Những người điều khiển vệ tinh

Thứ Hai, 26/01/2009, 08:16
Để làm chủ được trạm điều khiển vệ tinh VINASAT - 1, Việt Nam đã có quá trình chuẩn bị kéo dài cả chục năm. Anh Lâm Quốc Cường, Phó Giám đốc Trung tâm viễn thông quốc tế cho biết, các kỹ sư của trạm đã được đào tạo cả trong và ngoài nước nhiều năm.

Năm 2008, một trong những dấu ấn nổi bật của đất nước ta là việc phóng thành công vệ tinh VINASAT - 1 vào vũ trụ. Khẳng định ý nghĩa đặc biệt quan trọng tại lễ chứng kiến sự kiện này vào rạng sáng 19/4/2008, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nêu rõ: Dự án phóng vệ tinh VINASAT là dự án được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Đây là dự án có ý nghĩa chính trị và kinh tế - xã hội to lớn, thể hiện chủ quyền quốc gia Việt Nam trong không gian, góp phần nâng cao hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế.

Khi đưa vào sử dụng, VINASAT - 1 sẽ giúp hoàn thiện cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc, truyền thông của Việt Nam, nâng cao năng lực và độ an toàn cho mạng truyền dẫn viễn thông quốc gia với vai trò hỗ trợ và dự phòng cho các mạng truyền dẫn mặt đất và trên biển.

VINASAT - 1 là một cầu nối truyền thông quan trọng và hợp tác quốc tế của Việt Nam với các quốc gia trong khu vực và toàn thế giới, đưa Viễn thông Việt Nam lên một tầm cao mới. Với VINASAT - 1, Việt Nam đã trở thành nước thứ 93 trên thế giới và là nước thứ 6 trong khu vực Đông Nam Á có vệ tinh riêng”.

Tự tin với kỹ sư nội

Đài điều khiển vệ tinh VINASAT-1 không phải đồ sộ như nhiều người suy đoán. Đơn giản, đó là ngôi nhà 2 tầng vừa mới đưa vào sử dụng từ đầu năm 2008 trước khi vệ tinh VINASAT-1 được phóng vào vũ trụ chừng 2 tháng.

Anh Nguyễn Quang Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Quế Dương về nhận nhiệm vụ ở đây đã gần một năm, nay rốt ráo chuẩn bị kế hoạch đón giao thừa cho những người trực ở trạm, mà họ quen gọi là “những người gác cửa vũ trụ”.

Tại đây, chiếc ăngten có đường kính 13,5m trông xa tựa như cánh quạt khổng lồ. Thiết bị ở Trung tâm điều khiển VINASAT -1 gồm có nhóm thiết bị ăngten (bao gồm các thiết bị để thực hiện đưa lệnh điều khiển và thu thập các tín hiệu từ vệ tinh) và hệ thống thiết bị điều khiển.

Anh Hùng tiết lộ: Nhóm thiết bị ăngten có nhiệm vụ thu tín hiệu liên quan dữ liệu về tình trạng hoạt động, hướng đi, các thông số cảm biến bên trong do vệ tinh gửi về. Sau khi dữ liệu được đưa vào phân tích, xử lý, những lệnh điều khiển cần thiết cũng đi qua ăngten này để phát lên vệ tinh.

Thực tế, trong ngôi nhà không quá rộng được lắp đặt hơn chục máy tính và các thiết bị kỹ thuật, những cán bộ ở đây “soi” vũ trụ bằng những đường truyền 24/24. Trong trường hợp máy móc hoạt động bình thường, việc điều chỉnh vệ tinh trở về vị trí chính xác được tiến hành định kỳ 1 lần/tuần.

Những cán bộ kỹ thuật ở Quế Dương thực hiện các lệnh điều khiển mã hoá bằng thiết bị chuyên dụng trước khi phát lên vệ tinh.

“Khoá mật mã là loại khoá cứng được cài sẵn trong VINASAT-1 khi sản xuất và không thể thay đổi trong suốt thời gian tồn tại của vệ tinh. Sau khi vệ tinh hoạt động ổn định, nhà thầu sẽ cung cấp mã khóa này lại cho Trung tâm VINASAT để nắm toàn bộ quyền điều khiển” – anh Hùng cho biết.

Lễ cắt băng khánh thành trạm điều khiển vệ tinh VINASAT tại Quế Dương (Hà Nội).

Để làm chủ được trạm điều khiển, Việt Nam đã có quá trình chuẩn bị kéo dài cả chục năm. Anh Lâm Quốc Cường, Phó Giám đốc Trung tâm viễn thông quốc tế cho biết, các kỹ sư của trạm đã được đào tạo cả trong và ngoài nước nhiều năm.

Từ 2006, khoá học tại Mỹ đã trang bị những kiến thức cơ bản về điều khiển vệ tinh dưới mặt đất, đồng thời các lớp tập huấn về tiếp thị, bán hàng qua vệ tinh cũng diễn ra khẩn trương. Tháng 8/2007, Trung tâm thông tin vệ tinh VINASAT thuộc Công ty Viễn thông quốc tế được thành lập.

