Người bị tạm giữ, tạm giam được nghe đài, đọc báo, nhận quà

Thứ Ba, 02/12/2014, 09:36
Dự án Luật tạm giữ, tạm giam (TGTG) quy định, người bị TGTG được nghe Đài Tiếng nói Việt Nam, đài địa phương, đọc Báo Nhân dân và có chế độ nhận, gửi quà, thăm thân, gặp luật sư. Đồng thời, người bị TGTG cũng phải chấp hành các nội quy, quy chế theo quy định, nếu vi phạm sẽ bị kỷ luật. Những nội dung này cũng được nhiều ý kiến tham luận tại hội thảo do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức ngày 1/12 tại Quảng Ninh.

Cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về quyền con người

TGTG là biện pháp ngăn chặn được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự do cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng đối với người bị bắt quả tang, khẩn cấp, bắt truy nã, người phạm tội tự đầu thú; đối với bị can, bị cáo để cách ly họ ra khỏi đời sống xã hội một thời gian nhất định nhằm ngăn chặn họ tiếp tục phạm tội hoặc để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử và bảo đảm thi hành án. TGTG là các biện pháp ngăn chặn có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền tự do, dân chủ của cá nhân. Việc xây dựng dự luật được khẳng định là cần thiết, đảm bảo tính pháp lý cho việc áp dụng biện pháp ngăn chặn và đúng với quy định tại khoản 2, Điều 20 của Hiến pháp.

Dự luật được Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng như Bộ Quốc phòng, Viện KSND tối cao, TAND tối cao, Bộ Tư pháp… phối hợp soạn thảo.

Đại diện Cục Pháp chế, Bộ Công an cho biết, việc xây dựng dự án luật quán triệt 4 quan điểm chỉ đạo cơ bản, đặc biệt là cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, bảo đảm sự thống nhất với các văn bản pháp luật khác.

Tham luận của Cục Hướng dẫn TGTG, Bộ Công an cho hay, các trại tạm giam hiện được tổ chức theo mô hình thống nhất từ Bộ Công an đến Công an các địa phương. Về nhà tạm giữ được bố trí ở cấp huyện thuộc Đội cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp quản lý. “Các trại tạm giam, nhà tạm giữ được bảo vệ an toàn, các quy định của pháp luật về tạm giữ, tạm giam được thực hiện nghiêm túc, điều kiện giam giữ được cải thiện một bước quan trọng, quyền con người bị TGTG được bảo đảm theo quy định pháp luật” – Đại tá Lê Trọng Dinh, Cục trưởng Cục Hướng dẫn TGTG cho biết. Ông cũng thừa nhận, từ khi tăng thẩm quyền điều tra cho Công an cấp huyện điều tra các vụ án có hình phạt đến 15 năm tù, một số nhà tạm giữ đã quá tải, trong khi một số nơi lại thừa. Nhà tạm giữ với chức năng, nhiệm vụ là một đơn vị trực tiếp quản lý người bị TGTG theo quy định rất chặt chẽ của pháp luật, mang đặc thù riêng, đòi hỏi phải được tổ chức theo mô hình quản lý chặt chẽ và mang tính chiến đấu cao, cần có đội ngũ cán bộ chuyên trách, tuy nhiên việc tổ chức nhà tạm giữ hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu này.

Theo dự luật, hệ thống tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan có thẩm quyền trong TGTG quy định: trong CAND có trại TGTG và trại giam thuộc Bộ Công an; trại tạm giam thuộc Công an tỉnh; nhà tạm giữ thuộc Công an cấp huyện. Trong QĐND có trại tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng, trại tạm giam thuộc Quân khu, Quân đoàn, nhà tạm giữ thuộc cơ quan điều tra hình sự khu vực trong Quân đội và buồng tạm giữ thuộc Đồn Biên phòng.

Các đại biểu thảo luận tại hội thảo. Ảnh: Đ.T.

Ăn thêm không quá 2 lần so định lượng

Dự luật này quy định các quyền cơ bản của người bị TGTG. Tại Điều 40 của dự luật xác định, người bị TGTG được bảo đảm tiêu chuẩn định lượng về gạo, rau, thịt, cá, đường, muối, nước mắm, bột ngọt, chất đốt. Ngày lễ, tết, người bị TGTG được ăn thêm nhưng mức ăn không quá 5 lần theo tiêu chuẩn ăn ngày thường. Luật cho phép thủ trưởng cơ sở TGTG có thể quyết định hoán đổi định lượng ăn cho phù hợp với thực tế để bảo đảm cho họ ăn hết tiêu chuẩn. Ngoài tiêu chuẩn nói trên, người bị TGTG được sử dụng quà, tiền của mình để ăn thêm nhưng không quá hai lần định lượng trong một tháng cho mỗi người. Người bị TGTG ở trong buồng giam theo quy định, chỗ nằm tối thiểu của mỗi người là 2 mét vuông. Người bị TGTG được nhận tiền mặt, đồ vật do thân nhân gửi hai lần trong mỗi tháng. Cơ sở TGTG có trách nhiệm tiếp nhận tiền mặt, đồ vật mà thân nhân của người bị TGTG gửi cho họ và bóc, mở kiểm tra theo quy định. Người bị TGTG chỉ được gửi và nhận thư khi được cơ quan đang thụ lý vụ án cho phép, thư phải để mở và qua kiểm tra của thủ trưởng cơ sở TGTG… 

