Lắp đặt camera giám sát để “phạt nguội” xe vi phạm

Thứ Hai, 01/04/2013, 15:35
"Đối với các trường hợp vi phạm chưa kịp dừng kiểm tra, xử lý được, CSGT khu vực sẽ báo cho CSGT các tỉnh biết, phối hợp dừng phương tiện để xử lý; hoặc in hình ảnh phương tiện vi phạm, gửi thông báo cho chủ phương tiện, để yêu cầu người vi phạm giao thông đến Trạm CSGT khu vực giải quyết (xử lý nguội) ", Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên, Cục trưởng Cục CSGT đường bộ - đường sắt, cho biết.

Ban Bí thư vừa ban hành Chỉ thị 18-CT/TW trong đó khẳng định “Hiện đại hóa công tác giám sát, phát hiện và xử lý vi phạm TTATGT đường bộ; trước mắt, tập trung xây dựng hệ thống giám sát, xử lý vi phạm TTATGT trên các tuyến quốc lộ trọng điểm, trong nội đô TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các đô thị lớn. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về TTATGT” là một trong những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm quan trọng trong việc nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về TTATGT. Điểm mới này là sự đổi mới quan trọng và phù hợp với nhu cầu thực tiễn của công tác quản lý TTATGT của nước ta, thể hiện sự bắt kịp xu thế quản lý hiện đại về TTATGT của thế giới. Về vấn đề này, Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên, Cục trưởng Cục CSGT đường bộ - đường sắt có cuộc trao đổi với PV CAND.

- Thưa ông, vì sao vấn đề hiện đại hóa công tác giám sát, phát hiện và xử lý vi phạm TTATGT đường bộ lại được nhấn mạnh trong Chỉ thị 18-CT/TW của Ban Bí thư?

- Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên: Thực tế cho thấy, cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội, mạng lưới giao thông của ta trong mấy năm gần đây đã có sự phát triển nhanh chóng. Nhiều tuyến giao thông được đầu tư xây dựng mới như tuyến đường Hồ Chí Minh, tuyến cao tốc Trung Lương, cao tốc Cầu “giẽ” - Ninh Bình và rất nhiều tuyến quốc lộ khác được nâng cấp, mở rộng… trong khi lực lượng CSGT hiện nay của chúng ta vẫn còn rất mỏng, không đủ để “rải” ra quán xuyến hết được trên tất cả các tuyến, đặc biệt là trên các tuyến đường giao thông trọng điểm. Vả lại xu thế chung của thế giới hiện nay, đặc biệt là các nước phát triển tiên tiến, đều sử dụng thiết bị khoa học công nghệ (KHCN) để thay thế con người trong việc giám sát, đảm bảo TTATGT, vì vậy sử dụng thiết bị KHCN hiện đại để thay thế sức người là xu thế thời đại tất yếu.

- Hiện nay, vấn đề áp dụng khoa học công nghệ trong công tác đảm bảo TTATGT đã được chúng ta triển khai đến đâu thưa ông?

- Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên: Thời gian gần đây, lực lượng CSGT đã bắt đầu được Nhà nước quan tâm đầu tư áp dụng thiết bị KHCN trong công tác đảm bảo TTATGT, trước mắt chúng ta đang ứng dụng thí điểm lắp đặt hệ thống camera giám sát tại một số tuyến giao thông trọng điểm như tuyến quốc lộ 1A từ Hà Nội - Vinh, tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, tuyến TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ nhằm giúp lực lượng CSGT theo dõi, phát hiện và kịp thời xử lý vi phạm của lái xe khi tham gia giao thông. Ngoài ra, hệ thống camera giám sát còn hỗ trợ lực lượng chức năng theo dõi để xử lý tốt khâu tổ chức giao thông trên từng tuyến đường, phát hiện các “điểm đen” về tai nạn giao thông (TNGT), các điểm ùn tắc, nạn rải đinh… và giúp CSGT nhanh chóng xác định được nguyên nhân xảy ra các vụ TNGT.

- Ông đánh giá thế nào về kết quả cụ thể?

- Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên: Sau thời gian triển khai thí điểm vừa qua, tuy chưa có báo cáo tổng hợp cụ thể, nhưng có thể đánh giá bước đầu, việc giám sát, phát hiện để xử lý vi phạm TTATGT đường bộ thông qua hình ảnh đã mang lại hiệu quả rất lớn. Bằng cách ghi hình các vi phạm của tài xế điều khiển phương tiện, nên các hành vi như chạy quá tốc độ; phóng nhanh, vượt ẩu; đi không đúng phần đường, làn đường; dừng xe, đỗ xe, tránh xe, vượt xe không đúng quy định; không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông... đều được lực lượng CSGT phát hiện và xử lý kịp thời.

