Nên giữ mô hình quản lý trại tạm giam, nhà tạm giữ như hiện nay

Thứ Sáu, 19/06/2015, 19:26
Thể hiện sự đồng tình cao với việc ban hành Luật Tạm giam, tạm giữ, trong phiên thảo luận chiều 19/6, các đại biểu cũng đánh giá rất cao việc chuẩn bị của cơ quan soạn thảo, đưa ra được nhiều quy định mới tiến bộ, chặt chẽ, thể chế hoá được quy định mới của Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân.

Đại biểu Lưu Thị Huyền (Ninh Bình) cho rằng đây là một dự án luật quan trọng, liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền cơ bản của công dân... nên phải quy định sao vừa phải bảo đảm quyền con người, vừa phải bảo đảm tính khả thi trong thực tế, phục vụ công tác đấu tranh phòng chống tội phạm.

Đại biểu Lê Đông Phong (TP Hồ Chí Minh) biểu thị sự đồng tình cao, cho rằng dự thảo đã thể hiện bước tiến quan trọng trong đảm bảo quyền nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam. Về quyền và nghĩa vụ của người bị tam giữ, tạm giam, đại biểu Lê Đông Phong cho rằng tạm giữ, tạm giam là 2 biện pháp ngăn chặn, và người bị tạm giữ, tạm giam phải chịu sự quản lý, cách ly theo quy định của luật.

Theo đó, đương nhiên họ bị hạn chế 1 số quyền công dân. Việc hạn chế quyền này cũng đã được một số luật khác quy định, như Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, những người này cũng không có quyền bầu cử. Tuy nhiên, ngoài những quyền bị hạn chế như việc đi lại, giao dịch, tiếp xúc, tuyên truyên tín ngưỡng, tôn giáo, họ vẫn được hưởng những quyền khác theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Dự thảo đã có quy định rất đầy đủ.

Về hệ thống tổ chức cơ quan quản lý nhà tạm giữ, trại tạm giam, đại biểu Lê Đông Phong cho rằng hiện nay trong thực tế, Bộ Công an đã có hệ thống tổ chức quản lý từ cơ quan bộ đến các địa phương. Ở cơ quan bộ, hệ thống này do Tổng cục Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp quản lý. Ở Công an cấp tỉnh, trại tạm giam là một đơn vị độc lập, không có mối liên hệ bên trong với cơ quan điều tra.

Ở câp tỉnh có Phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp quản lý việc này, do một Phó Giám đốc Công an tỉnh quản lý, cấp huyện cũng có đội thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp. Như vậy, hệ thống quản lý trại tạm giam, nhà tạm giữ tách riêng với Cơ quan điều tra đã được thực hiện từ lâu.

Về việc quản lý thị bị can thi hành án tử hình, đại biểu Phạm Xuân Thường cho rằng Quốc hội nên nghiên cứu tạo điều kiện cho Bộ Công an, bởi dồn tất cả bị can thi hành án tử hình vào một trại có rủi ro rất lớn và rất tốn kém.

“Chúng tôi đi giám sát ở Sơn La thấy rằng việc đưa người thi hành án tử hình từ Lào Cai sang Sơn La thi hành án hết từ 200 đến 300 triệu đồng. Đưa từ Thái Bình vào Nghệ An cũng tốn tương tự mà không an toàn. Quan điểm của tôi là giữ như hiện nay, giữ phạm nhân thi hành án tử hình ở trại tạm giam Công an cấp tỉnh”.

Vũ Hân - Quỳnh Vinh
.
.
.