Miền Trung: Hàng nghìn căn nhà ngập trong lũ

Thứ Năm, 18/10/2007, 10:19
Những cơn mưa lớn liên tiếp trong những ngày qua đã gây lũ lụt trên diện rộng tại các tỉnh miền Trung. Hàng nghìn căn nhà của người dân ngập trong lũ. Đã có 3 người thiệt mạng, 2 người mất tích. Chính phủ vừa quyết định hỗ trợ cho tỉnh Quảng Nam, nơi diện tích hoa màu bị ngập nặng, 500 tấn gạo.

Chiều 17/10, Ban Chỉ đạo Phòng, chống lụt bão Trung ương cho biết, nước sông các tỉnh miền Trung từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi lên nhanh sau những ngày mưa to vừa qua, gây ngập lụt nhiều nơi, đã bắt đầu xuống chậm dần.

Thiệt hại do lũ lụt gây ra nặng nhất là tại tỉnh Thừa Thiên - Huế. Tỉnh này có 90 xã, phường thuộc các huyện: Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang, Hương Thủy, Nam Đông, A Lưới và TP Huế bị ngập sâu từ 0,5m đến 1,5m.

Tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tổ chức di dời 4.290 hộ với 17.373 nhân khẩu từ vùng trũng, thấp, có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn, chưa có thiệt hại đáng tiếc về người.

Tuy nhiên, lũ lụt đã làm 860 tấn lúa bị ướt; hơn 1.600ha rau màu, nuôi trồng thủy sản bị ngập. Đường Hồ Chí Minh bị sạt lở với khối lượng khoảng 2.032m3 đất đá, gây ách tắc giao thông. Một số hồ chứa như hồ Truồi, hồ Mỹ Hòa bị tràn qua từ 1,5m đến 3,2m.

Tỉnh Quảng Trị cũng đã di dời gần 3 nghìn hộ đến khu vực an toàn tránh lũ. Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn (PCLB&TKCN) tỉnh cho biết, đến chiều 17/10, hai huyện Triệu Phong, Hải Lăng vẫn bị ngập sâu từ 0,5m đến 1,2m.

Thống kê ban đầu cho biết, Quảng Trị đã có 2 người thiệt mạng do lật thuyền; 5 căn nhà bị tốc mái, 10.044 căn khác cùng 1.182ha hoa màu bị ngập, hư hại. Chính quyền địa phương đã hỗ trợ mỗi gia đình có người thiệt mạng 3 triệu đồng.

Tỉnh Quảng Nam cũng đã có 1 người thiệt mạng, 2 người mất tích do lũ; hơn 1.300ha lúa, hoa màu ở các huyện miền núi bị ngập; tuyến đê chống lũ trên sông Ly Ly thuộc xã Quế Phong, huyện Quế Sơn đang thi công bị nước lũ tràn qua.

Theo Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Quảng Bình, lũ lụt đã làm 2.560 căn nhà bị ngập, trong đó có 1.086 căn bị ngập sâu từ 1m trở lên. Hiện nước đã rút nhưng chậm. Thiệt hại toàn tỉnh ước tính khoảng 21,5 tỷ đồng. Chính phủ cũng vừa quyết định hỗ trợ cho tỉnh Quảng Nam 500 tấn gạo.

Thừa Thiên - Huế: Ngập lụt trên diện rộng       

Tại Thừa Thiên - Huế, lũ lớn từ chiều 15 đến ngày 17/10 làm mực nước lũ trên các sông đạt đến đỉnh, gây ngập trên diện rộng: sông Hương tại Kim Long 4,21m, trên báo động III là 1,21m; trên sông Bồ Trạm Phú Ốc là 4,75m, vượt báo động III là 0,25m; sông Ô Lâu tại Phong Bình là 2,63m, vượt báo động III là 0,63m. Mưa lũ đã làm ngập úng và hư hại gần 1.000ha sắn, khoai lang và rau màu, hàng chục hécta hồ cá, hồ tôm bị nhấn chìm gây hư hại và trôi hơn 300 nghìn con cá nuôi.

