Lo cho dân có cơm ăn, áo mặc - lời dạy của Bác mãi nhắc nhở chúng ta

Thứ Tư, 27/08/2014, 06:08
45 năm kể từ khi Chủ tích Hồ Chí Minh từ giã chúng ta đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin, Người đã để lại tình yêu thương vô bờ bến đối với Đảng và nhân dân cả nước. 45 năm qua đi, nhưng lời dạy của Người vẫn còn khắc sâu trong tâm trí mỗi người dân Việt Nam.

Một trong những lời dạy của Người đó là lo cho dân có cơm ăn, áo mặc “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, …., đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” (Hồ Chí Minh toàn tập). Với tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã thực hiện không mệt mỏi trong suốt 45 năm qua và đạt được những thành tựu đáng kể. 

 Ngay từ những ngày đầu lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã coi lo cơm ăn, áo mặc cho dân là điều vô cùng quan trọng, thể hiện ở việc Người coi công việc xóa đói giảm nghèo quan trọng và cấp bách như là diệt giặc. Người đã chỉ rõ đói nghèo là một trong ba thứ giặc cần phải diệt và giao nhiệm vụ cho nhân dân toàn quốc: “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra mục tiêu phấn đấu để nhân dân thoát nạn bần cùng, làm cho mọi người có công ăn, việc làm, ấm no và đời sống hạnh phúc.  Người đã đặc biệt quan tâm đến vấn đề đẩy mạnh tăng gia sản xuất và tiết kiệm để xóa đói giảm nghèo.

Trong Di chúc, Người chỉ rõ: “Nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh. Tuy vậy, nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng. Đảng phải có kế họach thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân” (Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - công bố năm 1969. 40 năm học tập và thực hiện di chúc của Bác Hồ. Nhà xuất bản thông tin và truyền thông. 8-2009...).

Trong một đất nước mà người dân còn nghèo, có người còn sống trong cảnh bữa được, bữa mất, bữa đói, bữa no thì ở đó xã hội còn chưa yên. Xóa đói giảm nghèo là một nhiệm đặc biệt quan trọng đối với mỗi nước khi đặt mục tiêu phát triển bền vững.

Ở đâu còn bất công, còn đói nghèo thì ở đó chưa thể có sự phát triển. Chính vì lẽ đó Chủ tịch Hồ Chí Minh đã yêu cầu: “Phải đem hết sức dân, tài dân, của dân làm cho dân” (Hồ Chí Minh, tập 5, trang 61) và “Chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân”... “Dân đủ ăn, đủ mặc thì những chính sách của Đảng và Chính phủ đưa ra sẽ dễ dàng thực hiện. Nếu dân đói, rét, dốt, bệnh thì chính sách của ta dù có hay mấy cũng không thực hiện được” (Hồ Chí Minh, tập 7, trang 572).

Việc coi đói nghèo là giặc đã thể hiện và hàm chứa hết tinh thần và tư tưởng vĩ đại của Người trong một triết lý phát triển. Với việc nỗ lực xóa đói, giảm nghèo, quyết tâm “đánh đuổi” đói nghèo đã giúp cho xã hội phát triển ngày một giàu mạnh và phồn vinh. Đói nghèo không thể tồn tại đồng hành với chủ nghĩa xã hội.

Trong những năm qua, học tập và làm theo lời dạy của Bác, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách, biện pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội để làm cho dân ta ngày một ấm no, hạnh phúc. Nền kinh tế nuớc ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử: nền kinh tế liên tục tăng trưởng cao, tiềm lực của nền kinh tế đã lớn mạnh không ngừng và đã đạt được những bước tiến ngoạn mục, đời sống của người dân được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ đói nghèo đã giảm mạnh từ trên 60% năm 1990 xuống còn khoảng 7,6% năm 2013. Đây là một thành tựu to lớn, khá quan trọng thể hiện việc thực hiện thắng lợi chiến lược xóa đói, giảm nghèo của chúng ta và thực hiện tốt cam kết các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ.

Thành tựu đó bắt nguồn từ công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng thể hiện rõ nhất là Đại hội Đảng lần thứ VI, năm 1986. Đó là Đại hội của công cuộc đổi mới nền kinh tế chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước.

Đến nay, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về lo cơm ăn, áo mặc cho dân đã đạt những kết quả đáng kể. Đây là những thành công đáng khích lệ. Bên cạnh những thành tựu đã đạt được điều đó, nền kinh tế nước ta vẫn còn nhiều yếu kém, bất cập: chất lượng tăng trưởng kinh tế chưa cao, nền kinh tế còn có dấu hiệu thiếu bền vững, nguy cơ lạm phát cao vẫn còn đe dọa, đời sống nhân dân vẫn còn bấp bênh, tỷ lệ đói nghèo theo chuẩn nghèo mới vẫn còn cao. Điều này đòi hỏi phải đổi mới mạnh mẽ nền kinh tế hơn nữa để đời sống nhân dân ngày một ấm no, đất nước ngày một giầu mạnh.

Qua 45 năm thực hiện di chúc của Bác về lo cơm ăn, áo mặc cho dân, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu và thành công ngoạn mục. Tuy nhiên, cơm ăn áo mặc cho dân không phải là sự hiểu thuần túy theo nghĩa đen mà phải hiểu theo nghĩa rộng của nó. Đó là lo cho cuộc sống của người dân càng ngày càng ấm no, càng ngày càng văn minh và hiện đại. Người dân phải được hạnh phúc và đầy đủ không chỉ về vật chất mà cả về tinh thần. Để được như vậy đòi hỏi phải có sự nỗ lực không ngừng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trong giai đoạn hiện nay và trong tương lai

LQL
.
.
.