Kỷ niệm 95 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (1/7/1915 - 1/7/2010)

Người vững lái con thuyền đổi mới

Thứ Năm, 01/07/2010, 11:12
Cuối những năm 1980 đầu 1990, hệ thống các nước XHCN trên thế giới lâm vào thoái trào. Ở trong nước, tình hình kinh tế xã hội khủng hoảng sâu sắc, một bộ phận cán bộ, đảng viên tỏ ra dao động. Trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã thể hiện một bản lĩnh và lập trường kiên định, cùng tập thể Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương vững tay chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua thác ghềnh.

Có một câu chuyện đã được các cán bộ giúp việc của đồng chí Nguyễn Văn Linh kể lại, khi Tổng Bí thư đang thăm và làm việc ở nước ngoài; từ trong nước điện sang xin ý kiến: Ở miền Nam được mùa rất lớn. Các kho chứa thóc đã kín chỗ, lúa ngoài đồng chưa gặt còn nhiều. Đề nghị cho xuất khẩu gạo. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh rất trăn trở, bởi lẽ sau bao năm đất nước liên tục phải nhập khẩu lương thực, nay mới có dư một chút mà xuất khẩu thì liệu có bảo đảm an ninh lương thực? Vị Tổng Bí thư đầu tiên của thời kì đổi mới cân nhắc kĩ, rồi điện chỉ đạo: "Đồng ý cho xuất khẩu. Số ngoại tệ thu được phải quản lí chặt chẽ, đề phòng thất bát thì lại nhập lương thực cứu đói cho dân".

"Cây đũa thần" Khoán 10

Sự kiện trên diễn ra vào cuối tháng 10/1989, khi đồng chí Nguyễn Văn Linh đang có mặt tại Berlin dự kỉ niệm 40 năm Ngày ra đời nước Cộng hòa Dân chủ Đức. Người dân Việt Nam từng trải qua những năm tháng bao cấp gian khổ, đều thấy hết ý nghĩa của việc lần đầu tiên chúng ta xuất khẩu gạo. Đây là kết quả thực hiện đường lối đổi mới quản lí nông nghiệp, với Nghị quyết 10 năm 1988 (còn gọi là Khoán 10) về khoán đến tận hộ gia đình; bởi chỉ trước đó một năm, nước ta vẫn phải nhập khẩu tới 45 vạn tấn lương thực cứu đói! Sự thay đổi kì diệu này chứng tỏ sức sống và giá trị của một nghị quyết, khi nó bám sát thực tế khách quan và tuân thủ quy luật về quan hệ sản xuất.

Đồng chí Lê Xuân Tùng (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội) nhiều năm là trợ lý của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Ông đã chứng kiến quá trình hình thành tư duy và quyết tâm đổi mới của đồng chí Nguyễn Văn Linh. Đồng chí Lê Xuân Tùng nhớ lại: "Hồi còn chế độ bao cấp, đôi khi từ miền Nam ra miền Bắc công tác, đồng chí Nguyễn Văn Linh thường về Nam Định, Hà Tây... khảo sát hợp tác xã nông nghiệp. Thời gian đi không nhiều, nhưng câu hỏi thì còn mãi vấn vương trong đầu đồng chí: "Tại sao đất 5% của hộ gia đình lại nuôi sống họ được 50 - 60% so với 95% đất còn lại đóng góp cho hợp tác xã nuôi sống họ chỉ 40 - 50%?".

Thực tế cho thấy, Khoán 100 (năm 1981) đã thổi luồng sinh khí mới vào hợp tác xã nông nghiệp và đến Khoán 10 thì thực sự là một cuộc cách mạng, góp phần quyết định vào những thành tựu nông nghiệp của Việt Nam, khiến cộng đồng thế giới cũng phải ngạc nhiên, khâm phục.

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh thăm công trình xây dựng Nhà máy Thủy điện Trị An, ngày 20/4/1987.

Đúng như đồng chí Nguyễn Văn Linh đã khẳng định ngay sau Đại hội VI của Đảng: "Nước ta đang ở trong đường hầm, nhưng ở cuối đường hầm đã le lói ánh sáng, đã mở lối ra"… Lối ra khỏi cuộc khủng hoảng toàn diện về kinh tế, xã hội của đất nước ta thời kỳ 1980 chính là đổi mới kinh tế, lấy nông nghiệp là "mặt trận hàng đầu", đã góp phần an dân sau nhiều năm triền miên đói kém. Cho đến Đại hội VII của Đảng (năm 1991), chúng ta đã hoàn toàn tự tin khẳng định: "Đất nước ta đã ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội kéo dài trong nhiều năm".

