Lo ngại rác thải “đổ bộ”, UBTV Quốc hội xem xét áp dụng quy chuẩn nhập phế liệu

Thứ Năm, 20/02/2014, 17:22
“Trong dự thảo có danh mục nguyên liệu nhiều, rộng, kể cả loại không thể tiêu hủy như sắt, thép, nhựa giấy... Tôi cho rằng điều này cần cân nhắc, nếu không chúng ta thành bãi rác thải của thế giới” - ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách nói tại phiên họp UBTV Quốc hội hôm nay, 20/2.

Sáng 20/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 25, cho ý kiến vào dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) và xem xét, quyết định biên chế giai đoạn 2014 - 2016 của Văn phòng Quốc hội.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần tập trung cho ý kiến về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Đại biểu đề nghị nghiên cứu, quy định rõ trong Luật nhóm phế liệu được phép nhập khẩu; bổ sung quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với phế liệu được phép nhập khẩu; nghiêm cấm việc mua bán phế liệu đã nhập khẩu vào trong nước đồng thời cần có quy định chặt chẽ việc cấp giấy phép nhập khẩu phế liệu nếu không nước ta sẽ trở thành bãi rác thải của thế giới.

Thảo luận về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, cần cân nhắc việc cho phép nhập phế liệu. Theo ông, phế liệu là nguyên liệu bỏ đi, các nước có trình độ khoa học hơn nước ta mà họ bỏ đi thì ta không việc gì phải nhập. “Trong dự thảo có danh mục nguyên liệu nhiều, rộng, kể cả loại không thể tiêu hủy như sắt, thép, nhựa giấy... Tôi cho rằng điều này cần cân nhắc, nếu không chúng ta thành bãi rác thải của thế giới” - ông Hiển nói.

Những nội dung như quy hoạch bảo vệ môi trường, bảo vệ môi trường biển và hải đảo, trách nhiệm quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường cũng được các đại biểu tập trung góp ý. Theo các đại biểu, quy hoạch môi trường cần xem xét tới các nội dung liên quan của các quy hoạch khác như quy hoạch vùng, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đề nghị dự thảo quy định rõ các hàng rào kỹ thuật để một mặt bảo vệ được môi trường, mặt khác vẫn tuân thủ các cam kết quốc tế (không cấm nhập) và duy trì lợi ích kinh tế chính đáng cho các doanh nghiệp.

Cảnh sát phát hiện nhiều vụ nhập phế liệu bẩn vào Việt Nam.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu lo ngại, trong khi vòng đời của các dự án lớn thường dài hơn nhiều và các quy hoạch xây dựng, quy hoạch phát triển đô thị cũng có kỳ hạn 20 năm, tầm nhìn tới  30 năm mà quy hoạch bảo vệ môi trường - theo dự thảo Luật - lại chỉ có kỳ hạn 10 năm thì việc đánh giá tác động môi trường tính như thế nào?

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, cả nước có 155 doanh nghiệp tại 34 tỉnh và thành phố thực hiện nhập khẩu phế liệu, trong đó có 116 doanh nghiệp sản xuất, tái chế trực tiếp, 28 doanh nghiệp nhập khẩu để phân phối và 11 doanh nghiệp nhập khẩu ủy thác. Tuy nhiên, nhiều vấn đề phát sinh từ việc kiểm soát trong khâu nhập khẩu phế liệu còn thiếu chặt chẽ. Chính những quy định không rõ ràng đâu là “phế thải” và đâu là “chất thải” đã dẫn đến tình trạng doanh nghiệp không chỉ nhập khẩu phế liệu mà còn nhập một lượng lớn rác thải nguy hại vào nước ta, gây tác động không nhỏ tới kinh tế, đặc biệt là vấn đề môi trường, sức khỏe của cộng đồng.

Gần đây, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an TP Hải Phòng vừa phát hiện và bắt giữ 2 cotainer phế liệu chứa ô tô cũ ép bẹp, linh kiện điện tử, máy móc tàu thủy thuộc danh mục cấm nhập khẩu của một Công ty cổ phần thương mại. Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2013, lực lượng Cảnh sát môi trường, Công an TP Hải Phòng đã phát hiện 13 vụ vi phạm, bắt giữ hàng chục cotainer chứa rác thải nguy hại như ắc quy đã qua sử dụng, dầu thải, máy móc, nhựa phế liệu…

Các vụ việc nhập khẩu rác thải đang có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Nội dung hợp đồng, thủ tục khai báo hải quan đều thể hiện là những mặt hàng hợp pháp nhưng thực chất bên trong cotainer là phế thải. Khi bị phát hiện, các doanh nghiệp trong nước đứng tên trong các bộ chứng từ thanh toán lại từ chối nhận hàng với lý do: hàng không đúng hợp đồng, không đúng chủng loại hàng hóa, chủ hàng nước ngoài gửi nhầm địa chỉ... Theo thống kê của Cục Hải quan Hải Phòng, hiện tại cảng Hải Phòng đang tồn đọng gần 3000 cotainer chứa phế liệu, rác thải công nghiệp thuộc diện hàng hóa cấm nhập khẩu. Không chỉ riêng Hải Phòng, tình trạng nhập khẩu rác thải công nghiệp xảy ra hầu hết tại các cảng biển của Việt Nam.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu Hiến pháp mới để thể chế hóa dự án luật này cho phù hợp, nhất là các quy định về bảo vệ môi trường. Cần xem xét các nội dung liên quan giữa quy hoạch môi trường với các quy hoạch khác, cũng như kỳ quy hoạch 10 năm hay 20 năm.

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, sở dĩ tình trạng tuồn rác thải công nghiệp vào Việt Nam ngày càng tăng là do ở những nước phát triển, chi phí để xử lý rác thải rất cao, nên các doanh nghiệp nước ngoài tìm cách đẩy số rác này sang các nước đang phát triển. Mặt khác, do hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực xuất nhập khẩu còn những lỗ hổng, nên nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng để trục lợi. Khi bị phát hiện, các doanh nghiệp chỉ bị phạt hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như buộc tái xuất số rác thải đó ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, thế nhưng nhiều lô hàng không thể tái xuất được vì không xác định được chủ hàng. Với những gì đang diễn ra, các chuyên gia cảnh báo, Việt Nam đã và đang dần trở thành bãi phế liệu của nhiều nước phát triển.

M.Đ.
.
.
.