Kỷ luật Chủ tịch UBND tỉnh nếu thiếu trách nhiệm giải quyết KN, TC

Thứ Năm, 18/10/2007, 09:56
Tại phiên thảo luận báo cáo của Chính phủ và cơ quan tư pháp về giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân ngày 17/10, các thành viên UBTV Quốc hội khẳng định, trách nhiệm để tình trạng khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài chủ yếu do địa phương giải quyết thiếu dứt điểm và còn nhiều bất cập. Nổi cộm là bất cập trong thực hiện chính sách đất đai, giải phóng mặt bằng.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Quang Bình, cần phải coi việc khiếu nại, tố cáo (KNTC) của công dân là hoạt động bình thường ở bất kỳ quốc gia nào.

Tuy nhiên, trong hoạt động KNTC đã và đang xuất hiện tình trạng tụ tập đông người, liên kết giữa người đi khiếu kiện địa phương này với địa phương khác. Trên thực tế, đã có những đối tượng cầm đầu, có hành vi xúi giục, kích động, lợi dụng việc KNTC của công dân để gây rối trật tự công cộng.

Ông Lê Quang Bình cũng cho biết đã phát hiện tình trạng cán bộ lợi dụng việc đền bù, giải phóng mặt bằng để câu kết, chiếm đoạt tiền Nhà nước, khai khống mức đền bù, hưởng chênh lệch, tham ô, tham nhũng. Khi người dân tố cáo, có địa phương giải quyết còn biểu hiện bao che, thiếu nghiêm khắc khiến dư luận bất bình.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Thu Ba đánh giá lĩnh vực KNTC trong hoạt động tố tụng của cơ quan Công an, Kiểm sát, Tòa án. Hiện, KNTC về dân sự vẫn chiếm phần lớn, tiếp đó về hình sự. Đáng chú ý, gần đây hiện tượng cán bộ cơ quan tố tụng bị tố cáo vi phạm pháp luật, tham nhũng, đưa, nhận hối lộ... có diễn biến phức tạp.

Các ý kiến thành viên UBTV Quốc hội cũng đề nghị cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan trong giải quyết KNTC. Hiện cơ quan có quyền giám sát giải quyết KNTC nhiều nhưng trách nhiệm cụ thể lại không rõ ràng.

Kết quả kiểm tra của Ban Dân nguyện cho thấy, ngay cả đại biểu Quốc hội, với đại biểu kiêm nhiệm, giữ các chức vụ quan trọng trong chính quyền thì việc tiếp nhận đơn thư số lượng khá lớn. Ngược lại, với đại biểu không giữ các vị trí này, người dân ít khi gửi đơn thư, có đại biểu không nhận được đơn thư nào...

Với các cơ quan tiếp nhận đơn, thư tố cáo của công dân, ngoài chức năng tiếp nhận cũng cần có hướng dẫn để người dân hiểu luật. Hiện nhiều công dân do bức xúc đã gửi đơn đồng loạt, từ Trung ương tới địa phương, trong khi thẩm quyền gửi và giải quyết đơn thư đó chