Hội thảo quốc gia 90 năm báo chí cách mạng

Nhiều trăn trở về đạo đức của người làm báo

Thứ Sáu, 19/06/2015, 06:34
Ngày 18/6, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã phối hợp tổ chức Hội thảo quốc gia “90 năm báo chí cách mạng Việt Nam, truyền thống, bản lĩnh và trách nhiệm”.

Tới dự hội thảo có đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT&TT, Hội Nhà báo Việt Nam, các nhà báo lão thành như nhà báo Hữu Thọ, nhà báo Phan Quang, nhà báo Hồng Vinh cùng lãnh đạo các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội.

Tại Hội thảo, TS. Vũ Ngọc Hoàng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương đã thẳng thắn đặt ra một số vấn đề mà ông cho rằng, đó chỉ là ý kiến cá nhân song báo chí cách mạng cũng không thể “đứng ngoài câu chuyện này”. Vấn đề thứ nhất là khái niệm “nhạy cảm” trong báo chí.

Theo ông, lâu nay chúng ta vẫn nghĩ nhạy cảm tức là những vấn đề không bình thường, được nhiều quan tâm nhưng do nó là chuyện “nhạy cảm” nên báo chí vì thế cũng không được chạm vào vùng cấm đó. Không được viết, không được nói, không được đề cập đến một cách đầy né tránh vì sợ bị đánh giá, bị quy chụp, thậm chí có thể gặp rủi ro, nguy hiểm lâu ngày vô hình đã khiến cho nhiều mảnh đất của chúng ta bị các thế lực thù địch có cơ hội vào tự do cày xới. Báo chí cách mạng của chúng ta vì thế cũng trở nên thiếu vắng những cây bút đầy năng lực và bản lĩnh.

Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT&TT với các nhà báo dự hội thảo.

Vấn đề thứ 2 mà TS. Vũ Ngọc Hoàng nhấn mạnh, đó là báo chí cách mạng cần có những cái nhìn toàn diện hơn, khách quan và trách nhiệm hơn về những thành quả và hạn chế của đất nước trong 30 năm đổi mới. "Nước ta, sau gần 30 năm công nghiệp hóa, dù đã đạt được nhiều thành tựu nhưng theo tôi có thể nói là chưa thành công, có nhiều mặt tụt hậu xa hơn. Năng suất lao động quá thấp, chỉ bằng 1/5 so với Thái Lan và Malaysia, 1/10 Hàn Quốc và 1/15 Singapore. Hiệu quả đầu tư chỉ bằng một nửa so với các nước, tức là mất mát hoặc lãng phí quá nhiều. Mức thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam còn quá thấp.

Theo dự báo cơ cấu dân số vàng sẽ kết thúc vào năm 2025 sau đó là sang giai đoạn dân số già, và lúc ấy thu nhập đầu người của Việt Nam tối đa chỉ khoảng 3.000 USD. Điều này cho thấy, trong khi các nước còn trẻ đã giàu, còn Việt Nam ta già rồi vẫn còn nghèo… Những yếu kém và tụt hậu như vậy không thể né tránh, không thể giấu đi, mà phải chỉ rõ và tìm cho ra nguyên nhân, kể cả nguyên nhân trực tiếp và nguyên nhân sâu xa, từ đó mà xác định các giải pháp hữu hiệu để thoát ra, để tiến lên” - TS. Vũ Ngọc Hoàng đặt vấn đề.

Với tâm huyết của một người có nửa thế kỷ cầm bút, nhà báo Hữu Thọ, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân dân, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương lại bày tỏ nhiều trăn trở về đạo đức người làm báo hiện nay.

Theo nhà báo Hữu Thọ, bên cạnh dòng chảy chủ đạo tích cực như bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước, phản ánh cuộc sống nhiều chiều, tích cực nêu gương nhân tố mới, đấu tranh với tiêu cực, lãng phí, đặc biệt là phản ánh cuộc chiến đấu nhiều mặt trong bảo vệ chủ quyền quốc gia thì báo chí vẫn còn tồn tại không ít và có việc không nhỏ, nổi lên là thông tin sai sự thật quá nhiều, thậm chí là bịa đặt, suy diễn, gây bức xúc xã hội. “Có những sai sót mà chúng tôi không thể ngờ cùng những hành vi tiêu cực khác mà tôi rất đau lòng khi phải nói lên một sự thật rằng, uy tín của giới báo chí đang giảm sút”- nhà báo Hữu Thọ chia sẻ.

Cũng theo lý giải của nhà báo Hữu Thọ, sở dĩ có tình trạng này là do nhiều tờ báo hiện nay đang khó khăn cân đối thu chi cho nên một số tờ tìm cách đưa tin giật gân, câu khách để bán báo và câu số người truy nhập để có thêm quảng cáo, có tiền nuôi quân, giữ cây bút giỏi. Tuy nhiên, nguyên nhân chính và căn bản phải nói tới là việc kém rèn luyện, tu dưỡng của phóng viên và sự giám sát lỏng lẻo của các Ban biên tập về hành vi đạo đức của những người viết báo. “Hiện có 4 nhóm mà báo chí bị lợi dụng. Đó là, lợi dụng báo chí như công cụ để tự đề cao, để nổi danh hòng trúng cử trong các cuộc thi, không chỉ có chuyện “loạn Sao, loạn Hậu” mà cả trong những cuộc tranh giành chức vụ chính trị; lợi dụng báo chí để loại đối thủ cạnh tranh trong kinh doanh và cả trong chính trị; lợi dụng báo chí để trả thù cá nhân; lợi dụng báo chí để che chắn tội ác, bảo vệ tội phạm. Thế mới có chuyện, có người đã lạnh lùng nói thẳng thừng “Nghèo thì mua nhà báo, giàu thì mua chủ báo”. Hiện cũng có 6 nhóm hành vi lạm dụng thế lực nhà báo như: ép, van nài doanh nghiệp để xin quảng cáo, ăn hoa hồng, mang thư bạn đọc đi đe dọa các đơn vị và người tố cáo để đòi tiền; hùa nhau đi đánh thuê theo phong trào; lợi dụng sự quen biết rộng rãi để tham gia chạy chức, chạy quyền… Những người bị lợi dụng hay bị lạm dụng như trên tôi vừa nói thực sự không chỉ vi phạm đạo đức nghề nghiệp mà còn không xứng đáng với đạo làm người, có trường hợp vi phạm pháp luật, không còn giữ được những đạo đức cốt lõi của người làm báo” - nhà báo Hữu Thọ thẳng thắn đặt vấn đề.

Với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cho rằng: Để nâng cao chất lượng của hoạt động báo chí trong thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh kịp thời những vướng mắc, phát sinh từ thực tiễn; tăng cường trách nhiệm, vai trò của cơ quan chủ quản đối với các cơ quan báo chí; sắp xép lại hệ thống báo chí, tạo cơ chế và nguồn lực để báo chí phát triển và đặc biệt là tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao phẩm chất chính trị và đạo đức của người làm báo trong thời kỳ mới.

Huyền Thanh
.
.
.