Nguy cơ sập cầu Đuống đã được cảnh báo

Thứ Tư, 06/05/2009, 15:04
Ngày 4/5, tấm đan bê tông trên dầm cầu số 4 cầu Đuống bị lún sụt một khoảng rộng chừng 2m2 với hõm sâu từ 10 - 15cm, gây nguy hiểm cho tính mạng hàng ngàn người qua cầu. Sự cố này khiến cho cả tuyến đường từ cầu Chui - Yên Viên (huyện Gia Lâm, Hà Nội) tắc đường trong nhiều giờ. Những sự cố này đã được Báo CAND cảnh báo nhưng các cơ quan chức năng vẫn để tai họa rình rập dưới chân người tham gia giao thông.

Sự cố nối tiếp sự cố

Chiều 4/5, dòng người và xe cộ tắc nghẽn kéo dài từ cầu Đuống tới tận cầu Chui (Gia Lâm). Không ít người dự đoán: "Tai nạn, hay sập cầu Đuống". Đã từ lâu, cứ thấy tắc đường là các bác tài thường nói với hành khách rằng "có thể sập cầu Đuống". Điều đó cho thấy sự lo ngại luôn thường trực của người tham gia giao thông về sự an toàn của cây cầu.

Lách qua những chiếc ôtô nối đuôi nhau, tôi đi bộ hướng về phía cầu Đuống và chứng kiến, đoạn giữa cầu có một khoảng mặt đường lún sụt. Đơn vị quản lý cầu phải dùng mấy thanh gỗ to chắn lại, tạo nút cổ chai giữa cầu với làn đường duy nhất. Mỗi khi xe ôtô trọng tải lớn đi qua, người đi bộ mà nhìn xuống những hố lõm, điểm hở trên cây cầu thì chỉ muốn... xỉu.

Ông Nguyễn Hoài Trung, Phó Giám đốc Công ty Quản lý đường sắt Hà Hải cho biết, điểm lún, lõm trên mặt cầu là do một chiếc xe trọng tải quá lớn đi qua. Vị trí lún này vẫn nằm trong 21 điểm tấm đan rạn nứt đã được chú ý và gia cố từ trước. Tình trạng rạn nứt (trong đó có 6 điểm sụt nguy hiểm) là do xe trọng tải lớn qua lại vượt quá khả năng chịu lực của cây cầu.

Đoạn mặt cầu bị sụt, nguy hiểm.

Từ ngày 1/5, trạm soát vé trên đường Ngô Gia Tự được dỡ bỏ thì lượng xe qua cầu ngày càng quá tải. Ngay khi phát hiện điểm sụt vào ngày 4/5, công ty đã bố trí các thanh gỗ tại điểm này để ngăn phương tiện lưu thông qua khu vực nguy hiểm. Nếu ôtô tiếp tục đi vào điểm lún sụt thì không biết điều gì sẽ xảy ra...

Sáng 5/5, việc lưu thông của các phương tiện qua cầu đã tạm ổn. Công ty Hà Hải đặt trên điểm lún sụt một tấm tôn dày 2cm, đồng thời gia cố bên dưới gầm cầu. Tấm tôn sẽ được rút ra sau khi việc gia cố hoàn thành.

Mặc dù việc gia cố, sửa chữa sẽ khắc phục được ngay trước mắt, nhưng nếu để tình trạng này kéo dài thì tính mạng của người tham gia giao thông luôn bị rình rập bất cứ lúc nào. Tần suất và tải trọng khai thác quá nhiều tất yếu dẫn đến các sự cố liên tiếp xảy ra trên cầu Đuống. Bởi vậy, việc ứng phó với các sự cố như trên dường như quá quen thuộc với Công ty Quản lý đường sắt Hà Hải.

Bằng chứng là nguyên vật liệu sửa chữa luôn tập kết đầy đủ ở chân cầu, nhân viên quản lý, công nhân sửa chữa cũng luôn thường trực ở đây. Đặc biệt, nếu đi dưới gầm cầu sẽ nhìn thấy rõ số lần sửa chữa, vá víu cây cầu nhiều như thế nào.

Sự cố cầu Đuống gây tắc đường, hành khách ngồi ngóng xe buýt.

Nếu để cầu sập, ai sẽ chịu trách nhiệm?

Những người dân hằng ngày qua cây cầu huyết mạch này đều không khỏi ngại ngần và lo lắng: "Chẳng ai dám đảm bảo là cầu không sập trong nay mai"...

Ngay cả đơn vị quản lý cầu cũng đánh giá: "Cầu được xây dựng đã lâu, thiết kế không còn phù hợp với khai thác hiện nay nên dẫn đến hiện tượng cầu rung với biên độ lớn. Lớp bê tông cốt thép tầng phòng nước phải trực tiếp chịu lực khiến nó bị phá vỡ, làm rạn nứt, tụt, sập lớp bê tông atphal bên trên". Vì thế Công ty Quản lý đường sắt Hà Hải liên tục phải gia cố cầu, một mặt báo cáo với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam để đề nghị sửa chữa, khắc phục tận gốc.

Sáng 5/5, khi trao đổi với chúng tôi, ông Trung cũng thông báo, hiện Tổng Công ty đang gấp rút hoàn thành kế hoạch cho đợt sửa chữa lớn cầu Đuống. Nhưng để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện qua lại, cơ quan chức năng cần tổ chức phân luồng đường, kiên quyết cấm xe container, xe trọng tải lớn qua cầu trước khi cầu được đại tu. Nếu một lần nữa xảy ra tình huống lún sụt mà không phát hiện kịp, gây sập mố cầu thì chưa biết hậu quả sẽ ra sao? Ai sẽ chịu trách nhiệm trước tính mạng và phương tiện của người tham gia giao thông khi tai nạn đã được cảnh báo trước? Hay phải chờ đến khi cầu sập thì các ngành, các cấp mới quy trách nhiệm và đổ lỗi cho nhau? Vì vậy, việc đó phải được làm ngay, trước khi quá muộn

Đầu tư 12 tỷ đồng sửa chữa cầu Đuống

Hôm qua (5/5), Bộ Giao thông vận tải đã thành lập đoàn kiểm tra sự cố sập cầu Đuống. Ông Huỳnh Hùng - Trưởng phòng Cơ sở hạ tầng - Cục Đường sắt Việt Nam, cho biết, qua kiểm tra cho thấy, sự cố mặt cầu dầm số 4 bị lún, rạn nứt là khá nguy hiểm. Nếu không tổ chức phòng vệ, để các xe trọng tải lớn đi vào khu vực trên dễ dẫn đến sụt lún lớn, gây hậu quả khó lường. Do đó, đoàn kiểm tra đã thống nhất phương án khắc phục là gia cố lại khu vực bên dưới dầm cầu số 4. Dự kiến sẽ đầu tư khoảng 12 tỷ đồng để gia cố cầu Đuống và sẽ được khẩn trương thực hiện trong thời gian sớm nhất.

Ông Nguyễn Văn Thành - Phó phòng Cơ sở hạ tầng cho biết thêm, trong chiều 5/5, các đơn vị của Bộ cũng đã tiến hành họp bàn nghiên cứu các biện pháp bảo vệ cầu.

T.Huyền

Việt Hà
.
.
.