Mong Đại hội bầu được người đủ đức, đủ tài

Chủ Nhật, 16/01/2011, 09:55
Sinh năm 1910, năm nay ông Phan Ngọc Bích bước sang tuổi quá bách tuế - một trăm linh một tuổi đời, 81 tuổi Đảng. Ông là một trong 9 đảng viên của Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của Phú Yên được thành lập ngày 5/10/1930 và là một trong không nhiều đảng viên lớp 1930 trong cả nước hiện còn sống để chứng kiến sự kiện chính trị trọng đại của đất nước: Đại hội lần thứ XI của Đảng cùng bước đi lên mạnh mẽ của đất nước.

Người ươm mầm cộng sản

Tôi may mắn được nhiều lần gặp gỡ, trò chuyện với ông Phan Ngọc Bích. Mấy năm trước, dù đã ở gần tuổi bách tuế nhưng giọng ông vẫn đằm, ấm và khúc chiết. Ông nhớ như in sự kiện ông tham gia thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Phú Yên. Đó là ngày 5/10/1930, vào buổi trưa, tại nhà của đồng chí Phan Lưu Thanh, ở thôn Long Bình, thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân, tộc họ Phan tổ chức đám giỗ. Trước khi vào giỗ, đồng chí Phan Lưu Thanh lấy lá cờ Đảng treo trên vách và tuyên bố thành lập chi bộ. Đứng trước lá cờ đỏ búa liềm, ông và các đồng chí đều rưng rưng xúc động. Trước đó, ông đã được đồng chí Phan Lưu Thanh giác ngộ và kết nạp vào Đảng. Mới 20 tuổi nhưng ông cảm thấy mình lớn lên, trưởng thành rất nhiều từ thời điểm lịch sử đó. Từ đây, ông bước vào cuộc đời hoạt động cách mạng đầy hi sinh gian khổ nhưng vô cùng vẻ vang.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng thăm hỏi và tặng quà ông Phan Ngọc Bích. (Ảnh: M.Ký).

Sau khi trở thành đảng viên, ông được phân công vào Tuy Hòa làm nghề kéo xe để tuyên truyền giác ngộ lý tưởng cộng sản. Ông là người gieo mầm cộng sản ở đồng bằng Tuy Hòa, đã tuyên truyền, giác ngộ và kết nạp nhiều đồng chí như Nguyễn Chấn, Lê Tấn Thăng, Nguyễn Tự Đoan, Trương Huề… vào Đảng và chính thức thành lập Chi bộ Đảng phía Nam tỉnh ngày 24/11/1931. Nhiều đồng chí trong số đó sau này trở thành lãnh đạo tỉnh Phú Yên. Tiếp đó ông lại lặn lội bám theo đường dây cơ sở về Sơn Hòa hoạt động bí mật, gieo mầm cộng sản ở miền núi Phú Yên.

Một trong những hoạt động gây được tiếng vang lớn của ông là tổ chức mít tinh nhân ngày Quốc tế Lao động 1-5 ở Nhà máy Đường Đồng Bò (Tuy Hoà). Sau những lần lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức đình công, các đảng viên chi bộ Nhà máy Đường Đồng Bò bị bọn mật thám theo dõi, bắt bớ và đày đi nơi khác. Ông Phan Ngọc Bích và Trương Dụng Quyền - một đồng chí được ông giác ngộ cách mạng và được kết nạp vào Đảng từ năm 1931 thống nhất ý kiến: Bọn thống trị càng đàn áp, chúng ta càng phải liên tục tổ chức đấu tranh mạnh mẽ để tập dượt cho quần chúng và để củng cố lòng tin cho quần chúng. Qua các cuộc tổ chức đấu tranh sẽ  bồi dưỡng và kết nạp những quần chúng ưu tú vào Đảng.

Đúng 8h sáng 1/5/1941, dưới sự lãnh đạo của hai đảng viên Phan Ngọc Bích và Trương Dụng Quyền, lực lượng công nhân Nhà máy Đường Đồng Bò và bà con nông dân vùng trồng mía tập trung rầm rộ trước một vuông đất rộng. Ông Phan Ngọc Bích đứng trên chiếc bàn gỗ dõng dạc nói: "Thưa các anh chị em công nhân Nhà máy Đường Đồng Bò! Thưa bà con cô bác nông dân vùng trồng mía! Hôm nay là ngày Quốc tế Lao động 1-5, kỷ niệm ngày đấu tranh chống áp bức bóc lột của giai cấp công nhân và lao động toàn thế giới. Chúng ta là những người lao động của giai cấp công nhân và giai cấp nông dân tập hợp lại đây để kỷ niệm ngày lễ Quốc tế đó.

