Cuộc thi kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh khu vực 5:

Nghĩ về Bác để lòng trong sáng hơn

Chủ Nhật, 12/10/2008, 22:50
Họ trở về từ khắp năm châu. Họ làm những công việc không giống nhau. Họ cũng không cùng tuổi tác. Chỉ có tấm lòng với Bác Hồ thì giống nhau. Gần 30 thí sinh với ba mươi câu chuyện kể về Người. Đó là những kỷ niệm, những mẩu chuyện được đọc, được ghi lại trong hành trình thiên di khắp bốn biển. Nhưng hơn hết, những người ở xa nước, mới thấm thía thật nhiều những lời dạy của Bác.

Và họ, trong những tao đoạn khó khăn nhất của cuộc sống, trong những giờ phút sinh tử của cuộc đời, những lời dạy, những câu chuyện về cuộc đời của Bác lại vang lên, như một niềm hy vọng không bao giờ dịu tắt…

Từ thành phố Berlin, lâu lắm rồi anh Đặng Thế Sáng mới được trở về Hà Nội và vào Lăng viếng Bác. Thành phố ngày anh đi và ngày anh trở lại đã khác nhau rất nhiều. Ngày anh đi, cả đất nước vẫn còn đang vất vả, vội vàng sống để kịp vượt qua những khó khăn của cuộc sống. Khi ấy, anh đã tìm đường đi hợp tác lao động, để hy vọng sẽ giúp được gia đình mình đỡ nghèo khó hơn, có tiền nuôi hai em học cao hơn. Anh nghỉ học từ sớm, để nuôi các em ăn học. Và khi đi hợp tác lao động, anh đã phải tự vận động, bắt đầu mày mò học nghề, học chữ, học làm người.

Một cách rất thành thật, Đặng Thế Sáng nói rằng, trong hành trang mang theo qua nước bạn, anh chỉ có rất ít sách, trong đó có những câu chuyện kể về cuộc đời hoạt động của Bác Hồ. Và cuốn sách ấy đã chỉ đường cho anh rất nhiều trong những đêm thành phố gần như đóng băng mà anh luôn cảm thấy bụng sôi lên vì đói. Trong thành phố đầy tuyết và một công nhân lao động xa nhà, cuộc sống đã được thu vào điều kiện tối thiểu. Nhưng mỗi khi gần như gục ngã, anh lại nhớ tới những câu chuyện Bác chống lại giá lạnh mùa đông của châu Âu, và lại thấy lòng mình cứng cỏi hơn.

Rồi Đông Âu sụp đổ, nước Đức gặp vô vàn khó khăn và Đặng Thế Sáng đã phải tìm mọi vận hội cho mình, mong thoát khỏi cảnh đói cơm ăn, không nhà ở. Và cuộc sống đã không phụ lòng anh. Đặng Thế Sáng giờ đã có một cơ ngơi đàng hoàng, cuộc sống bình an nơi xứ người. Anh có niềm đam mê lớn là nhiếp ảnh và thơ ca. Anh đang làm chủ tịch CLB những người yêu thích nhiếp ảnh và thơ TP Berlin.

Nhiều năm làm công tác Đoàn, từng là điển hình thanh niên tiên tiến và được TW Đoàn tặng bằng khen, Bộ Ngoại giao tặng bằng khen, giờ Đặng Thế Sáng là một trong những hạt nhân tích cực trong việc kết nối cộng đồng những người con Việt xa xứ ở Đức. Anh nói, tôi không học được ở Bác những điều cao lớn, nhưng tôi hiểu Bác muốn mỗi chúng ta tự ý thức về mình, để mỗi việc chúng ta làm, đều không vô nghĩa.

Ban Tổ chức trao bằng khen cho các thí sinh.

Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam tại Ba Lan Nguyễn Thị Ngọc Thạch lại mang đến cuộc thi những trải nghiệm thực sự của một kiều bào khi được về thăm nơi ở và làm việc của Bác Hồ. Hai vợ chồng chị gắn bó với cộng đồng người Việt tại Ba Lan hơn 10 năm nay. Chị là người sáng lập Hội Phụ nữ Việt Nam tại Ba Lan và đây là địa chỉ tin cậy của sự đoàn kết, tâm giao, ấm tình cộng đồng cho 20 ngàn người Việt tại Ba Lan.

