Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội Trần Văn Hằng:

Làm cho các nghị sỹ Mỹ hiểu rõ cơ sở pháp lý và lịch sử chủ quyền Việt Nam trên biển Đông

Thứ Ba, 27/05/2014, 08:25
Trước thông tin về đoàn Nghị sỹ Mỹ sang thăm và làm việc tại Việt Nam bắt đầu từ ngày 27/5, bên lề phiên họp Quốc hội ngày 16/5, ông Trần Văn Hằng - Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đã có trao đổi với PV Báo CAND về nội dung cuộc làm việc này:

PV: Thưa ông, được biết ngày 27/5, đoàn nghị sỹ Mỹ sang gặp gỡ, trao đổi với Chủ tịch Quốc hội, xin ông cho biết những nội dung dự kiến sẽ được trao đổi?

Ông Trần Văn Hằng: Đoàn của Chủ tịch Tiểu ban Châu Á, Thái Bình Dương, thuộc Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện Mỹ sẽ sang thăm và làm việc của Việt Nam. Nội dung thì có nhiều vấn đề, trong đó có thúc đẩy và tăng cường quan hệ đối tác toàn diện giữa Việt Nam – Hoa Kỳ. Thứ hai là họ tìm hiểu, xem xét thái độ cũng như chủ trương của ta đối với vấn đề biển Đông và thứ ba là tìm hiểu việc triển hai Hiến pháp mới của chúng ta, đặc biệt là vấn đề nhân quyền. Thượng viện Mỹ cũng đang bàn đến vấn đề dự luật Nhân quyền của Việt Nam và để dự luật này có lợi cho ta thì chúng ta chủ động, hoan nghênh đoàn sang để nắm tình hình. Về nhân quyền, giữa hai bên nhận thức còn khác nhau nên chúng ta cũng muốn có các cuộc trao đổi, đối thoại, dẫn tới sự hiểu nhau hơn để xử lý vấn đề nhân quyền gần hơn với đặc điểm của mỗi dân tộc.

PV: Thưa ông, vậy vấn đề biển Đông có được đề cập đến không?

Ông Trần Văn Hằng: Về biển Đông, thì qua quá trình trao đổi, hiện nay ở Mỹ đã có những phản ứng rất tích cực. Từ Chủ tịch Thượng viện, 6 nhóm nghị sỹ phản ứng và hạ nghị sỹ cũng có phản ứng. Chúng ta vẫn giữ quan điểm là đấu tranh bằng mọi biện pháp nhằm giữ vững chủ quyền, nhưng với chuyến thăm lần này, chúng tôi mong muốn làm cho các nghị sỹ của Mỹ hiểu rõ cơ sở pháp lý và lịch sử chủ quyền Việt Nam trên biển Đông, vì trong giới nghị sỹ mới cũng có nhiều người hiểu biết về Việt Nam còn hạn chế. Từ đấy, sẽ phản đối các hành động xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của chúng ta ở biển Đông và cũng đề nghị Quốc hội các nước có tiếng nói phù hợp với luật pháp quốc tế.

PV: Ông cho rằng những phản ứng của Quốc hội Việt Nam thời gian vừa qua đã phù hợp với tình hình căng thẳng hiện nay?

Ông Trần Văn Hằng: Vừa rồi tình hình biển Đông diễn ra hết sức phức tạp, đe dọa hòa bình và ổn định khu vực, đặc biệt nghiêm trọng là nó vi phạm luật pháp quốc tế, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam nên Quốc hội đã có Thông cáo số 2 thể hiện được ý chí, nguyện vọng của cử tri cả nước, đồng thời hướng tới chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về vấn đề đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển Đông. Thông điệp này không những được cử tri trong nước ủng hộ, mà qua theo dõi, tôi thấy dư luận trên thế giới rất đồng tình với biện pháp của Việt Nam. Qua thông cáo của ta, dư luận thế giới hiểu rõ hơn vấn đề chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông. Dư luận thế giới phản ứng theo 3 hướng: bày tỏ quan ngại đến tình hình căng thẳng ở biển Đông do Trung Quốc gây ra; thứ hai là lên án hành động phi pháp của Trung Quốc; thứ 3, coi đó là một hành động khiêu khích, nguy hiểm, xâm phạm chủ quyền, đồng thời gây mất ổn định, đe dọa hòa bình và ổn định khu vực. Chúng ta cũng hiểu rằng, sự phản ứng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố thông tin thực chất về vấn đề đến với từng khu vực có khác nhau. Khu vực nào hiểu rõ vấn đề này thì họ coi đây là hành động khiêu khích.

Không chỉ có nhân dân các nước, nghị sỹ, quốc hội có phản ứng, các chính giới của chính phủ như phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao đến Ngoại trưởng một số nước cũng đã có phản ứng. Và đặc biệt, các nước ASEAN qua sự kiện vừa rồi đã xích lại gần nhau hơn, gắn bó với nhau hơn trong vấn đề chủ quyền biển đảo, an ninh khu vực.

PV: Vậy Quốc hội sẽ tiếp tục làm những việc gì để đưa thông điệp về chủ quyền Việt Nam đến với thế giới?

Ông Trần Văn Hằng: Ngay từ khi sự việc diễn ra, Quốc hội đã tiến hành nhiều hành động và bản thân tôi cũng đã gặp tất cả Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội của các nước trong ASEAN và đã có trao đổi, làm cho bạn rõ tình hình. Trước hết, các nước ASEAN phải đoàn kết. Họ vi phạm ở Việt Nam hôm nay, mai họ vi phạm ở Indonesia thì sao? Có được sự thống nhất, đồng nhất của ASEAN vừa rồi là một thành công, phản ánh sự hiểu rõ hơn của các nước đối với hành động của Trung Quốc. Hiện Quốc hội đang phối hợp với Bộ Ngoại giao thông qua Đại sứ quán của ta tại các nước để tiếp xúc với các quốc hội và thông tin rõ bản chất vụ việc để họ có tiếng nói trước hành động vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc. Hiện nay, quốc hội nhiều nơi trên thế giới đã có phản ứng về tình hình như châu Âu, nhiều nước châu Mỹ Latinh, châu Á – Thái Bình Dương... Các nước lớn đều có phản ứng, kể cả Mỹ, Anh, Pháp rồi Nga - dù lúc đầu rất im lặng, hiện cũng bày tỏ quan ngại

Vũ Hân – Kim Quý
.
.
.