Thưa anh chị em công nhân! Thưa bà con nông dân! Cuộc đấu tranh của chúng ta với bọn thực dân thống trị, chủ nhà máy, chủ đồn điền, bọn địa chủ phong kiến là một cuộc đấu tranh giai cấp một mất một còn. Chúng ta phải đoàn kết lại thành một khối vững chắc, trăm người như một, triệu người như một; công nhân và nông dân phải liên minh chặt chẽ, cùng toàn dân tộc một ý chí, một lòng quyết sát cánh bên nhau đánh đổ bọn thực dân, phong kiến, bọn thống trị đang đàn áp chúng ta...".

 Tiếng vỗ tay như pháo nổ hưởng ứng lời kêu gọi của ông Phan Ngọc Bích, tiếng hô đả đảo bọn đế quốc thực dân và bọn phong kiến thống trị của toàn thể cuộc mít tinh vang lên khắp một vùng.

Tên chủ Nhà máy Đường Đồng Bò Hygenol rất hoang mang, bèn cử một số tay chân xuống Bình Sơn gặp những người lãnh đạo và tổ chức cuộc mít tinh. Bọn tay chân của Hygenol đã phải chấp nhận tất cả mọi yêu sách của anh chị em công nhân và bà con nông dân trong cuộc mít tinh, hứa về sẽ báo lại với chủ nhà máy để giải quyết.

Ông Phan Ngọc Bích (ngồi giữa) dự lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Phú Yên. (Ảnh: X. Luật).

Trọn đời với Đảng

Năm 1954, ông Phan Ngọc Bích tập kết ra Bắc, vẫn giữ nguyên bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ năm nào, ông tự nguyện nhận những nhiệm vụ ở những nơi "đầu sóng ngọn gió". Trong thời kỳ chiến tranh ác liệt nhất, ông xung phong vào tuyến lửa Quảng Bình, làm Phó Giám đốc Nông trường Lệ Ninh, góp phần giúp nông trường trụ vững trong điều kiện khốc liệt của chiến tranh.

Sau ngày đất nước thống nhất, ông Phan Ngọc Bích trở về quê hương, tiếp tục có nhiều cống hiến cho Đảng, hoàn thành xuất sắc mọi công việc được phân công. Những năm gần đây, dù tuổi cao sức yếu ông vẫn quan tâm theo dõi những vụ việc nổi cộm và có tiếng nói thẳng thắn, tâm huyết góp phần xây dựng Đảng. Ông tâm sự: "Lớp đảng viên hiện nay nhìn chung rất có tâm huyết, có trình độ cao, biết đoàn kết để hoàn thành nhiệm vụ công tác. Tuy nhiên, có nơi cán bộ đảng viên chưa sát dân lắm. Vì vậy, theo tôi, đảng viên phải sát dân, gần dân nhiều hơn nữa. Bởi có như thế, mới hiểu được tâm tư, nguyện vọng của bà con để đề ra và thực hiện các chủ trương công tác sát hợp. Dân tin yêu Đảng, Đảng lo cho dân, gắn bó với dân,  đấy là cội nguồn sức mạnh của sự nghiệp cách mạng do Đảng ta lãnh đạo từ khi ra đời đến nay. Cội nguồn này phải luôn luôn được chăm chút, gìn giữ".

Ông vinh dự được Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh gặp gỡ, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đến nhà thăm hỏi sức khỏe, tặng quà. Hai năm trước, khi đã ở tuổi 99, ông còn bày tỏ với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng những ý kiến tâm huyết về Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, niềm tin vào con đường đi lên của đất nước.

Năm 2010, nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên ở Phú Yên, dù đã ở tuổi 100, ông vẫn về thôn Long Bình, thị trấn La Hai dự lễ, thắp hương tưởng nhớ đồng chí Phan Lưu Thanh - Bí thư Chi bộ, người đã giác ngộ lý tưởng cách mạng và kết nạp ông vào Đảng.

Trong những ngày diễn ra Đại hội lần thứ XI của Đảng, tôi đến thăm ông. Trong ngôi nhà nhỏ ở đường Nguyễn Công Trứ, TP Tuy Hoà, ông thanh thản vui vầy cùng cháu con và vẫn theo dõi Đại hội Đảng qua báo, đài. Ông nhắc đi nhắc lại lời dạy của Bác "cán bộ là  gốc của mọi công việc" và mong Đại hội bầu được một Ban chấp hành đủ tài, đủ đức, lãnh đạo đất nước thực hiện kỳ được mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Ông tin tưởng Đại hội sẽ thành công tốt đẹp và nói thêm: "Đời tôi được chứng kiến 11 lần Đại hội Đảng toàn quốc, như thế là quá mãn nguyện!".

Xuân Luật - Phan Thanh
.
.
.