Những lớp đào tạo được hoàn thành cũng đúng lúc các trạm điều khiển mặt đất đưa vào sử dụng, trong đó Trạm trưởng trạm Quế Dương Hoàng Phúc Thắng cũng tốt nghiệp khoá học tại Mỹ. Hiện chúng ta có 3 đài vận hành, trong đó đài chính đặt ở Quế Dương, một đài điều khiển vệ tinh dự phòng ở Bình Dương (sẽ vận hành khi đài ở Quế Dương gặp sự cố).

Đài còn lại có chức năng điều hành khai thác dịch vụ, hỗ trợ xử lý cho khách hàng... Đến Tết này, sau 8 tháng vận hành, VINASAT-1 đã làm việc với hơn 20 bạn hàng lớn, trong đó những cái tên như VTV, VTC, Hàng không, Dầu khí... được xem là những khách hàng chính yếu.

Đối với trạm Quế Dương, ngay từ cuối năm 2006, Công ty VTI đã lập một tổ công tác gồm 7 kỹ sư là những người có kinh nghiệm công tác khai thác dịch vụ vệ tinh để đi học cách điều khiển vệ tinh.

Một năm sau, VNPT chính thức thành lập Trung tâm VINASAT gồm các bộ phận kỹ thuật điều khiển và kinh doanh. Do việc điều khiển vệ tinh là công việc mới mẻ nên các kỹ sư ở bộ phận trực tiếp điều khiển đều được đưa đi đào tạo ở nước ngoài tại Công ty Lockheed (Mỹ) và đào tạo về thực tế tại Luxembourg.

Sau các khóa đào tạo ở nước ngoài về, các kỹ sư lại phải tham gia các lớp đào tạo ngay tại Trạm điều khiển Quế Dương. Gần một năm làm việc, tới nay đội ngũ cán bộ kỹ thuật ở đây đã có kinh nghiệm xử lý kỹ thuật, kể cả trong các tình huống không thuận.

Đội ngũ kỹ thuật của VINASAT có gần 100 người, trong đó có khoảng 1/3 làm việc tại bộ phận văn phòng, kinh doanh, hơn 30 kỹ sư ở Trạm Quế Dương, còn lại ở trạm Bình Dương.

Được biết, do tính chất đặc thù trong điều khiển vệ tinh đòi hỏi sự chính xác rất cao nên trong thời gian đầu, VINASAT-1 vẫn được hỗ trợ từ phía nhà thầu Lockheed Martin. “Là lĩnh vực mới mẻ nhưng với các khoá đào tạo kỹ thuật cùng thời gian làm việc thực tế, hiện đội ngũ này có đủ khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ".

Tầm nhìn vũ trụ

VINASAT-1 phủ sóng toàn bộ lãnh thổ Việt Nam và phủ sóng ở Nhật Bản, miền đông Trung Quốc, bán đảo Triều Tiên, ấn Độ, các nước Đông Nam á, Australia, biển Đông và một phần Myanma.

VINASAT-1 là một vệ tinh viễn thông địa tĩnh, sau khi phóng lên có thể cung cấp dịch vụ đường truyền vệ tinh để phát triển các dịch vụ ứng dụng như dịch vụ thoại, truyền hình, thông tin di động, truyền số liệu, Internet, các dịch vụ đào tạo và y tế từ xa, truyền tin cho ngư dân trên biển, dự báo thời tiết, đảm bảo an ninh quốc phòng...

Đặc biệt cung cấp đường truyền thông tin cho các trường hợp khẩn cấp như thiên tai, bão lụt, đường truyền cho các vùng sâu, vùng xa, mà các phương thức truyền dẫn khác khó vươn tới được.

Năm 2008, bằng việc phóng thành công vệ tinh VINASAT-1 không những khẳng định chủ quyền của Việt Nam trong không gian mà còn thể hiện vị thế ngày càng lớn mạnh của quốc gia nói chung, của ngành viễn thông, thông tin nói riêng trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Khai thác VINASAT-1 còn có có ý nghĩa về mặt xã hội, góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia theo hướng hiện đại, nâng cao độ an toàn mạng lưới viễn thông, thúc đẩy và phát triển các dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, thương mại, giải trí...

Mỗi năm vệ tinh VINASAT-1 có thể tiết kiệm cho đất nước hơn 10 triệu USD từ tiền cước thuê kênh của các vệ tinh nước ngoài như Asiasat, IPStar, Miasat…

Có hai loại dịch vụ cơ bản được VINASAT-1 cung cấp phục vụ khách hàng là cho thuê băng tần vệ tinh (cung cấp đến trọn bộ phát đáp trên băng tần vệ tinh, hoặc thuê lẻ dung lượng) và các dịch vụ trọn gói như kênh thuê riêng; phát hình lưu động, đào tạo từ xa, truyền hình DTH, truyền hình hội nghị, truyền dữ liệu ngân hàng, đường truyền ISP, kênh thuê riêng cho di động... ý tưởng phóng vệ tinh viễn thông của riêng Việt Nam xuất phát từ việc các doanh nghiệp và tổ chức của Việt Nam đã và đang phải trả một khoản ngoại tệ lớn thuê vệ tinh của Nga, Australia, Thái Lan... để sử dụng cho các yêu cầu cung cấp dịch vụ và thông tin chuyên ngành 

Trường Vinh
.
.
.