Những chính sách có hiệu lực từ tháng 6-2018

Thứ Sáu, 01/06/2018, 09:11
Một loạt các chính sách sẽ bắt đấu có hiệu lực từ tháng 6-2018, trong đó rất nhiều cơ chế tạo thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp.

1. Bỏ cơ chế xin-cho trong giao dịch hàng hóa nông sản

Theo Nghị định số 51/2018/NĐ-CP của Chính phủ, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 158/2006/NĐ-CP ngày 28-12-2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa, từ 1-6, thay vì phải mất 3-4 tháng xin phép, các sản phẩm nông sản Việt Nam có thể được giao dịch trên Sở Giao dịch hàng hóa mà không cần xin phép.

2. 7 nhóm ngành nghề nông thôn được hỗ trợ phát triển

 Nghị định số 52/2018/NĐ-CP về phát triển ngành nghề nông thôn, quy định một số nội dung, chính sách phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề có hiệu lực từ 1-6. Theo đó, 7 nhóm ngành nghề nông thôn được hỗ trợ phát triển bao gồm: Chế biến, bảo quản nông, lâm thủy sản; Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; Xử lý, chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn; Sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ; Sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh; Sản xuất muối; Các dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn. Các nhóm ngành, nghề nêu trên sẽ hỗ trợ về mặt sản xuất, ưu tiên vay vốn từ các tổ chức tín dụng; hỗ trợ tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại…

3. Cá nhân sản xuất nông nghiệp được hỗ trợ tối đa 90% phí bảo hiểm nông nghiệp

Từ 5-6, Nghị định số 58/2018/NĐ-CP về bảo hiểm nông nghiệp có hiệu lực thi hành. Theo đó, các đối tượng bảo hiểm được hỗ trợ bao gồm: Cây trồng (lúa, cao su, hồ tiêu, điều, cà phê, cây ăn quả, rau), vật nuôi (trâu, bò, lợn, gia cầm), nuôi trồng thủy sản (tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra). Cá nhân sản xuất nông nghiệp thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ tối đa 90% phí bảo hiểm nông nghiệp. Cá nhân sản xuất nông nghiệp không thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ tối đa 20% phí bảo hiểm nông nghiệp…

4. Từ 21-6, bộ phận một cửa phải lắp camera

 Nghị định số 61/2018/NĐ-CP về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính có hiệu lực từ 21-6 quy định, tại bộ phận một cửa, bố trí khu vực cung cấp thông tin, thủ tục hành chính; khu vực tiếp nhận và trả kết quả được chia thành từng quầy tương ứng với từng lĩnh vực khác nhau; bố trí đủ ghế ngồi chờ, bàn để viết, máy tính có kết nối mạng dành cho tổ chức, cá nhân đến giao dịch, thực hiện dịch vụ công trực tuyến; lắp đặt camera theo dõi toàn bộ khu vực làm việc của bộ phận một cửa có kết nối với cơ quan nhà nước cấp trên và trong toàn hệ thống; bố trí khu vực đặt các trang thiết bị: máy lấy số tự động kết nối tới hệ thống thông tin một cửa điện tử…

5. Nhiều ưu đãi với dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư

Nội dung này được quy định tại Nghị định 63/2018/NĐ-CP của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư, có hiệu lực từ ngày 19-6. Cụ thể, chủ đầu tư theo hình thức đối tác công tư được hưởng các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp; Hàng hóa nhập khẩu để thực hiện dự án được hưởng ưu đãi theo quy định về thuế xuất, nhập khẩu. Ngoài ra, chủ đầu tư còn được miễn, giảm tiền sử dụng đất đối với diện tích đất được Nhà nước giao hoặc được miễn, giảm tiền thuê đất trong thời gian thực hiện dự án phù hợp với quy định về đất đai cùng các ưu đãi khác theo quy định hiện hành.

6. Vi phạm hành chính trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, thủy sản phạt đến 200 triệu đồng

Theo Nghị định số 64/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, thủy sản, vi phạm hành chính về lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, thủy sản sẽ bị phạt đến 200 triệu đồng. Nghị định có hiệu lực từ ngày 22-6.

Ban PL-BĐ
.
.
.