Nhiều phức tạp mới với hạn mức sổ đỏ 30m2

Thứ Sáu, 17/04/2009, 16:19
Quyết định 58/2009 của UBND TP Hà Nội không cho tách thửa và cấp sổ đỏ cho những thửa đất dưới 30m2 trong dân, nhưng lại vẫn cấp sổ đỏ cho những căn nhà, mảnh đất diện tích bé như thế thuộc các khu tập thể, các mảnh đã tách thửa trước khi quyết định này có hiệu lực. Vì thế, những khu nhà manh mún sẽ vẫn còn và người dân sẽ cảm thấy sự thiếu công bằng trong thực hiện quy định mới này.
>> Đất cũ dưới 30m2 tại Hà Nội sẽ xử lý ra sao?

Ngay sau khi TP Hà Nội ban hành Quyết định 58/2009/QĐ-UBND về hạn mức giao đất ở mới; hạn mức công nhận đất ở đối với thửa đất có vườn, ao trong khu dân cư; kích thước, diện tích đất ở tối thiểu được tách thửa cho hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn thành phố, đã có nhiều rắc rối nảy sinh khi thực hiện.

Ghi nhận của nhóm phóng viên Báo CAND tại TP Hà Đông cho thấy, quy định mới thuận lợi cho công tác quản lý đô thị một thì lại khiến người dân gặp nhiều đường khó!

Đất nhà mà phải mượn tên

Tại văn phòng một cửa Phòng Tài nguyên và Môi trường TP Hà Đông. Bà Thủy và bà Hoa là hai hộ độc lập mua chung mảnh đất mặt đường thuộc làng nghề Vạn Phúc. Vì khả năng kinh phí có hạn nên họ chỉ mua được mảnh đất rộng gần 50m2 để kinh doanh. Khi đến làm thủ tục tách thửa, sang tên quyền sở hữu, cả hai mới té ngửa khi biết rằng ngày 30/3/2009, thành phố ban hành quyết định mới không cấp sổ đỏ cho mảnh đất mới tách dưới 30m2. Dù không muốn, họ vẫn phải làm thủ tục để cấp giấy chứng nhận đồng sở hữu (cho cả bà Thủy và bà Hoa) đối với mảnh đất trên.

Những sổ đỏ được cấp đồng sở hữu.

Ngay sau đó, bộ phận một cửa tiếp nhận thêm 4, 5 trường hợp như thế. Tất cả những người dân có nhu cầu đều nhận được câu trả lời gọn lỏn của nhân viên một cửa: Theo quy định mới, không làm được sổ đỏ cho mảnh đất dưới 30m2 mới tách thửa. 

Việc thực hiện quyết định này dường như hạn chế cả nhu cầu chia thừa kế đất ở trong Luật Dân sự. Ông Hoan ở khu tập thể một trường quân đội được thanh lý căn nhà rộng 78m2 theo Nghị định 61/CP. Nguyện vọng của gia đình là chia tách căn nhà cho con trai lớn hơn 40m2, con thứ hơn 20m2, làm sổ đỏ cho các con yên tâm làm ăn. Nhưng theo quy định mới, không được phép chia tách như vậy. Muốn toại nguyện, ông Hoan phải tách mảnh nhỏ nhất là 30m2, thì mới có thể cấp sổ đỏ cho cả hai mảnh.

Nếu trường hợp người khác có mảnh đất dưới 60m2, thì việc chia thừa kế cho hai hoặc ba con sẽ thực sự khó khăn. Bà Nguyễn Thị Hạnh - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường Hà Đông cho biết, do tồn tại từ trước đây, Hà Đông có rất nhiều trường hợp đã mua bán trao tay nay mới đến cơ quan một cửa xin chia tách thửa. Quy định mới khiến Phòng liên tục phải giải thích cho dân, nhưng người dân cũng không cảm thấy hài lòng.

Bà Hạnh cho biết, ngay như những mảnh đất đã đấu giá hợp pháp theo quy hoạch có diện tích 60m2, nhiều hộ dân vì khó khăn, họ muốn nhượng đi một nửa để lấy tiền đầu tư xây dựng phần còn lại. Quy định không cho phép, nên họ đành ở nhà cấp thấp, vừa khó cho người dân lại không đẹp cảnh quan cho đô thị...

Một nghịch lý nữa là quyết định mới không cho tách thửa và cấp sổ đỏ cho những thửa đất dưới 30m2 trong dân, nhưng lại vẫn cấp sổ đỏ cho những căn nhà, mảnh đất diện tích bé như thế thuộc các khu tập thể, các mảnh đã tách thửa trước khi quyết định này có hiệu lực. Vì thế, những khu nhà manh mún sẽ vẫn còn và người dân sẽ cảm thấy sự thiếu công bằng trong thực hiện quy định mới này.

Khó cho cả cơ quan cấp sổ đỏ

Điều dễ nhận thấy, hàng ngàn mảnh đất có diện tích dưới 30m2 tại Hà Đông lại phần nhiều do giải phóng mặt bằng, bồi thường tái định cư, đất dịch vụ tạo ra. Cụ thể là Hà Tây trước đây khi giải phóng mặt bằng đã trả hàng ngàn suất đất dịch vụ theo tỷ lệ cứ lấy ra 100m2 đất nông nghiệp thì trả 10m2 đất dịch vụ sử dụng lâu dài. Trong số đó, cũng tới hàng ngàn người có diện tích đất dịch vụ nhỏ hơn 30m2. Vấn đề sẽ trở nên phức tạp nếu không có cách giải quyết thỏa đáng, tạo thông thoáng cho người dân và cả nhà quản lý.

Theo lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường Hà Đông, thì vướng mắc lớn nhất là tình trạng mua bán trao tay những mảnh đất nhỏ diễn ra từ lâu, người dân đã ở ổn định, nay họ mới làm thủ tục. Số này có hàng ngàn trường hợp, tập trung ở các phường Vạn Phúc, khối 7 phường Quang Trung, phường Phúc La, Văn Quán...

Khó khăn thứ hai, là hàng trăm, thậm chí hàng ngàn hộ gia đình có phần đất còn lại (sau khi đã nhường đất cho dự án) nhỏ hơn 30m2, những hộ nhận đất tái định cư nay buộc phải chia cho các con, mà quy định không cho phép tách, lập sổ đỏ đối với đất đã quy hoạch đô thị thì giải quyết ra sao? Chẳng hạn như ông Trần Đình Vu nhận đất tái định cư (hơn 70m2) ở dự án đường Lê Trọng Tấn, muốn chia cho hai con nhưng bị vướng.

Vấn đề thứ ba, hạn mức công nhận quyền sử dụng đất đối với đất có vườn, ao trong khu dân cư cũng nảy sinh phức tạp mới. Trước đây, quy định tối đa không quá 200m2 đất ở, còn lại là vườn ao. Bây giờ đô thị hóa, người dân tùy tiện cắt đất ra bán, giấy tờ chứng minh không rõ ràng đang khiến cơ quan chức năng vô cùng khó giải quyết.

Xung quanh câu chuyện này, còn rất nhiều vướng mắc cần tiếp tục điều chỉnh, tháo gỡ mới mong tạo thuận lợi cho người dân và cả cơ quan quản lý

Thanh Phong - Trần Hằng
.
.
.