Đơn cử, trong 4 tháng triển khai lắp đặt hệ thống giám sát giao thông tại Thanh Hóa vừa qua, theo báo cáo của Công an tỉnh Thanh Hóa cho thấy, tổng số phương tiện vi phạm giao thông ghi nhận qua hệ thống giám sát tự động bằng hình ảnh tại Thanh Hóa là 10.202 trường hợp. CSGT Thanh Hóa đã phát hiện, lập biên bản tại hiện trường 631 trường hợp (trong đó, xe tải 292 trường hợp, xe khách 84 trường hợp, xe con 255 trường hợp). Hành vi vi phạm chủ yếu là lỗi đi sai phần đường, làn đường (481 trường hợp) và lỗi vi phạm tốc độ (150 trường hợp); tước giấy phép lái xe 505 trường hợp.CSGT Thanh Hóa đã gửi thông báo vi phạm để "phạt nguội" tới 1.129 trường hợp; đã xử lý 245 trường hợp. Tổng số tiền phạt thông qua hệ thống giám sát tự động bằng hình ảnh là 2,399 tỉ đồng.

- Vậy việc lắp đặt và xử lý phương tiện vi phạm trên các tuyến quốc lộ sẽ thực hiện như thế nào?

- Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên: Cơ chế vận hành của hệ thống giám sát giao thông cũng giống như chiếc máy tính, phần “cứng” là các thiết bị camera giám sát được đặt tại các điểm phức tạp trên tuyến đường để ghi lại hình ảnh phương tiện vi phạm và truyền về trung tâm chỉ huy khu vực, rồi tự động truyền vào máy tính trên xe tuần tra kiểm soát của CSGT để biết, dừng phương tiện, kiểm tra, xử lý theo quy định. Đối với các trường hợp vi phạm chưa kịp dừng kiểm tra, xử lý được, CSGT khu vực sẽ báo cho CSGT các tỉnh biết, phối hợp dừng phương tiện để xử lý; hoặc in hình ảnh phương tiện vi phạm, gửi thông báo cho chủ phương tiện, để yêu cầu người vi phạm giao thông đến Trạm CSGT khu vực giải quyết (xử lý nguội).

Tuy nhiên, để triển khai “xử lý nguội” đối với các hành vi vi phạm TTATGT, tránh được nhầm lẫn, oan sai thì một phần việc vô cùng quan trọng khác nhất thiết cần được triển khai song song là phải xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) được coi là phần “mềm” để quản lý phương tiện giao thông. Khi có hệ thống CSDL chuẩn trong quản lý đầu phương tiện giao thông (thể hiện sự minh bạch về quyền sở hữu phương tiện của người dân) sẽ giúp các lực lượng chức năng dễ dàng trong việc xử lý vi phạm đúng người, đúng lỗi, tránh bị oan sai, nhầm lẫn. Cho nên để triển khai có hiệu quả việc áp dụng thiết bị KHCN hiện đại trong công tác đảm bảo TTATGT thì chúng ta cần phải có sự đầu tư đồng bộ cả về thiết bị KHCN cũng như CSDL. Và hiện nay, chúng ta đang bị vướng mắc rất lớn trong khâu xây dựng CSDL. Ví như, việc người dân mua bán, chuyển nhượng xe cũ mà không thực hiện việc sang tên, chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định cũng chính là “rào cản” gây ách tắc, chậm trễ cho mục tiêu xây dựng hệ thống CSDL này. Vì vậy xây dựng hệ thống CSDL chuẩn về TTATGT là một nhiệm vụ cấp thiết đã được Chỉ thị 18-CT/TW của Ban Bí thư chỉ rõ, hệ thống CSDL này không chỉ phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về TTATGT mà còn là một đòi hỏi cần thiết cho công tác đảm bảo TTATXH nói chung.

- Quan điểm của ông trong cách tháo gỡ những vướng mắc này?

- Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên: Như tôi đã nói, muốn hoàn thành được nhiệm vụ xây dựng hệ thống CSDL chuẩn về TTATGT, muốn khai thông được khâu ách tắc hiện nay, nhất thiết cần phải có sự vào cuộc của cả Nhà nước và người dân. Nhà nước tạo điều kiện về mặt thủ tục, còn người dân cần có sự tự nguyện tự giác thực hiện.

Chính vì vậy, trong thời gian vừa qua, Chính phủ, Bộ Công an cũng như các bộ, ngành liên quan đã rất quan tâm, ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm kịp thời tháo gỡ vướng mắc về thủ tục, giảm lệ phí đăng ký trước bạ phương tiện giao thông để giúp người dân tự nguyện và nghiêm túc thực hiện chuyển quyền sở hữu phương tiện cũ, phương tiện đã được chuyển nhượng qua nhiều chủ mà chưa làm đăng ký sang tên, chuyển quyền sở hữu sau khi mua bán, chuyển nhượng, tặng cho… với lộ trình thời gian kéo dài đến hết năm 2014.

- Xin cảm ơn ông!

Tâm Phạm
.
.
.