Ngoại giao là mũi chủ công để đối phó với 'thù trong' lẫn 'giặc ngoài'

Thứ Năm, 27/08/2015, 14:52
Đó là lời phát biểu của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong buổi lễ kỷ niệm 70 ngày thành lập ngành Ngoại giao và đón nhận Huân chương Sao vàng diễn ra sáng 27/8 tại Hà Nội.

Tham dự buổi lễ kỷ niệm còn có nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; nguyên Chủ tịch nước: Lê Đức Anh, Trần Đức Lương; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phùng Quang Thanh; Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Trần Đại Quang; Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị; Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao Trương Hoà Bình; Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Trần Quốc Vượng; Bộ trưởng-Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên…

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại lễ kỷ niệm.

Về đại biểu Bộ Ngoại giao có Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, nữ Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam; các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao: Nguyễn Mạnh Cầm, Phạm Gia Khiêm; nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan; nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên và các cán bộ lão thành; các vị lãnh đạo của Bộ Ngoại giao.

Cũng trong buổi lễ, ngành Ngoại giao đã được đón nhận Huân chương Sao vàng.

Theo Chủ tịch nước, 70 năm xây dựng và phát triển đất nước cũng là 70 năm ngoại giao Việt Nam đồng hành cùng dân tộc, cùng với các mặt trận quốc phòng – an ninh, kinh tế, văn hóa – xã hội phục vụ đắc lực cho các sứ mệnh cách mạng cao cả. Ngay từ buổi đầu dựng nước đầy khó khăn, ngoại giao đã là mũi chủ công để đối phó với “thù trong” lẫn “giặc ngoài”, là vũ khí quan trọng nhằm củng cố, kéo dài thời gian hòa bình quý giá để xây dựng lực lượng, tích lũy thế và lực, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ nền độc lập mới giành được và chuẩn bị cho cuộc đấu tranh lâu dài vì độc lập và tự do của dân tộc.

Tới dự buổi lễ có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận tổ quốc Việt Nam.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh, công cuộc đổi mới toàn diện đã và đang tạo ra những tiền đề, cơ sở quan trọng để chúng ta tiếp tục nâng cao sức mạnh tổng hợp và vị thế của đất nước, tạo cơ hội để chúng ta phát triển nhanh hơn. Mặt khác, những khó khăn và yếu kém nội tại cùng những thách thức đặt ra trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ trên Biển Đông, bảo vệ Đảng và chế độ Xã hội chủ nghĩa cũng ngày càng gay gắt, đe dọa đến sự ổn định và phát triển của đất nước.

Vì thế, để nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại thời gian tới, ngành ngoại giao cần tiếp tục thực hiện tốt một số việc.

Thứ nhất là trên cơ sở kiên định lợi ích quốc gia dân tộc là tối thượng, thấm nhuần và quán triệt sâu sắc đường lối chính sách của Đảng, vận dụng linh hoạt tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh; ngoại giao cần không ngừng sáng tạo và đổi mới tư duy mạnh mẽ, nhạy bén hơn nữa để bắt kịp với các diễn biến của thời cuộc.

Hai là, trong bối cảnh thế giới đang có nhiều biến chuyển sâu sắc, nhanh chóng và hết sức phức tạp, ngoại giao cần phải tiếp tục tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo tình hình nhạy bén, chủ động, kịp thời hơn nữa để có chiến lược và chính sách sát thực tế, hiệu quả, linh hoạt, đảm bảo được lợi ích dân tộc, tranh thủ tối đa các cơ hội, hóa giải hiệu quả các nguy cơ, góp phần tạo được thế và lực tốt nhất cho đất nước.

Ba là, để thực hiện tốt nhiệm vụ của công tác đối ngoại trong giai đoạn mới, ngành ngoại giao cần dành ưu tiên cao cho việc xây dựng lực lượng và bồi đắp nhân tố con người.

Toàn ngành ngoại giao và bản thân mỗi đồng chí cán bộ ngoại giao cần ý thức sâu sắc điều này để không ngừng phấn đấu nâng cao trình độ mọi mặt, cả “đức” lẫn “tài”, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng với sự tin yêu của nhân dân và đất nước.

Huyền Chi
.
.
.