Nguyễn Thị Ngọc Thạch, trước cuộc thi này, đã từng về nước nhiều lần. Có lần chị được về dự Đại hội Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Lần ấy chị được đến thăm nơi ở và làm việc của Bác. Nghe cô hướng dẫn viên kể chuyện những ngày tháng cuối cùng của Bác trong những căn phòng giản dị đến khó tin, chị đã không kìm được nước mắt.

Cô hướng dẫn viên ưu tiên người con xa xứ nặng lòng với đất mẹ, với lãnh tụ, cho chị vào thăm căn phòng riêng nơi Bác nằm lúc cuối đời. Khi ấy, chị giật mình nhận ra, dường như tất cả chúng ta đều nói về sự giản dị của Người. Nhưng không ai có thể hình dung hết được sự giản dị nó lại đơn sơ đến nhói lòng như vậy. Nó là sự tùng tiệm. Và trong sự tùng tiệm ấy là sự hy sinh âm thầm của một người Cha già dành cho cả dân tộc này. Chị, khi ấy, đã thốt lên: "Bác ơi, Bác đã sống đơn sơ đến thế này sao?"…

Kể đến đây, chị lặng đi, cả hội trường lặng đi. Chị khóc. Nguyễn Thị Ngọc Thạch nói, chính từ cuộc sống của Người, chị chợt nhận ra rằng, chị đã có cuộc sống tốt đẹp nhiều, no ấm nhiều. Và chị muốn noi gương Người, sống giản dị để giúp sức cùng cộng đồng xây dựng một cộng đồng Việt tại xứ tuyết bền vững và đoàn kết.--PageBreak--

Sinh ra và lớn lên tại nước bạn Lào, thí sinh Minh Châu (Phạm Văn Tuân) đang là cán bộ Hội người Việt của Thủ đô Vientian, lần này cũng về dự thi bằng câu chuyện cảm động "Quả táo của Bác Hồ". Câu chuyện ông kể không chỉ là chuyện quả táo, mà là chuyện về lòng yêu thương thiếu nhi của Bác Hồ. Và qua đó cũng là tấm lòng kính trọng của thiếu nhi đối với Bác. Ông Minh Châu năm nay vừa tròn 60 tuổi, nhưng dáng người khỏe mạnh, giọng nói ấm và vang.

Ông nói có được sức khỏe ấy, bởi dù sinh trên nước bạn, nhưng thời thơ ấu ông đã được học tập tại Việt Nam và được rèn luyện tại Cung thể thao thiếu nhi 10-10 quận Ba Đình. Cũng vì lẽ đó, ông đã có nhiều lần vinh dự được nhìn thấy và gặp Bác.

Hai lần ấn tượng nhất khi anh gặp Bác là những lần tiếp và tiễn các vị khách quốc tế. Lần thứ nhất là lần tiếp vua Lào, anh thấy Bác nói chuyện với khách rất nhiều nhưng dường như không cần phiên dịch. Và ở tuổi ấy, anh không hình dung được Bác đã học tiếng Lào từ khi nào.

Cho đến lần thứ hai, khi Bác tiếp anh hùng, nhà du hành vũ trụ Liên Xô Giéc - man Ti tốp, anh thêm một lần giật mình, Bác đã nói chuyện với nhà du hành thoải mái bằng tiếng Nga. Trong buổi giao lưu với nhân dân, Bác còn dạy Giéc - man Ti tốp những câu nói tiếng Việt đơn giản. Khi anh cất lên những câu nói ấy, cả ngàn người đã vỗ tay vang dội.

Ông Minh Châu nói, kể từ đó, ông ham muốn được biết nhiều ngoại ngữ, để phục vụ công việc nhưng cũng đồng thời để hiểu thêm những nền văn hóa mới. Ông đã học được cả tiếng Lào, tiếng Thái, tiếng phổ thông Trung Quốc. Nhưng học nhiều thứ tiếng, ông chợt nhận ra rằng, học để hiểu, để nói tiếng Việt chuẩn xác là điều không đơn giản. Ông đã dạy các con, các cháu mình học tiếng Việt để nói tiếng Việt chuẩn mực.

Giờ đây, tại Thủ đô Vientian, Trường phổ thông Nguyễn Du được Nhà nước ta đầu tư lên tới 500.000 USD là ngôi trường khang trang bậc nhất để các em nhỏ người Việt được học tiếng Việt. Ông học tiếng nước ngoài để giao thương, nhưng đồng thời cũng để giúp các em nhỏ hiểu tiếng Việt một cách chính xác hơn khi sống ở xứ người.

