Lo ngại cán bộ phường “vòi quà” khi xác nhận diện tích để nhập khẩu

Thứ Bảy, 08/06/2013, 12:17
Thừa nhận việc bổ sung quy định diện tích bình quân tối thiểu để nhập khẩu vào quận nội thành là cần thiết nhưng đại biểu Quốc hội cũng cảnh báo tình trạng cán bộ địa chính phường vòi vĩnh, tiêu cực khi được giao “có xác nhận của chính quyền địa phương về điều kiện diện tích bình quân”…

Thảo luận tại Quốc hội sáng nay, 8/6 về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú, cả 16 ý kiến phát biểu tại hội trường đều khẳng định sự cần thiết phải sửa đổi và ghi nhận sự chuẩn bị kỹ của ban soạn thảo.

Đặc biệt, quy định “trường hợp đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân, tổ chức  thì phải bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của hội đồng nhân dân thành phố…” được cho là cần thiết nhằm tránh việc nhập khẩu tùy tiện, quá tải, nhiều người đăng ký một chỗ ở trong khi không đảm bảo diện tích tối thiểu. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng cần điều chỉnh quy định “có xác nhận của chính quyền địa phương về điều kiện diện tích bình quân” trong trường hợp đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân.

Đại biểu thảo luận tại hội trường.

Theo đại biểu Quốc hội, tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực của một số cán bộ, chính quyền địa phương, nhất là cán bộ địa chính phường, xã trong giải quyết thủ tục hành chính là rất đáng lo ngại, thường tìm cách vòi vĩnh, làm khó nếu không được “bôi trơn”. Do đó, nếu cơ quan Công an cải cách hành chính, làm tốt, nhưng khi người dân phải đến phường xin xác nhận về diện tích tối thiểu bình quân thì phải “lo lót” cửa này rất phức tạp. Điều này dẫn đến, có người không đủ diện tích bình quân theo quy định nhưng nhờ “lót tay” cán bộ phường tốt nên vẫn được xác nhận, trong khi người đủ điều kiện mà không nhờ vả lại bị cán bộ phường làm khó.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) tán thành việc giao cho Hội đồng nhân dân thành phố quy định diện tích bình quân đối với trường hợp đăng ký thường trú và chỗ ở cho thuê, mượn, ở nhờ. Tuy nhiên, bà đề nghị bỏ xác nhận của Ủy ban nhân dân phường về điều kiện diện tích bình quân chỗ ở nói trên. “Tôi thấy tổ dân phố chính là cánh tay nối dài của phường, một tổ dân phố bây giờ có từ 250 hộ trở lên theo như Điều 7 của Thông tư 04 ngày 31/8/2012 của Bộ Nội vụ,  vậy ai sẽ xác minh để Ủy ban nhân dân phường xác nhận và phải chăng là tổ trưởng tổ dân phố hay lại tăng thêm người để làm vệc này. Nếu xác nhận không đúng thì xử lý như thế nào” - bà nói. Theo đó, bà đề nghị 2 phương án. Phương án thứ nhất, nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về vấn đề này, quy định chế tài, nếu khi phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm cả hai bên, cả bên cho thuê mượn, ở nhờ và kể cả bên đi thuê, mượn, ở nhờ. Phương án thứ hai, xác định đây là trách nhiệm của cơ quan quản lý chứ không phải là của người dân.

Bà Triệu Thị Thu Phương (Bắc Kạn) cũng khẳng định sự cần thiết bổ sung điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương. Tại Khoản 2, Điều 1 sửa đổi, bổ sung Điều 20 Luật cư trú, theo quy định của điều luật này, công dân cần có chỗ ở hợp pháp để thực hiện quyền đăng ký hộ khẩu thường trú tại các thành phố trực thuộc Trung ương. Tuy nhiên, trên thực tế việc có được đồng ý bằng văn bản của những người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ là rất phức tạp, khó khăn, bởi vì họ e ngại những tranh chấp pháp lý có thể xảy ra giữa họ và những người mới nhập vào. Trên thực tế có rất nhiều trường hợp ngay cả những trường hợp họ hàng thân thích được quy định tại Khoản 2 điều này cũng không muốn cho đăng ký hộ khẩu xuất phát từ những ý ngại trên, trong khi đó tình trạng phổ biến diễn ra đối với những người có nhà thuê, mượn thì khó mà xin được sự đồng ý của người cho thuê, cho mượn.

Quốc hội cho rằng quy định diện tích bình quân là cần thiết góp phần giảm tải dân số ở đô thị nhưng cần cân nhắc một số nội dung.

Đại biểu Nguyễn Minh Kha (Cần Thơ) đồng tình với dự luật là nâng thời gian tạm trú từ 1 năm lên 2 năm áp dụng đối với công dân đăng ký vào huyện, thị xã, thành phố trực thuộc Trung ương là phù hợp. Tuy nhiên, theo ông, đây cũng là giải pháp tình thế, trong điều kiện hiện nay sự quá tải về dân cư tập trung chủ yếu vào nội thành, muốn giãn dân cư nội thành cần phải có quy hoạch chiến lược mang tính lâu dài, các khu công nghiệp, các bệnh viện, các trường đại học phải được di dời ra ngoại thành và có kế hoạch đầu tư thỏa đáng cho vùng nông thôn, tạo việc làm cho vùng nông nghiệp, giảm áp lực cho đô thị, vừa góp phần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo. Bởi lẽ, nhu cầu cư trú vào nội thành là thực tế khách quan, là học tập và việc làm, lực lượng lao động dư thừa trong nông nghiệp tìm việc làm trong lĩnh vực công nghiệp buộc họ phải tìm nơi cư trú ở nội thành.

Ông Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) tán thành điều chỉnh khoản 5, Điều 20, đăng ký thường trú trong trường hợp cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ cá nhân, tổ chức phải đảm bảo diện tích bình quân theo quy định của Hội đồng nhân dân thành phố, có xác nhận chính quyền địa phương. Ông nói: “Về điều kiện diện tích bình quân phù hợp với thực tiễn, vấn đề này tôi cũng đồng tình với quy định này và nó cũng phù hợp với thực tiễn, kể cả Luật thủ đô mà Quốc hội mới ban hành”. Tuy nhiên, “tôi có băn khoăn như các đại biểu đã phát biểu tình trạng yêu cầu xác nhận của chính quyền địa phương về điều kiện diện tích bình quân, tôi thống nhất như đại biểu Thúy ở Đà Nẵng phát biểu. Bởi vì giao cho chính quyền địa phương là rất khó khăn và có rất nhiều vấn đề phát sinh hệ lụy bởi quy định này. Do vậy, nên giao trách nhiệm cho cơ quan quản lý về cư trú. Hai là cũng nâng cao tính tự chịu trách nhiệm của người dân khi anh cho người khác nhập hộ khẩu vào để nó có tính khả thi hơn”

Đăng Minh
.
.
.