Tán thành những quy định này, Thiếu tướng Nguyễn Cảnh Hiền, Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cũng chia sẻ thêm: chế độ ăn uống, khám, chữa bệnh cho người bị tạm giữ ở các Đồn Biên phòng nhiều khi anh em phải trích kinh phí của đơn vị để đảm bảo mà chưa thể quyết toán được. Trong khi đó, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cũng như ở cơ quan Công an vừa làm công tác điều tra, vừa trinh sát, canh giữ đối tượng vi phạm nhưng không được hưởng phụ cấp thực hiện nhiệm vụ.

Chế độ thăm thân, gặp luật sư

Dự luật quy định chế độ thưởng, kỷ luật đối với người bị TGTG, trong đó nếu họ chấp hành tốt nội quy cơ sở TGTG thì có thể được xét thưởng tăng gấp đôi số lần gặp gỡ thân nhân và tăng gấp đôi số lần được gửi và nhận thư, quà. Ngược lại, nếu người bị tạm giữ vi phạm nội quy, quy chế thì tùy tính chất, mức độ mà có thể bị phạt. Dự luật cũng quy định chế độ thăm gặp của người bị TGTG. Họ có thể được gặp thân nhân, luật sư hoặc người bào chữa khác và do cơ quan đang thụ lý vụ án quyết định, trường hợp cần thiết thì cơ quan đang thụ lý vụ án cử cán bộ cùng tham gia cuộc gặp.

Thủ trưởng cơ sở TGTG quyết định thời gian gặp nhưng không quá hai giờ mỗi lần gặp, không quá một lần gặp trong một ngày. Trung bình 20 người bị TGTG được cấp một số Báo Nhân dân hoặc báo địa phương, được nghe Đài Tiếng nói Việt Nam, đài phát thanh địa phương. Người nước ngoài bị TGTG được nhận sách, báo tiếng nước người đó mang quốc tịch khi được cơ quan thụ lý vụ án cho phép.

Đối với những người bị TGTG nếu xác định là đồng tính, có hành vi đồng tính thì tách những đối tượng này để TGTG ở những buồng khác nhau. Người bị TGTG thuộc các trường hợp sau thì bố trí TGTG riêng: nữ giới; người chưa thành niên; người nước ngoài; người có bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm; người thực hiện hành vi phạm tội có tính chất côn đồ, hung hãn, tái phạm nguy hiểm…

Hội thảo nghe các tham luận đại diện Cục TGTG (Bộ Công an), Bộ đội Biên phòng, Vụ Kiểm sát TGTG thuộc Viện KSND tối cao, đại diện khoa luật Học viện Cảnh sát, khoa luật Đại học quốc gia, Học viện Tư pháp…

Luật sư, người bào chữa được làm việc theo quy trình

“Việc tổ chức cho người bị TGTG nhận quà thăm nuôi, gặp thân nhân đều được giải quyết theo quy định. Quá trình gặp thân nhân và nhận quà đều được kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Các trại tạm giam, nhà tạm giữ đều thông báo công khai thời gian và các quy định về thăm nuôi, nhận quà, tạo điều kiện thuận lợi cho thân nhân người bị TGTG và phạm nhân được gửi quà và đồ dùng sinh hoạt theo quy định. Các trại tạm giam mở căng tin bán hàng và niêm yết công khai giá bán, phục vụ cho việc quản lý tiền lưu ký, góp phần ngăn chặn hiệu quả việc thông cung và đưa vật cấm vào buồng giam.

Công tác tổ chức cho người bị TGTG được gặp luật sư, người bào chữa hoặc tiếp xúc với lãnh sự trong quá trình giam giữ được các trại tạm giam, nhà tạm giữ thực hiện theo quy định, đồng thời phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra tổ chức quản lý và giám sát chặt chẽ, ngăn chặn kịp thời các vi phạm trong quá trình tiếp xúc, thăm gặp, tạo thuận lợi cho luật sư, người bào chữa làm việc theo đúng quy định”.

(Trung tướng Nguyễn Hoàng Hà, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục VIII, Bộ Công an). 

Các quyền và lợi ích hợp pháp được tôn trọng, bảo đảm

Thông qua công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật tại nhà TGTG cho thấy, trình tự, thủ tục, chế độ quản lý giam, giữ cũng như việc thực hiện các chế độ đối với người bị TGTG cơ bản thực hiện theo quy định. Các quyền và lợi ích của người bị TGTG không bị pháp luật tước bỏ đều được tôn trọng và cơ bản thực hiện theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, cũng đã phát hiện một số vi phạm về thủ tục giam giữ, thực hiện chế độ…

(Ông Vũ Huy Thuận, Vụ trưởng Vụ kiểm sát TGTG và thi hành án hình sự, Viện KSND tối cao). 
Đăng Minh
.
.
.