Cô bé Đường Thanh Hương Giang năm nay mới bước vào lớp 11 trường phổ thông chuyên toán và vi tính tại một thành phố ở Slovakia. Nhìn Hương Giang mặc bộ áo dài màu hồng, trông em vẫn hồn nhiên như bất cứ bạn trẻ nào của Hà Nội, tươi mới và đầy sức sống. Hương Giang nói chưa thực sự thạo tiếng Việt. Nhưng câu chuyện em kể lại mang đến một dư vị xúc động khác. "Bác Hồ thăm trại trẻ mồ côi Kim Đồng" là một trong những câu chuyện được rất nhiều thí sinh chọn để dự thi.

Hương Giang không giỏi "diễn", em kể mộc mạc. Nhưng để kể được câu chuyện ấy, em phải tìm hiểu, tự hình dung ra khung cảnh ấy, hình dung cả những năm tháng ấy mọi người ở quê hương đã khó khăn như thế nào, đã sống vất vả ra sao, sống vất vả cả về vật chất lẫn tinh thần. Sự xuất hiện của Đường Thanh Hương Giang tại cuộc thi như một minh chứng, sự bất tử của Bác Hồ không có biên giới và không có thời gian. Và đã có một thế hệ người Việt, không sinh ra tại Việt Nam, không có mối quan hệ công việc tại Việt Nam, nhưng vẫn nặng tình, vẫn thể hiện những phẩm chất ưu tú của người Việt.

Bà Hoàng Lan, người rời Việt Nam từ những năm 60 của thế kỷ trước, theo học hát opera tại trường nhạc của Pháp, nhưng đến cuối đời vẫn chỉ đặc biệt yêu thích cải lương và dân ca Nam Bộ. Bà đã kể lại chuyện trước lúc Bác đi xa. Câu chuyện của bà được kể cùng những lời hát. Và sự xúc động được truyền đến khán giả bằng những cảm nhận thành thật trong tâm hồn người nghệ sỹ này.

Bà nói, ở Pháp bà luôn mong những ngày lễ như sinh nhật Bác, Quốc khánh 2-9, để được hát những bài ca cách mạng và những lời ca về Bác. Đó là những niềm vui có thật trong cuộc sống của bà. Bà không có nhu cầu diễn kịch và tham gia cuộc thi này như một niềm vui lớn, được về Hà Nội và được thăm Bác Hồ. Bà nói, chỉ trong 5 ngày mà bà được vào Lăng gặp Bác tới hai lần. "Nếu tôi về kể, chắc ông xã tôi cũng xuýt xoa vì tiếc nuối mà thôi" - bà nói.

Bà đã được đi thăm hang Pắc Bó, thăm lán Nà Lừa, khu ATK và thăm khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại hang Pắc Bó, bà nhìn thấy một cây ổi. Và người hướng dẫn viên nói, đó là cây ổi mà khi xưa vì không có trà, Bác đã hái lá để nấu nước uống thay trà. Bà cảm thấy trào lên một nỗi xúc động khó tả. Bà xa nước từ khi còn quá nhỏ, những ám ảnh cá nhân về đất nước còn bập bùng nhiều năm sau đó bởi bom đạn và sự chia cắt. Phải về sau này, khi học tập, khi sinh hoạt trong hội đoàn, đọc và hiểu thêm câu chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh, bà mới càng thấm thía hơn những bài học được chắt ra từ cuộc đời nhiều gian khó và hy sinh trọn vẹn của Người…

Thi kể chuyện về đạo đức Hồ Chí Minh, nhưng hầu như gần 30 thí sinh đã không dừng lại ở những câu chuyện kể. Những bài học, những câu chuyện về Bác Hồ được kể bằng những trải nghiệm, những cảm nhận, những tình cảm thiêng liêng. Có thể đây đó là sự vụng về, có thể là thiếu vắng sự lôi cuốn theo cách truyền thống, nhưng nó lại mang đến vẻ đẹp tinh sơ của sự chân thành. Đó là điều lớn lao nhất mà kiều bào khắp nơi trên thế giới đã mang về với cuộc thi này. Nó đủ để nhận ra và tin tưởng một điều, người Việt trên toàn thế giới vẫn luôn hướng về Tổ quốc, vẫn luôn nghĩ về Chủ tịch Hồ Chí Minh như một sự hiện diện thường nhật. Như thể, đó là một con đường ngắn nhất, để tâm hồn họ trong sáng hơn…

Thiên Ý
.
.
.