Kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (1/7/1915 – 1/7/2015):

Người lãnh đạo sống mãi trong lòng nhân dân miền Nam

Thứ Ba, 23/06/2015, 09:45
Ngày 22/6, Hội thảo khoa học “Đồng chí Nguyễn Văn Linh với cách mạng miền Nam, với Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, TP Hồ Chí Minh” nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (1/7/1915 - 1/7/2015) đã diễn ra long trọng tại TP Hồ Chí Minh.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải chủ trì hội thảo. Tham dự hội thảo còn có đồng chí Hà Thị Khiết, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương; đồng chí Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó Chủ tịch nước; đồng chí Đặng Ngọc Tùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; đồng chí Lê Hoàng Quân, ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, đại diện lãnh đạo một số tỉnh, thành phố; đại diện gia đình cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh cùng đông đảo tướng lĩnh, các nhà lão thành cách mạng, nhà nghiên cứu, nhà khoa học.

Hội thảo nhận được gần 120 tham luận của các đại biểu nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các cơ quan Trung ương, TP Hồ Chí Minh và các địa phương; các đồng chí lão thành cách mạng; các nhà khoa học, nghiên cứu; các vị nhân sĩ, trí thức… từng là bạn chiến đấu, làm việc hoặc là học trò dưới sự dìu dắt của đồng chí Nguyễn Văn Linh.

Nội dung các tham luận được chia làm 3 phần gồm: Phần 1 “Đồng chí Nguyễn Văn Linh – Nhà lãnh đạo kiên trung, sáng tạo”; Phần 2 “Đồng chí Nguyễn Văn Linh – Người gắn bó mật thiết với Đảng bộ và nhân dân TP Hồ Chí Minh”; Phần 3 “Đồng chí Nguyễn Văn Linh – Một tấm gương sáng tận trung với nước, tận hiếu với dân”.

Trong đề dẫn hội thảo, đồng chí Lê Thanh Hải, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh khẳng định: “Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Văn Linh gắn liền với lịch sử cách mạng của nhân dân ta, đất nước ta qua cả ba thời kỳ: đấu tranh giành chính quyền, kháng chiến cứu nước và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Giác ngộ cách mạng từ lúc mới 14 tuổi, 10 năm đấu tranh kiên trung trong địa ngục trần gian Côn Đảo, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã biến nhà tù của thực dân, đế quốc xâm lược thành môi trường rèn luyện, thử thách ý chí, lòng dũng cảm của người chiến sĩ cách mạng.

Tiếp theo đó là 30 năm, trải qua hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, kiên cường bám trụ, sát cánh cùng đồng bào, chiến sĩ miền Nam, đồng bào, chiến sĩ Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định; đồng chí luôn được Đảng giao trọng trách, gánh vác nhiều nhiệm vụ nặng nề trong những thời kỳ cam go của cách mạng miền Nam. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng, lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân thực hiện công cuộc đổi mới”.

Đồng chí Nguyễn Văn Linh sinh tại Hưng Yên nhưng gần cả cuộc đời ông sống và chiến đấu ở miền Nam, gắn bó với Đảng bộ và nhân dân Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định, TP Hồ Chí Minh. Trong tham luận của mình, đồng chí Phan Văn Khải, nguyên Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: “Đồng chí Nguyễn Văn Linh là nhà lãnh đạo ưu tú của Đảng ta.

Thuở sinh thời, trong những câu chuyện thân tình với các bạn lão thành gắn bó, đồng chí thường nói Nam Bộ là quê hương thứ hai của mình. Trải qua ba thập niên chống Pháp và chống Mỹ đã từng cùng nhau vào sinh ra tử giữa chiến trường, quân dân Nam Bộ đã xem đồng chí Nguyễn Văn Linh là người con trung dũng của “đất thép thành đồng”.

Các tham luận nêu bật những công lao to lớn, bản lĩnh và trí tuệ của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đối với phong trào cách mạng miền Nam nói riêng và đất nước nói chung. Ở Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh sáng ngời đức tính cao đẹp của người cộng sản. Đó là tinh thần dám nói thẳng, nhìn thẳng vào sự thật, thể hiện rất rõ trong các bài viết “Những việc cần làm ngay” đăng trên Báo Nhân Dân.

Đối với lực lượng CAND, “Những việc cần làm ngay” do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh khởi xướng đã có tác động mạnh mẽ. Trong tham luận, Đại tá, Tiến sĩ Phan Thanh Long, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Công an, Bộ Công an, đánh giá: “Đối với sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự, với tư cách là Bí thư Đảng ủy Quân sự TW và Công an TW, dù bận rất nhiều công việc nhưng đồng chí Nguyễn Văn Linh đặc biệt quan tâm, chỉ đạo đổi mới trong CAND, chấn chỉnh, uốn nắn những việc cần làm ngay trong lực lượng CAND, trước tiên là thái độ ứng xử với dân, quan liêu, cửa quyền với dân ở một số khâu công tác có liên quan hằng ngày với dân.

Sau khi đi công tác khảo sát một số đơn vị Công an cơ sở từ Công an cấp phường trở lên, chuyên mục “Những việc cần làm ngay” trong CAND được khởi xướng, trước hết là tư tưởng tiếp dân... Lực lượng CAND thực hiện “Những việc cần làm ngay” có hiệu quả, góp phần ổn định an ninh, trật tự, đưa sự nghiệp đổi mới tiến lên”. Là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Văn Linh luôn nói đi đôi với làm, đề cao tư tưởng lấy dân làm gốc, tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa nhân dân và Đảng. Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa nhắc lại câu răn dạy của ông: “Đảng với nhân dân phải như vợ với chồng, là tình cảm keo sơn, gắn bó, thủy chung”.

Đó còn là công lao to lớn của ông trong công cuộc đổi mới, đưa đất nước thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội thể hiện qua đổi mới tư duy trong công tác cán bộ, phong trào dân vận, chăm lo giáo dục, phát huy thế hệ trẻ... Khi làm Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, ông luôn tìm tòi, sáng tạo, thay đổi cách làm, cách nghĩ khi cơ chế, chính sách vĩ mô chưa thay đổi kịp. Việc tìm tòi, thử nghiệm mô hình mới tại TP Hồ Chí Minh đạt được thành công, đặc biệt là chính sách kinh tế nhiều thành phần, đã góp phần giúp Ban Chấp hành TW Đảng và Bộ Chính trị quyết định xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, thực hiện công cuộc đổi mới đúng đắn.

“Đồng chí Nguyễn Văn Linh là một nhà lãnh đạo tài năng, một tư duy sáng tạo, một trí tuệ lớn của cách mạng Việt Nam, một cuộc đời trung thực và giản dị, thấm đẫm nghĩa tình đồng bào, đồng chí, là tấm gương sáng của người chiến sĩ cộng sản kiên cường quả cảm, cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng “tận trung với nước, tận hiếu với dân”, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải khẳng định.

Quỳnh Nga
.
.
.