Ngân hàng Chính sách xã hội đón nhận danh hiệu “Anh hùng Lao động” thời kỳ đổi mới

Thứ Ba, 22/12/2020, 15:55
Trong không khí toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang ra sức thi đua, lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ngày 21/12, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tổ chức Hội nghị tổng kết Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2011 - 2020 và đón nhận danh hiệu “Anh hùng lao động” thời kỳ đổi mới. 

Đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh - Ủy viên BCH TW Đảng, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Phó Chủ tịch thứ Nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng TW tới dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Vũ Đức Đam - Uỷ viên BCH TW Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ gửi lẵng hoa chức mừng.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đính huy hiệu “Anh hùng lao động” thời kỳ đổi mới lên lá cờ truyền thống của NHCSXH

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thống đốc NHNN kiêm Chủ tịch HĐQT NHCSXH Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, sau 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2011 - 2020, được sự lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, các Bộ, Ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương, NHCSXH là tổ chức được giao nhiệm vụ thực thi tín dụng chính sách xã hội đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội tập trung các nguồn lực, đẩy mạnh thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Tín dụng chính sách xã hội đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác đã thực sự đi vào cuộc sống, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Từ những kết quả đạt được, có thể khẳng định tín dụng chính sách xã hội đã đạt hiệu quả tích cực, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trong phạm vi cả nước. 

Thống đốc NHNN kiêm Chủ tịch HĐQT NHCSXH Nguyễn Thị Hồng phát biểu khai mạc Hội nghị

Hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội đã khẳng định phương thức quản lý và mô hình tổ chức quản trị, điều hành, tác nghiệp của NHCSXH là hoàn toàn phù hợp với điều kiện thực tiễn của nước ta; đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của cả xã hội tham gia vào công cuộc giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội.

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2011 - 2020 cho biết: NHCSXH đã tập trung huy động được các nguồn lực tài chính đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Giai đoạn 2011 - 2020, tốc độ tăng trưởng tổng nguồn vốn hoạt động tín dụng chính sách đạt bình quân 10%/năm. 

Quy mô tổng nguồn vốn hoạt động tín dụng chính sách tăng gấp 2,6 lần, từ 90.400 tỷ đồng năm 2010 lên 235.661 tỷ đồng ước đến thời điểm 31/12/2020. Dư nợ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt mục tiêu Chiến lược phát triển, nguồn vốn tín dụng chính sách tập trung ưu tiên cho vay các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới. Giai đoạn 2011 - 2020, tốc độ tăng trưởng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt bình quân khoảng 10%/năm. 

Quy mô tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tăng gấp 2,5 lần, từ 89.462 tỷ đồng năm 2010 lên 226.264 tỷ đồng ước đến thời điểm 31/12/2020, với gần 6,5 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ, trong đó đối với dư nợ cho vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt 56.344 tỷ đồng (chiếm 25%/tổng dư nợ), tín dụng chính sách đã đến 100% các xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Chất lượng tín dụng chính sách không ngừng được nâng cao, tỷ lệ nợ quá hạn của toàn hệ thống luôn thấp hơn nhiều so với mục tiêu của Chiến lược phát triển, đến hết năm 2020, nợ quá hạn và nợ khoanh chiếm khoảng dưới 1%/tổng dư nợ.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao Cờ “Anh hùng lao động” thời kỳ đổi mới cho NHCSXH

Trong 10 năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách tiếp tục được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước, đã có trên 21,5 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, với doanh số cho vay các chương trình tín dụng chính sách đạt 504.565 tỷ đồng. 

Nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội, góp phần giúp gần 3,7 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho hơn 2 triệu lao động từ Quỹ Quốc gia về việc làm; giúp 1,5 triệu HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng gần 11,6 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn; xây dựng gần 43,5 nghìn căn nhà tránh bão, vượt lũ cho hộ gia đình vùng miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long, gần 327 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách, gần 13 nghìn căn nhà ở xã hội; giúp hơn 43 nghìn lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi lao động có thời hạn ở nước ngoài...

Bày tỏ ấn tượng trước những thành tựu NHCSXH đã đạt được, đặc biệt trong những năm gần đây với việc đang vay gần 6,5 triệu hộ gia đình với dư nợ hơn 10 tỷ Đô la Mỹ thông qua mạng lưới toàn quốc bao gồm 63 chi nhánh tỉnh, 625 Phòng giao dịch huyện, 10.426 điểm giao dịch ở cấp xã và gần 173.000 Tổ tiết kiệm và vay vốn, ông Ketut Kusuma - Điều phối viên quốc gia về lĩnh vực tài chính của Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam chia sẻ: Thông qua mạng lưới này, NHCSXH đã tiếp cận khoảng 92% tổng số hộ vay tiềm năng và chiếm tới 87% giá trị tổng các khoản vay trong thị trường tài chính.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh, sau gần 35 năm đổi mới, nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, vị thế và uy tín trên trường quốc tế được nâng cao. Tuy nhiên, quá trình đô thị hoá tiếp tục diễn ra nhanh, tạo sức ép lớn về nhu cầu phát triển hạ tầng và xử lý ô nhiễm môi trường; chênh lệch giàu - nghèo và trình độ phát triển giữa một số vùng, miền, địa phương có xu hướng giãn rộng. 

Vì vậy, tín dụng chính sách xã hội do NHCSXH thực hiện cần tiếp tục phát huy được hiệu lực, hiệu quả của mô hình tổ chức và phương thức quản lý, tiếp tục bố trí, tăng cường nguồn lực để đáp ứng vốn cho thực hiện các chương trình tín dụng chính sách theo các nội dung của thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nâng cao năng lực hoạt động của NHCSXH để phát triển theo hướng tự chủ, ổn định, bền vững, đủ năng lực để thực hiện tốt tín dụng chính sách xã hội của Nhà nước cho các đối tượng chính sách xã hội theo quy định.

PV
.
.
.