Ký ức 30-4-1975 trong lòng thủ đô nước Pháp

Thứ Ba, 26/04/2016, 08:43
Chỉ sau một vài giờ kể từ thời điểm chiếc xe tăng đầu tiên húc đổ cánh cổng Dinh Độc lập tại Sài Gòn, trụ sở của Hội Người Việt Nam tại Pháp giữa thủ đô Paris cũng bị một số phần tử cực đoan đập phá tanh banh. Thế nhưng, sự cố này không ngăn được dòng người tràn xuống phố mừng ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông thu về một mối.


Ông Bùi Thanh Tùng, nguyên Tổng thư ký Hội Người Việt Nam tại Pháp cho biết: Ngay từ khi chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu, cộng đồng người Việt tại Pháp luôn hồi hộp dõi theo. 

Tin tức trong nước được cập nhật liên tục qua các phương tiện truyền thông lớn tại Pháp và cả thế giới. Đêm trước ngày 30-4, Hội Người Việt Nam tại Pháp còn tập hợp tại Hội sở, bàn bạc về các tình huống xảy ra để có những kế hoạch hoạt động hưởng ứng kịp thời. Chỉ có điều, không ai nghĩ đến tình huống trụ sở bị đập phá vào sáng sớm hôm sau…

Ông Lê Tấn Xuân, một trong số những người được phân công chụp ảnh chính cho Hội Người Việt Nam tại Pháp từ năm 1968 nhớ lại: Mới khoảng 6h sáng ông đã bị dựng dậy bởi thông tin Hội sở bị đập phá. Hội yêu cầu ông đến ngay hiện trường để ghi lại các hình ảnh này. Vốn mưu sinh và đam mê nhiếp ảnh nên máy ảnh của ông là công cụ luôn luôn sẵn sàng phục vụ tác nghiệp. 

Nhận thông báo, ông không kịp ăn sáng, chạy ngay đến Hội sở. Cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt là các cánh cửa bị phá hết. Đồ đạc bên trong dập nát, kính cửa vỡ. Bên ngoài, 2 cảnh sát đã có mặt kiểm tra, ghi nhận hiện trường. Nhiều năm sau, hình ảnh ông Xuân ghi nhận được trong khoảnh khắc này trở thành kỷ niệm, được trưng bày tại khá nhiều sự kiện trong và ngoài nước.

Thực tế, đây cũng không phải là lần đầu tiên Hội sở bị các phần tử cực đoan đập phá. Theo ông Bùi Thanh Tùng, ít nhất một lần trước đó, trụ sở Hội đã từng bị một số đối tượng xông vào phá phách. Từ bàn ghế, vật dụng cho đến tấm vách ngăn bằng kính phía bên trong cũng từng bị đập nát.

 Tuy nhiên, bằng sự nhiệt tâm và công sức của những người công nhân làm việc bên Pháp ngày ấy, không lâu sau, Hội sở đã được thiết kế, chỉnh trang lại, thậm chí kiên cố hơn. Riêng ngày 30-4-1975, việc Hội sở bị phá không ảnh hưởng nhiều đến cộng đồng người Việt tại Pháp đã, đang ủng hộ và mong muốn hòa bình cho một đất nước Việt Nam thống nhất. 

Cộng đồng người Việt tại Pháp xuống đường mừng ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Ông Tùng còn nhớ rất rõ, khi tin giải phóng miền Nam tràn ngập các phương tiện truyền thông, người người đều hồ hởi. Dù đang đi làm hay ở nhà, mỗi người đều tự thu thập thông tin, truyền báo cho nhau. 

Để cùng người dân quê hương ăn mừng thống nhất, Hội cũng đã lên kế hoạch, phân công các thành viên vừa đi làm nhưng cũng vừa tranh thủ thông  báo cho nhau lịch trình, thời gian và các công tác chuẩn bị cờ, biểu ngữ để ngày hôm sau (1-5-1975) cùng diễu hành trên đường phố. Thường mỗi nhóm có người phụ trách từ 10 đến vài chục người và mỗi nhóm sẽ tự thông báo, phân công công việc cho nhau.

Từ 7h sáng 1-5, dòng người từ nhiều ngả đường đổ về điểm tập kết – đường Bastille, quận 4, Paris. Nhiều người đưa cả gia đình cùng đi. Trên tay các thành viên tung bay cờ đỏ sao vàng, cờ của Chính phủ Cách mạng lâm thời  Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Những người bạn Pháp ủng hộ hòa bình cho Việt Nam lâu nay cũng mang trên tay lá cờ xuống đường thay cho lời nói. 

Gần 10h đoàn bắt đầu tuần hành trên đường phố. Các chương trình biểu diễn văn nghệ. Bầu không khí ngập tràn hân hoan mừng đất nước thống nhất còn kéo dài thêm nhiều ngày sau. Trong đó, cuộc mít tinh mừng đất nước thống nhất ngày 6-5 ngay trước trụ sở Quán sứ Cộng hòa Nam Việt Nam tại Pháp được tổ chức rầm rộ và thu hút đông đảo cộng đồng người Việt lẫn những người Cộng sản Pháp. 

Cho đến hôm nay, đã 41 năm nhưng hình ảnh đoàn người rạng rỡ với cờ quạt, băng rôn, hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh rực rỡ trên phố hôm nào vẫn là những ký ức khó phai mờ của những người Việt tại Pháp ngày ấy…

Ngọc Nguyễn
.
.
.