Lộ diện hơn 7 nghìn vụ giả chế độ thương binh, trợ cấp tuất liệt sĩ…

Thứ Ba, 19/11/2013, 10:12
Con số này được nêu trong báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội sáng nay về kết quả thực hiện nghị quyết chất vấn, trả lời chất vấn. Không rõ số tiền thất thoát bao nhiêu nhưng báo cáo cho biết đã thu hồi 75,5 tỷ đồng. Việc làm giả hồ sơ thương binh, bệnh binh, trợ cấp tuất liệt sĩ… đã nhức nhối lâu nay, trong đó có nơi phát hiện cả những thanh niên 7X cũng làm giả hồ sơ… thương binh chống Mỹ.

Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội sáng nay cho biết, công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm chính sách người có công được tăng cường. Từ năm 2008 đến năm 2013, đã phát hiện, đình chỉ trợ cấp 7.085 trường hợp, thu hồi nộp ngân sách nhà nước trên 75,5 tỷ đồng. Chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra xem xét, truy cứu trách nhiệm hình sự 1.762 người . Trong đó, phát hiện sai phạm về thương binh và người hưởng chính sách như thương binh: 4.016 người; người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học: 2.048 người; bệnh binh: 565 người. Vi phạm về đối tượng hưởng trợ cấp tuất liệt sĩ: 265 người; người có công giúp đỡ cách mạng: 127 người; người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ Quốc tế: 38 người. Gian lận về chế độ người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày: 15 người; Bà mẹ Việt Nam anh hùng: 7 người; người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến trước tổng khởi nghĩa 19/8/1945: 3 người; người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945: 1 người.

Hồ sơ chính sách thương binh đang được Bộ LĐ, TB, XH rà soát.

Đáng nói, trong khi nhiều người làm giả hồ sơ và được hưởng chế độ thương, bệnh binh một cách nghịch lý thì rất nhiều trường hợp tham gia kháng chiến, có công cách mạng, tới nay gia cảnh éo le lại không được làm chế độ. Rất nhiều thanh niên xung phong dù nộp hồ sơ kiến nghị khắp nơi nay vẫn không được hưởng chế độ gì khi các cơ quan công quyền nói “hồ sơ không hợp lệ”.

Về vấn đề này, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 31/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, Nghị định số 101/2013/NĐ-CP quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng, theo đó mức chuẩn được điều chỉnh tăng từ 1.110.000 đồng lên 1.220.000 đồng và thực hiện từ ngày 1/7/2013.

Để đẩy nhanh tiến độ xét duyệt hồ sơ còn tồn đọng, hướng dẫn lập hồ sơ đối với các trường hợp mất hồ sơ gốc, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 27 tháng 10 năm 2013 về tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng trong 2 năm 2014 - 2015; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Quốc phòng đã ban hành Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT hướng dẫn xác nhận liệt sỹ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh trong chiến tranh, không còn giấy tờ. Chỉ đạo các Bộ Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành trong tháng 11/2013 Thông tư liên tịch hướng dẫn khám, giám định đối với người hoạt động kháng chiến có liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học/dioxin.

Ngay trong phiên làm việc sáng nay, nhiều ý kiến đã bày tỏ bức xúc. Ông Bùi Sĩ Lợi, Thanh Hóa viện dẫn, có trường hợp bà mẹ đủ tiêu chuẩn phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, nay ốm đau, bệnh tật không biết tạ thế lúc nào nhưng các cơ quan chức năng từ địa phương đến Bộ vẫn đùn đẩy kiểu hồ sơ thiếu giấy tờ hợp lệ. “Dịp 27/7, tôi đi tiếp xúc cử tri ở Thanh Hóa, tôi gặp người khiếu nại người em hy sinh. Trường hợp này có báo tử, có UBND xã xác nhận, nhưng do ta quan liêu, làm sai, làm mất hồ sơ, tôi là Giám đốc sở, tôi thấy quy trình thủ tục như vậy quá buồn” – ông Lợi nói.

Đại biểu Bùi Sĩ Lợi phát biểu sáng nay.

Báo cáo của Chính phủ sáng nay cho biết, tại kỳ họp này, theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành cập nhật tình hình thực hiện các Nghị quyết, thể hiện trong 11 báo cáo đã gửi tới các vị đại biểu Quốc hội về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế; việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia… Tuy nhiên, có nhiều nội dung đòi hỏi việc triển khai phải có thời gian, nguồn lực và phải tiếp tục thực hiện quyết liệt, kiên trì như: quản lý và sử dụng đất đai, ô nhiễm môi trường; thực hiện lộ trình giá thị trường đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu; xử lý nợ xấu, tái cơ cấu các tổ chức tín dụng; quản lý thủy điện. Rồi việc chống buôn lậu và gian lận thương mại, thu hút đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, tiêu thụ nông sản. Nhiều lĩnh vực còn chậm như nhà ở xã hội, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, quá tải bệnh viện, y đức, an toàn vệ sinh thực phẩm; phòng chống tham nhũng, xử lý khiếu kiện đông người, trật tự an toàn giao thông...

Chiều nay, “Bộ trưởng nhà nông” Cao Đức Phát sẽ khai màn trả lời chất vấn.

Phát hiện nhiều báo cáo gửi đại biểu Quốc hội lại do… Cục trưởng ký!

Đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) rất bức xúc khi cho biết, nhiều báo cáo của các Bộ trả lời đại biểu Quốc hội lại do … Cục trưởng, Vụ trưởng ký. “Đây là việc làm tắc trách bởi trước Quốc hội, chỉ Bộ trưởng, trưởng ngành mới đủ thẩm quyền ký” – bà  Nga nói. Theo đại biểu, việc giao cấp Vụ, Cục ký vừa không đúng thẩm quyền, vừa thể hiện sự thiếu tôn trọng đại biểu Quốc hội.
 
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn tán thành quan điểm đại biểu Nga. Phó Chủ tịch đề nghị các Bộ trưởng phải nghiêm túc rút kinh nghiệm việc này.

Đăng Minh
.
.
.