Lấy ý kiến nhân dân về dự án Bộ luật Dân sự sửa đổi

Thứ Ba, 23/12/2014, 14:42
Sáng 23/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi) để chuẩn bị lấy ý kiến nhân dân.

Báo cáo một số vấn đề lớn xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, chuẩn bị báo cáo Quốc hội về dự án Bộ luật này tại Kỳ họp thứ 9, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tư pháp phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý một bước dự thảo Bộ luật và dự kiến một số vấn đề lớn xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tiếp tục chỉnh lý, lấy ý kiến nhân dân. 

Về hình thức sở hữu, Bộ luật Dân sự hiện hành quy định 6 hình thức sở hữu. Dự thảo Bộ luật sửa đổi quy định hai phương án về hình thức sở hữu. Theo đó phương án 1 quy định hình thức sở hữu trong Bộ luật Dân sự bao gồm sở hữu toàn dân, sở hữu riêng và sở hữu chung. Phương án 2 chỉ có sở hữu riêng và sở hữu chung, trong đó, sở hữu toàn dân thuộc hình thức sở hữu chung hợp nhất không thể phân chia do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.

Về quyền nhân thân, Bộ luật Dân sự hiện hành quy định về quyền nhân thân theo cách thức liệt kê cụ thể các quyền nhân thân. Dự thảo Bộ luật quy định về quyền nhân thân (từ Điều 32 đến Điều 52), về cơ bản tiếp tục quy định các quyền nhân thân như trong Bộ luật hiện hành, tuy nhiên, có sửa đổi và bổ sung một số quyền nhân thân được quy định trong Hiến pháp năm 2013 (quyền lập hội, quyền tiếp cận thông tin, quyền sống, quyền được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, thân thể, quyền được bảo đảm an toàn về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân...), đồng thời bổ sung một điều khoản chung về các quyền nhân thân khác theo quy định của luật (Điều 52) để bảo đảm hơn tính bao quát, dự báo của quy định về quyền nhân thân trong Bộ luật Dân sự.

Bộ luật Dân sự năm 2005 sửa đổi sẽ lấy ý kiến nhân dân từ 15/1/2015.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết, về vấn đề này có loại ý kiến cho rằng, Bộ luật Dân sự không nên quy định theo cách liệt kê tất cả các quyền nhân thân của cá nhân mà chỉ nên quy định những quyền nhân thân của cá nhân trong các quan hệ dân sự. Loại ý kiến thứ hai nhất trí với quy định như trong dự thảo Bộ luật, theo đó, các quyền nhân thân của cá nhân đã được quy định trong Hiến pháp, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên phải được ghi nhận đầy đủ và cụ thể hóa trong Bộ luật Dân sự.

Về chủ thể, Bộ luật Dân sự hiện hành quy định chủ thể của quan hệ dân sự bao gồm cá nhân, pháp nhân (bao gồm cả cơ quan nhà nước), hộ gia đình, tổ hợp tác. Dự thảo Bộ luật chỉ quy định chủ thể của quan hệ dân sự là cá nhân và pháp nhân, đồng thời có một số quy định riêng về việc tham gia quan hệ pháp luật dân sự của các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, các tổ chức khác không có tư cách pháp nhân, của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cơ quan nhà nước ở trung ương và ở địa phương (tham gia quan hệ dân sự với tư cách là pháp nhân).  

Thường vụ Quốc hội quyết định, dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) đã được chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu ý kiến của Đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII sẽ được đưa ra lấy ý kiến nhân dân. Đối tượng lấy ý kiến là các tầng lớp nhân dân trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Nội dung lấy ý kiến là toàn bộ dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), đặc biệt về các vấn đề trọng tâm do Chính phủ xác định. Thời gian lấy ý kiến từ 15/1/2015 đến 31/3/2015.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, đây chỉ là thời hạn quy định còn tinh thần sau mốc thời gian trên vẫn tiếp tục tiếp thu, tổng hợp ý kiến của nhân dân với tinh thần cầu thị, chắt lọc, khách quan.

M.Đ.
.
.
.