Người Cộng sản chân chính

Tham gia cách mạng từ rất sớm, đồng chí Nguyễn Văn Linh được thực tế đấu tranh cách mạng tôi luyện, hình thành nên bản lĩnh và phẩm chất của một người Cộng sản chân chính. Đồng chí Nguyễn Văn Linh từng hai lần bị thực dân Pháp bắt giam, đày ra Côn Đảo với mức án cao nhất là chung thân. Trải qua nhiều cương vị, đồng chí luôn là một người cộng sản kiên định, giữ vững nguyên tắc nhưng cũng luôn xuất phát từ thực tế để tổ chức, chỉ đạo công tác cách mạng.

Cuối những năm 1980 đầu 1990, hệ thống các nước XHCN trên thế giới lâm vào thoái trào. Ở trong nước, tình hình kinh tế xã hội khủng hoảng sâu sắc, một bộ phận cán bộ, đảng viên tỏ ra dao động. Trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã thể hiện một bản lĩnh và lập trường kiên định, cùng tập thể Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương vững tay chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua thác ghềnh.

Đại tướng Nguyễn Quyết, nguyên Phó Chủ tịch nước kể lại một kỉ niệm minh chứng điều này: Tôi được Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh mời đến giao nhiệm vụ làm Trưởng đoàn dự cuộc họp Bí thư Trung ương Đảng các nước xã hội chủ nghĩa ở La Habana (Cuba) năm 1989. Vì thời gian quá gấp, không kịp chuẩn bị gì, tôi rất băn khoăn; đồng chí Nguyễn Văn Linh nói: "Đồng chí đã nắm vững đường lối, nghị quyết của Đảng rồi, đồng chí cứ đi dự"...

Vào hội nghị, trên cơ sở làm rõ sáu nguyên tắc cơ bản để chỉ đạo công cuộc đổi mới của Đảng ta, chúng tôi đã nêu bật hai vấn đề: giữ vững chuyên chính vô sản và rèn luyện đảng viên, nhất là đảng viên cấp chiến lược. Sau hội nghị, tôi về báo cáo và được đồng chí Nguyễn Văn Linh hoàn toàn nhất trí. Và thực tế, chỉ một, hai năm sau, khi các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô sụp đổ, chúng tôi ngẫm lại những nguyên tắc mà Đảng ta đã nêu trong sự nghiệp đổi mới, trong đó có vấn đề chuyên chính vô sản, vấn đề rèn luyện đảng viên, kể cả đảng viên cấp chiến lược là hoàn toàn đúng.

Nhiều đồng chí lão thành cách mạng kể lại, tại kì họp đầu tiên của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VI, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã phát biểu: "Trình độ của Tổng Bí thư so với nhiều đồng chí trong Bộ Chính trị, trong Ban Chấp hành Trung ương không xa cách bao nhiêu, ly lai như hai sợi tóc. Điều cốt yếu là phải phát huy trí tuệ của tập thể, bổ sung cho nhau mặt mạnh, khắc phục mặt yếu, giữ vững nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách".

Chính nhờ sự khiêm tốn và cầu thị, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã quy tụ và phát huy được trí tuệ những người đồng chí, giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp đổi mới và sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.

Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm, sau Đại hội VI của Đảng được cử làm Đại sứ tại Liên Xô, nhớ lại: Lần nào cũng vậy, trước khi anh gặp lãnh đạo Liên Xô hoặc lãnh đạo Đảng và Nhà nước khác có mặt ở Liên Xô, anh đều thông báo trước với tôi nội dung và yêu cầu tôi góp ý kiến... Tuy khiêm tốn, nhã nhặn trong tiếp xúc nhưng anh rất thẳng thắn, kiên quyết đối với những vấn đề có tính nguyên tắc. Tôi còn nhớ anh có cuộc gặp với Gorbachop không bao lâu sau khi Đại hội Đại biểu nhân dân Liên Xô lần thứ ba quyết định sửa đổi Điều 6 và Điều 7 Hiến pháp Liên Xô, thực chất là gạt bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô, đánh đồng Đảng Cộng sản với các đảng phái khác và các tổ chức quần chúng, xã hội. Anh đã chất vấn Gorbachop tại sao có chuyện đó và thẳng thắn nói: "Với tư cách một người Cộng sản, tôi có thể chân thành nói với đồng chí đây là một sai lầm nghiêm trọng sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường không chỉ đối với Liên Xô". 

Kỷ niệm 95 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (1/7/1915 - 1/7/2010), chúng ta tưởng nhớ nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, người học trò tiêu biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ thực tiễn sinh động của sự nghiệp đổi mới, chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào con đường đi tới dân giàu, nước mạnh của đất nước Việt Nam

Trần Duy Hiển
.
.
.