Năm 1938, Việt Nam đã tính đến khả năng khởi kiện trước tòa La Haye để bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa

Thứ Năm, 26/06/2014, 09:32
Cùng cả nước hướng về biển đảo, buổi tọa đàm "Văn nghệ sĩ và trí thức Thủ đô với chủ quyền biển đảo" do Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội tổ chức đã diễn ra vào ngày 25/6, nhằm thể hiện sự phản đối mạnh mẽ việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Những chứng cứ lịch sử trong các tác phẩm VHNT, báo chí của nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước đã thêm một lần được đưa ra, để minh chứng rằng, gần một thế kỷ trước, các bậc tiền nhân đã có quan điểm đúng đắn khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa - Trường Sa.

Tham luận “Hoàng Sa, Trường Sa - chủ quyền Việt Nam qua tư liệu báo chí và việc tính chuyện khởi kiện trước tòa quốc tế La Haye từ năm 1938” của PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn (Viện Văn học) đã thu hút sự quan tâm của mọi người, bởi những tư liệu văn học được điều tra, sưu tập, hệ thống khoa học. Chưa kể các nguồn tài liệu cổ, thư tịch Hán Nôm, chỉ tính riêng trên báo quốc ngữ đầu thế kỷ XX cũng thấy rõ nhà nước Việt – Pháp thời bấy giờ đã xác nhận chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam.

PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn dẫn chứng: Trên Tràng An báo xuất bản năm 1938 có cả loạt bài điều tra, khảo cứu, nhấn mạnh chủ quyền của Việt Nam với Hoàng Sa. Tác giả Thúc Dật xác định “Một vấn đề tối quan trọng hiện thời – đảo Hoàng Sa (Archipel des Paracels)”: Chúng tôi quả quyết nói lớn rằng: Nước Nam khai thác đảo Hoàng Sa đã 240 năm nay Trước tòa quốc tế trọng tài La Haye cái thuyết của chúng tôi phải thắng (Tràng An báo, số 338): “Vấn đề chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, chắc còn làm đầu đề tranh luận cho các nhà ngoại giao Pháp - Nhật nhiều nữa; và có lẽ hai nước sẽ đem nó ra giữa tòa án quốc tế La Haye để nhờ những tay pháp luật quốc tế trung lập phán xử”…

Đảo An Bang (quần đảo Trường Sa, Việt Nam). Ảnh: Duy Hiển.

Tác giả Thúc Dật đã hệ thống hóa những “tài liệu chắc chắn về vấn đề chủ quyền quần đảo Hoàng Sa”: 1. Quyển Phủ biên tạp lục của ông Lê Quý Đôn soạn trong năm Lê Cảnh Hưng thứ 37 (1776). Sách này tư rằng: Đảo Hoàng Sa thuộc hải phận xã Yên Vĩnh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. 2. Đại Nam nhất thống chí toàn đồ vẽ một dãy nhiều đảo nhỏ thuộc về phương đông hải phận tỉnh Quảng Nam và các tỉnh đi nam, ghi tên là Hoàng Sa và Vạn Lý Trường Sa. 3. Quyển Cổ Đại Nam nhất thống chí. 4. Quyển Lịch triều loại chí của ông Phan Huy Chú. 5. Quyển Đại Nam nhất thống chí của ông Cao Xuân Dục soạn trong triều vua Duy Tân. 6. Quyển Minh Mạng chính yếu do Quốc sử quán soạn trong năm Thiệu Trị thứ nhất (1840), sách này thuật chuyện tàu Anh Cát Lợi bị đắm ở đảo Hoàng Sa năm 1836”...

Từ các dẫn chứng, Tràng An báo kết luận: “Nước ta hoàn toàn có quyền sở hữu trên vùng đảo Hoàng Sa và Vạn Lý Trường Sa, nay gọi là quần đảo Paracels... Từ đời vua Hiến Minh (1702) đã có đặt đội quân Hoàng Sa trông nom quần đảo, đã có trồng cây, xây miếu lập bia. Dấu vết đồn binh và kinh lý của nước ta đã hiển nhiên. Nếu vấn đề quần đảo Parscels đem ra giữa tòa án quốc tế La Haye phán xử, chẳng những có thể đem sử sách của ta ra mà chứng cớ, lại còn có thể mượn đoạn sử hàng hải của nước Anh trong năm 1836 và sử Tàu về đời Càn Long (1753) để chứng minh.”