Nhiều tuyến giao thông trên toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế bị tê liệt. Đường Hồ Chí Minh, sạt lở tắc đường tại km 411; QL 1A, QL 49A bị sạt lở và ngập, nhiều nơi bị ngập 1,5 mét. Tỉnh lộ 14B lên huyện Nam Đông bị sạt lở khoảng 1.500m3 tại Km22+300 và Km 800+500 làm tắc đường, hiện đơn vị quản lý giao thông đang khắc phục để thông xe vào chiều 17/10. Các tuyến đường ở các xã vùng thấp trũng huyện Quảng Điền, Phong Điền, Phú Vang có nhiều đoạn bị ngập từ 0,6 đến 2 mét làm ách tắc giao thông.

Tại thủy điện Bình Điền (thượng nguồn sông Hương), nước lũ dâng cao cuốn trôi tất cả các tuyến đường thi công, khối lượng đất đá cần phải đắp lại khoảng 30 nghìn m3, hố móng chính bị ngập hoàn toàn trong nước.

Tại thủy điện Hương Điền (thượng nguồn sông Bồ) đường chính vào công trường bị sạt lở nhiều đoạn, ngầm Khe Băng vào thuỷ điện nước dâng cao nên công trường bị cô lập hoàn toàn, hàng trăm công nhân bị mắc kẹt phải ở lại công trường.

Hiện tỉnh Thừa Thiên - Huế đang tập trung khắc phục hậu quả của lũ, giúp dân khôi phục sản xuất… Tại TP Huế, ngày 17/10 các tuyến đường nội thành ở bờ Bắc sông Hương, và nhiều tuyến đường ở phía Nam vẫn còn bị ngập sâu trong nước, người dân muốn đi lại phải dùng bằng thuyền…

Hiện nước lũ tại Thừa Thiên - Huế đang rút chậm,  người dân tiến hành tranh thủ nước rút đến đâu, dọn dẹp vệ sinh đến đó…

Tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng chỉ đạo các ban, ngành khẩn trương giúp dân khôi phục hậu quả sau lũ, đặc biệt ngành Y tế đã bị hoá chất để tẩy rửa môi trường, tránh dịch bệnh xảy ra sau lũ… Trong lúc đó, tại một số xã ở huyện Quảng Điền, như Quảng Lợi, Quảng Thái, Quảng Phước… nước lũ vẫn tiếp tục dâng kết hợp với mưa lớn.

Nước lên làm giá cả các mặt hàng nhu yếu phẩm cũng tăng vọt theo, tại các chợ Bến Ngự, An Cựu, Tây Lộc… giá cả tăng cao. Trong 2 ngày xảy ra lũ, một số mặt hàng thực phẩm tươi sống đạt giá cao kỷ lục, phải kể đến là các loại rau xanh.

Tại chợ Bến Ngự, bình quân mỗi bó rau muống có giá từ 5-7 nghìn đồng, tuỳ theo loại, trong lúc đó ngày thường chỉ 2 nghìn đồng; cà chua, cải bắp, rau lang cũng tăng từ 2.000-3.000 đồng/kg; các loại thịt gia súc, gia cầm cũng theo đó mà tăng từ 5.000-7.000 đồng/kg. Không chỉ riêng các mặt hàng thực phẩm tươi sống tăng giá, mà ngay cả các mặt hàng thực phẩm khô, thực phẩm đóng hộp giá cũng tăng đột biến.

