Những con đê "tạo lũ"

Thứ Ba, 23/10/2007, 18:54
Như vậy là điều lo ngại của chính quyền và nhân dân địa phương về lũ lớn tại khu vực phía Tây đường 14b, đoạn qua địa phận 2, xã Hòa Phong, Hòa Khương, huyện Hòa Vang (Đà Nẵng), khi con đường này nâng cao trình lên hơn 3m đã xảy ra.

Cơn mưa trong chiều và đêm 16/10 vừa qua, lượng mưa chỉ trên 200mm, đã làm gần 1.000 hộ dân của 8 thôn xã Hòa Phong ngập trong biển nước. Lũ lên quá nhanh, nhiều khu dân cư ngập sâu hơn 1m.

Nếu mưa kéo dài chừng dăm bảy tiếng đồng hồ nữa, thiệt hại về người và tài sản sẽ không nhỏ, khi mà người dân và cả Ban Chỉ huy PCLB&TKCN địa phương đều bất ngờ trước tình huống này.

Nhà ông Đặng Công Đây, ngụ thôn Túy Loan 1, xã Hòa Phong có nền khá cao, thế mà lũ vừa qua ngập hơn nửa mét. Vợ ông Đây cho hay: Từ xưa đến nay, làm gì có chuyện mới mưa một chặp nước đã ngập vào nhà. Nếu mưa tầm tã suốt ngày suốt đêm như đợt lũ năm 1999 chắc trở tay không kịp. Nước lên nhanh quá, ai nấy đều bị động trong phòng chống. Thật may, mưa chỉ mấy tiếng đồng hồ là ngớt.

Nhà chị Đặng Thị Hương gần đó nước ngập quá nền hơn nửa mét, không có sự chuẩn bị nên nhiều tài sản chìm trong nước. Bức tường vừa xây phía trước bị ngã đổ hết.

Chị cho biết: Sinh sống tại thôn này hàng chục năm, chưa khi nào thấy lũ lên nhanh như vậy. Chung quy đều do đường 14b nâng cao gây nên cả. Mưa kéo dài thêm ít ngày nữa, chắc cả vùng này chìm sâu trong lũ.

Đường 14b nâng cấp, cao trình cao hơn đường cũ hơn 3 mét đã tạo thành con đê chắn qua vùng lũ. Các cống qua đường khẩu độ hẹp, nước thoát không kịp, làm lũ dâng lên rất nhanh. Trước đây, ngày chưa nâng cấp, nền đường 14b thấp, nước lũ cứ thế tràn qua đường xuôi về sông Yên. Khu vực phía Tây đường ít khi bị ngập.

Còn nay, lũ nhỏ cũng ngập sâu. Ông Trần Văn Hóa - Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phong cho hay: Hàng trăm kilômét rừng núi phía Tây 2, xã Hòa Phong, Hòa Khương, khi có mưa nước đều chảy về phía xã Hòa Phong, với khối lượng vô cùng lớn.

Đáng tiếc, đơn vị thiết kế thi công đường 14b không tính toán hết điều này, cống qua đường vừa ít, vừa khẩu độ hẹp. Mưa như vừa qua chưa thể tạo thành lũ. Thế mà 8 thôn phía Tây đường nước ngập hơn 1m, làm cho sinh hoạt đi lại của nhân dân vô cùng khó khăn.

Tình trạng này, cứ mưa xuống là ngập. Mưa to kéo dài nhiều ngày chắc chắn cả vùng sẽ chìm trong biển nước. Khu vực trung tâm hành chính huyện Hòa Vang đang xây dựng, nền đã nâng cao hơn 3m, nhưng cũng không tránh khỏi ngập. Ông cho biết thêm: Thực trạng này gây tổn thất không nhỏ cho cả vùng.

Phía Tây đường 14b bị ngập sâu là điều khó tránh khỏi. Phía Đông đường, đất canh tác khu vực hạ lưu cống sẽ bị xói lở bồi lấp. Đó là chưa kể, nước lũ bị đường 14b chắn, sẽ tràn qua phía sông Túy Loan gây lũ quét đối với các khu dân cư hai bên sông.

Lũ ngập sâu nơi từ xưa đến nay chưa bao giờ xảy ra là tình huống mới trong phòng chống lũ của huyện Hòa Vang. Trước đây không ai tính đến phương án đối phó với lũ ở phía Tây đường 14b, còn nay khu vực này phải đặc biệt chú trọng.

Ông Nguyễn Phú Ban, Trưởng ban PCBL&TKCN huyện Hòa Vang cảnh báo: Đường 14b gây lũ quá rõ rồi, hiện địa phương đang theo dõi đường tránh Nam Hải Vân - Tuý Loan có gây nên tình trạng tương tự.

Để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản nhân dân, Ban Chỉ huy PCLB&TKCN các cấp ở huyện đã có phương án phù hợp cho tình huống này. Tuy nhiên, từng hộ dân phải tích cực chủ động trong việc phòng chống, không để bị bất ngờ khi tình huống xảy ra.

Bên cạnh triển khai chu đáo phương án phòng chống lũ ngập sâu, lũ quét, vấn đề khắc phục những bất cập về thoát lũ qua đường 14b cũng phải tính đến. Không thể để công trình đường sá chạy qua địa bàn tạo thành con đê chắn lũ như hiện nay.

Ban Chỉ huy PCLB&TKCN thành phố cần có ngay kiến nghị về thực trạng nêu trên đến Bộ Giao thông vận tải, để bộ này có giải pháp khắc phục, mở rộng khẩu độ thoát nước tại các cống qua đường, giúp nước thoát nhanh mỗi khi có mưa lớn, kéo dài…

Nguyễn Cầu
.
.
.