Về chủ trương tách huyện từ liêm thành hai quận:

Lập quận mới để đáp ứng nhu cầu phát triển của Thủ đô

Thứ Năm, 05/12/2013, 09:12
Nói về việc Hà Nội được Chính phủ đồng ý chủ trương thành lập thêm hai quận mới, đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Trần Thị Quốc Khánh ví: Nó cũng như cái áo chật, đã đến lúc phải thay mới bằng áo phù hợp hơn. Tuy nhiên, bà cũng cảnh báo, việc chạy chức, chạy ghế dư luận đã nói nhiều, không phải đến lúc lập quận mới lo đối phó...

Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Trần Thị Quốc Khánh cho hay, thành lập quận mới ở Hà Nội đã diễn ra nhiều lần ở các giai đoạn khác nhau khi xét thấy địa bàn nào đó đã đủ điều kiện về hạ tầng, dân cư, tỷ lệ đô thị hóa... Việc lập quận mới để đáp ứng yêu cầu phát triển, chứ không phải “thấy Hà Nội rộng diện tích mà ít quận hơn TP Hồ Chí Minh nên lập thêm cho cân xứng”...

- Vừa rồi, Bộ Nội vụ cho biết, từ nay đến năm 2016, chủ trương của Chính phủ là không tăng biên chế. Nhưng việc lập thêm hai quận với 23 phường, tất sẽ “đẻ” thêm hàng nghìn biên chế mới?

- Nếu nói không tăng biên chế nhưng đến độ phát triển mà kìm hãm thì cũng rất khó. Biên chế ở đây cần tinh giảm ở những khâu không cần thiết, những nơi dư thừa hoặc cần sáp nhập những nơi khác, chứ không có nghĩa cứ giữ nguyên như vậy mà không tăng biên chế. Cần rà soát để ghép thêm, một người có thể gánh vác thêm nhiệm vụ. Còn đã lập quận mới, phường mới thì cũng phải tính toán để bổ sung biên chế, tất nhiên là phải ở mức phù hợp, chặt chẽ, chứ không phải cứ có mới là tăng nhiều.  Ở đây, ta không cố gắng chạy theo số lượng mà khi nó đã đạt điều kiện về hạ tầng, dân số, chất lượng sống thì lúc đấy có thể xem xét đến.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh.

- Thêm phường, thêm phòng, dư luận lại lo ngại rộ tình trạng “chạy chức, chạy ghế” bởi Hà Nội âm ỉ chuyện công chức ít nhất trăm triệu đồng, lãnh đạo ít nhất 1 tỷ đồng, bà nghĩ sao?

- Đó là thực trạng. Chuyện chạy chức, chạy quyền không phải cứ đến khi lập quận mới diễn ra, mà vấn đề này trong các kỳ họp Quốc hội, HĐND các cấp vẫn được nhắc đến. Nó vẫn đang xảy ra chứ không phải có quận mới, phường mới thì chạy chức mới xảy ra. Cho nên đây là việc lớn của các cấp ủy Đảng trong kiểm tra, giám sát.

- Rồi chạy dự án, chạy các suất đầu tư, chưa kể hàng loạt trụ sở mới cũng sẽ xây dựng quá mức, gây lãng phí, thất thoát lớn. Hiện đang có tình trạng quận mới, phường mới thành lập thì đua nhau xây dựng trụ sở khang trang, trong khi nguồn tiền đều từ ngân sách?

- Xây trụ sở mới ở đâu, kinh phí bao nhiêu, quy mô thế nào là phải căn cứ định mức, chứ không phải thích to bao nhiêu, rộng bao nhiêu thì cứ xây. Cái này phải có phê duyệt chặt chẽ về tài chính, ai làm sai thì phải chịu trách nhiệm. 

- Hà Nội cũng đang thí điểm thi tuyển lãnh đạo. Theo bà, các chức vụ quận trưởng, quận phó, rồi lãnh đạo phòng, lãnh đạo phường ở những quận mới cần phải thi tuyển thay cho bổ nhiệm chung chung?

- Thi tuyển cũng cần nghiên cứu để thực hiện vì nó có những ưu điểm riêng. Nhưng không phải chỗ nào thi cũng được vì có thanh niên trẻ, mới ra trường cần có thời gian tích lũy kinh nghiệm nhiều mặt. Chọn lựa cán bộ theo nhiều tiêu chí chứ chỉ thi không thì cũng chỉ như người học thuộc lòng. Mình tin thi có những điểm mới nhưng chỉ riêng vậy cũng chưa hẳn đã hay.

- Đi tham quan Thủ đô nhiều nước trong khu vực, bà thấy Hà Nội với vị thế Thủ đô có diện tích rộng nhất so quy mô đô thị hóa hiện nay ra sao, như với Thủ đô của Indonesia, Malaysia, Thái Lan...?

- Tôi nghĩ rằng, cũng không nên chạy theo nơi này, nơi khác vì có những cái ta cũng cố làm theo, nhưng nếu như chưa đủ điều kiện là rất khó. Vấn đề là phải tùy lực của mình, ở từng giai đoạn phát triển nhất định, nhưng phải có quy hoạch, có sự đầu tư, cố gắng huy động sự đóng góp của dân. Cũng như người nhà giàu với người nhà nghèo, phải lượng sức mình, chứ thấy nhà giàu có cái gì mình cũng cố lao theo thì làm sao đủ lực mà theo!

Đ.Trường
.
.
.