Theo một số tiểu thương ở chợ An Cựu, bình quân mỗi thùng mì tôm loại 30 gói tăng từ 5.000 đến 7.000 đồng; giá các loại thực phẩm khô cũng tăng từ 5-10%…

Nguyên nhân khiến các mặt hàng thực phẩm tăng giá là do lũ ngập sâu trong các ngày qua đã làm chia cắt nhiều nơi, giao thông cách trở, ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh của bà con; trong đó có hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, giá cả tăng do một số tiểu thương lợi dụng tình hình mưa lũ đã tự ý nâng giá một số mặt hàng thực phẩm thiết yếu như mì tôm, rau xanh, thịt heo…

Quảng Trị: Lũ quét vẫn diễn biến phức tạp 

Ngày 17/10, nước sông Đakrông vẫn chảy rất dữ dội, 25 hộ dân ở bản Cu Pua, xã Đakrông, huyện Đakrông vẫn bị lũ quét chia cắt hoàn toàn. Một số bà con ở bản làm nương rẫy phía bên kia sông (kẹt lũ 3 ngày nay), hiện đang phải ở nhờ tại bản Vùng Kho, xã Đakrông. Chính quyền địa phương đang bàn phương án cứu trợ 25 hộ dân kể trên.

Do nước ở thượng nguồn tiếp tục đổ về rất mạnh, làm khối lượng lớn củi và gỗ ở các vùng rừng sâu trôi theo dòng nước tấp vào những vùng xoáy của con sông. Điều đáng nói, người dân sử dụng sào tre để vớt củi và gỗ, rất nguy hiểm.

Do mưa lớn kéo dài, đường 9 qua địa bàn huyện Đakrông (từ km 42 đến km 56) có tới hàng chục điểm sạt lở, theo đó khối lượng lớn đất, đá và cây đổ sụp xuống lòng đường. Công an huyện Đkrông đã tổ chức lực lượng hướng dẫn người tham gia giao thông đi vào phần đường an toàn, đồng thời cưa cây bị đổ gãy để giải phóng ùn tắc.

Hiện tại, công nhân cùng với phương tiện máy móc của Công ty cổ phần Quản lý và Xây dựng Quảng Trị đang tích cực khắc phục những điểm sạt lở nói trên.

Tính đến cuối ngày 17/10, toàn tỉnh Quảng Trị có tới 10.049 hộ dân bị thiệt hại do lũ quét, hàng nghìn hộ bị ngập sâu đã được các lực lượng chức năng di dời đến nơi ở khác. Nước trên các con sông đã giảm, nhưng hiện vẫn còn hàng trăm ngôi nhà ven các sông Hiếu và Thạch Hãn thuộc 2 huyện Hải Lăng và Triệu Phong bị ngập sâu từ 1-1,5 mét.

Riêng xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong có hơn 800 hộ dân bị ngập lũ; hệ thống điện chiếu sáng bị tê liệt hoàn toàn; nhiều giáo viên ở nơi khác đến dạy học ở đây bị kẹt lũ đang phải trú ẩn trong các trường học và số ít nhà dân chưa bị ngập; hàng trăm chuồng trại gia súc bị ngập sâu khiến hơn 300 trăm con trâu, bò phải bơi vào QL1A và tràn vào thị xã Đông Hà; toàn bộ diện tích lúa, hoa màu ở đây cũng đã mất trắng.

Công an tỉnh Quảng Trị đã điều động thêm lực lượng giúp dân khắc phục hậu quả, cũng như ứng trực đề phòng tình huống xấu.

* Phát hiện sụt lún đất ở Cam Lộ: Ngày 17/10, tin từ UBND huyện Cam Lộ cho biết vừa phát hiện một điểm sụt lún đất ở thôn Tân Mỹ, xã Cam Thành (Cam Lộ). Điểm sụt lún có đường kính 1 mét, sâu hơn 3 mét.

Theo nhận định ban đầu của ngành chức năng địa phương, hiện tượng này xảy ra tương tự vụ sụt lún đất ở thôn Tân Hiệp, xã Cam Tuyền (Cam Lộ) vào ngày 18/2/2006. Hiện tại, chính quyền địa phương đã tổ chức lực lượng ứng trực theo dõi diễn biến trên, đồng thời sẵn sàng di dân nếu có tình huống xấu

Nhóm PV
.
.
.