Lebanon: 30 kẻ âm mưu khủng bố và ám sát bị bắt

Thứ Tư, 10/10/2007, 10:53
Việc bắt giữ 30 kẻ khủng bố có vũ trang thuộc tổ chức cực đoan Fatah al-Islam, nhóm khủng bố tiến hành cuộc đối đầu với quân đội chính phủ Lebanon trong hơn 3 tháng qua của lực lượng an ninh đã phá tan âm mưu khủng bố lớn nhằm vào trụ sở cảnh sát thủ đô Beirut và ám sát các đại sứ của nhiều nước Arab cũng như châu Âu tại quốc gia Trung Đông này.

Tại buổi họp báo hôm 8/10, đại diện Bộ Nội vụ cho biết, ngoài những tay súng của Fatah al-Islam, còn có thành viên của tổ chức khủng bố quốc tế Al Qaeda tham gia. 30 tay súng kể trên đã bị bắt tại thành phố cảng Sidon ở miền Nam Lebanon và bọn chúng đã lợi dụng thời điểm nhạy cảm để lên kế hoạch cho vụ khủng bố.

Giới chuyên môn cho rằng, các tay súng Fatah al-Islam muốn tổ chức vụ khủng bố và ám sát lớn nhằm vào các nhân vật quan trọng người nước ngoài để gây hoang mang, mất ổn định, cũng như "chia lửa" cho những phần tử đang cố thủ trong trại tị nạn Nahr El-Baret (Nahr al-Bared). Điều này cũng chứng tỏ sự liên kết chặt chẽ giữa Fatah al-Islam với Al Qaeda và không loại trừ khả năng 2 tổ chức này đứng sau nhiều vụ ám sát, khủng bố từng diễn ra tại Lebanon.

Tướng George Khoury, Giám đốc cơ quan tình báo quân đội Lebanon cũng từng tuyên bố, Fatal al-Islam có liên hệ với Al Qaeda.

Được biết, Thủ tướng Fouad Saniora cũng từng bị đe dọa ám sát khi quân đội bắt đầu tổng tấn công vào trại tị nạn Nahr El-Baret hồi đầu tháng 9. Nhiều người cho rằng, nghị sỹ Ghanem Antoine và lãnh đạo đảng Maronite Phalange, ông Pierre Gemayel đã bị các tay súng Fatal al-Islam ám sát.

Trước đó (1/10), Nasser Ismail, thủ lĩnh quân sự của Fatah al-Islam đã bị bắt tại trại tị nạn Baddawi, gần trại Nahr El-Baret và người ta hy vọng thông qua tên này để tìm hiểu những thông tin kể trên.

Được biết quân đội Lebanon đã chấm dứt chiến dịch quân sự nhằm vào Fatah al-Islam tại trại tị nạn Nahr El-Baret từ hôm 2/9, nhưng việc truy quét tàn quân vẫn tiếp tục bởi cho đến nay Shaker al-Abssi, thủ lĩnh của tổ chức này vẫn bặt vô âm tín.

Trong khi đó một số nhà chuyên môn lại nhận định, cơ quan tình báo Syria đứng sau những bất ổn hiện nay tại Lebanon bởi cho đến nay nước này và những chính khách ở Beirut như Tổng thống Emile Lahoud vẫn cương quyết phản đối việc thành lập một toà án quốc tế nhằm truy tìm kẻ sát hại cựu Thủ tướng Rafik Hariri.

Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Zalmay Khalilzad vừa tuyên bố (27/9), theo đó Mỹ sẽ đóng góp 5 triệu USD để thành lập toà án kể trên.

Dư luận cho rằng, việc tranh luận không ngớt xung quanh việc thành lập toà án đã ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc bầu cử Tổng thống - hiện đã phải hoãn tới ngày 23/10

Quốc Trung
.
.
.