còn bất cập.

- Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí,... chưa được ngăn chặn và đẩy lùi; tội phạm và tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp; đạo đức xã hội có mặt xuống cấp.

- Hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước nhiều mặt còn hạn chế. Quản lý xã hội còn một số mặt bất cập.

- Dân chủ xã hội chủ nghĩa và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc chưa được phát huy đầy đủ; kỷ cương, phép nước chưa nghiêm.

- Một số mặt công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội chuyển biến chậm.

- Công tác dự báo, hoạch định và lãnh đạo tổ chức thực hiện chính sách của Đảng, Nhà nước, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, quản lý phát triển xã hội còn nhiều bất cập.

- Hội nhập quốc tế có mặt chưa chủ động, hiệu quả chưa cao.

- Một số mặt trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội chuyển biến chậm.

Những hạn chế, khuyết điểm nêu trên có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan tác động, đan xen lẫn nhau.

Nguyên nhân khách quan là do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu; thiên tai, dịch bệnh; những diễn biến mới phức tạp của tình hình thế giới và khu vực, tình hình căng thẳng do tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông; sự chống phá của các thế lực thù địch.

Song nguyên nhân chủ quan là trực tiếp và quyết định nhất.

- Cuối nhiệm kỳ khoá X, kinh tế vẫn trên đà tăng trưởng, song một số khó khăn, hạn chế và những yếu kém vốn có của nền kinh tế đã bộc lộ, nhưng do chưa đánh giá và dự báo đầy đủ, nên Đại hội XI đề ra một số chỉ tiêu, nhiệm vụ khá cao.

- Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận chưa giải đáp được kịp thời một số vấn đề đặt ra trong quá trình đổi mới.

- Nhiều hạn chế, yếu kém trong công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp, của đội ngũ cán bộ, đảng viên chậm được khắc phục.

- Chưa chú trọng đúng mức tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp khi tập trung thực hiện chủ trương kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

- Chưa quyết liệt trong việc chỉ đạo thực hiện một số chủ trương, quan điểm phát triển đã được nêu trong Nghị quyết Đại hội XI về cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và các đột phá chiến lược, chưa tạo được cơ chế, chính sách có tính đột phá để huy động mọi nguồn lực cho phát triển.

- Năng lực dự báo còn hạn chế, cho nên một số chủ trương, chính sách, giải pháp đề ra chưa phù hợp. (Còn nữa)

.
.
.