Trên Tràng An báo số 340, ký giả Trương Lập Tạo đã in ba kỳ bài báo Một vấn đề quốc tế nghiêm trọng hiện thời: lịch sử cận đại của đảo Paracels nhấn mạnh khả năng cần đưa vấn đề ra trước tòa án quốc tế La Haye, phân tích các sự kiện đối nội, đối ngoại của chính quyền Pháp ở Việt Nam liên quan đến quần đảo Hoàng Sa, rồi khẳng định: “Lịch sử đã chỉ cho ta thấy rằng… quần đảo Tây Sa vốn là của nước Nam”. Tác giả T. A. trong bài “Vì có vấn đề quần đảo Paracels, danh hiệu nước Việt Nam sẽ xuất hiện trên trường quốc tế: Chúng ta nên nhân dịp này mà làm cho quốc gia Việt Nam được thực hiện” (Tràng An báo, số 344) cho rằng, việc ngoại bang tranh chấp quần đảo Hoàng Sa lại là dịp thử thách lòng ái quốc của người dân đất Việt, đồng thời, việc đưa vấn đề này ra trước dư luận quốc tế và tòa án La Haye xét xử thì chắc chắn nước Pháp - Việt thắng…

Các đại biểu dự hội thảo.

Từ năm 1938, Tràng An báo đã cho thấy người Việt Nam và nhà nước Pháp - Việt đã có suy tính đưa vấn đề chủ quyền quần đảo Hoàng Sa ra trước tòa án quốc tế La Haye.

Nhà văn Đỗ Ngọc Yên đưa ra nghiên cứu của nhiều tác giả, trong đó có GS Hoàng Xuân Hãn với khảo cứu “Quần đảo Hoàng Sa”, in trước năm 1975: “Để xác định chủ quyền thì nhất thiết phải có những bằng chứng pháp lý của Nhà nước TW Việt Nam trước đây khẳng định về việc xác lập chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa. Những bằng chứng ấy đã được Quốc Sử quán triều Nguyễn ghi lại trong Đại Nam thực lục tiền biên với việc nhà Nguyễn thiết lập đơn vị hành chính, dựng miếu, lập bia thờ thần biển ở Hoàng Sa…”. Khảo cứu Quần đảo Hoàng Sa chủ yếu dựa trên nguồn tư liệu chính thống qua các tư liệu lịch sử. Các bản đồ, hải đồ, lộ đồ… cũng được GS Hoàng Xuân Hãn nghiên cứu công phu: Các bản đồ trước đời Gia Long khẳng định, bãi Cát vàng (tức Hoàng Sa) là phần quan trọng không thể tách rời của Việt Nam. Tất cả thông tin đều có mối liên hệ mật thiết, tạo nên những luận cứ xác đáng về sự có mặt và hoạt động của người Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa thế kỷ XVI. Nguồn tư liệu cuối cùng mà GS Hoàng Xuân Hãn quan tâm, xem xét kỹ lưỡng, là những ghi chép của các thương nhân, các nhà truyền giáo nước ngoài cách đây hàng thế kỷ, khi đến Việt Nam đã có những nhận xét, đánh giá về quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

“Thi ca đương đại luôn hướng về Hoàng Sa, Trường Sa suốt 40 năm qua” của nhà Nguyễn Việt Chiến đã cho thấy, các nhà thơ luôn song hành cùng vận mệnh dân tộc. 40 năm trước, khi Hoàng Sa bị Trung Quốc đánh chiếm, Tô Thùy Yên và Phạm Lê Phan là hai nhà thơ đương đại đầu tiên của Việt Nam viết về Hoàng Sa-Trường Sa. Năm 1988, sau trận hải chiến tại đảo đá Gạc Ma với quân Trung Quốc khiến 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam hy sinh, bài "Gửi quần đảo Trường Sa" của nhà thơ Đỗ Nam Cao như khắc tạc “Dáng đứng Trường Sa” vào nỗi đau bi tráng trong tâm hồn người đọc. Những câu thơ như ngọn lửa thắp lên nỗi đau và sự căm hờn quân cướp biển trong trái tim hàng chục triệu người Việt yêu nước. “Thơ tình người lính biển” của nhà thơ Trần Đăng Khoa là một trong những bài thơ tình hay nhất của thơ đương đại...

Thanh Hằng
.
.
.