Nghiêm cấm việc lập, hoạt động hội gây phương hại an ninh, cộng đồng

Thứ Sáu, 25/09/2015, 03:27
Dự thảo Luật về hội được trình UBTV Quốc hội sáng 24/9 sau quá trình chuẩn bị khá dài. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho biết, quyền lập hội là một trong các quyền cơ bản của công dân đã được Hiến pháp ghi nhận.

Nhà nước đã tạo điều kiện cho hội hoạt động, phát triển và ban hành cơ chế, chính sách phù hợp đối với các hội thực hiện nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao. Để thể chế hoá Hiến pháp năm 2013, Luật về hội được xây dựng nhằm bảo đảm thực hiện quyền lập hội của công dân, phát huy vai trò của hội và tăng cường hiệu lực quản lý của Nhà nước đối với hội là cần thiết.

Thẩm tra dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, những nội dung quy định trong luật phải bảo đảm cho công dân thực hiện quyền lập hội của mình, phát huy tính tự nguyện, tự quản, tự chịu trách nhiệm của các hội, nhất là tự chủ về tài chính, hạn chế tối đa sự bao cấp, trông chờ vào sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, tránh xu hướng “hành chính hóa” tổ chức và hoạt động của hội, đồng thời bảo đảm sự quản lý của Nhà nước. Mặt khác việc lập, hoạt động hội phải đảm bảo theo khuôn khổ pháp luật. 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền đề nghị ban soạn thảo cần cân đối các nội dung trong dự luật này và những vấn đề quy định trong điều lệ hội. Ví dụ quy định về pháp nhân thì liên quan đến Bộ luật Dân sự và điều lệ hội chứ không phải luật này. Về vấn đề tài chính của các hội, ông không đồng tình cách đặt vấn đề là hội nào đã được cấp kinh phí hoạt động thì vẫn cứ cấp, các hội sau thì sẽ xem xét.

Theo ông, hiện nay một số hội có đặc thù nhưng phải có tiêu chí, không để tình trạng xin lập hội hè rồi xin cho kinh phí, ai mạnh thì xin được nhiều tiền để hoạt động, ai kém thì đóng cửa hội. “Lộ trình “lấy thu bù chi” của các hội trong 20-30 năm nay đã thực hiện được đâu, để minh bạch về tài chính thì phải có các tiêu chí rõ ràng” - ông Nguyễn Đình Quyền đề nghị.

N.T.
.
.
.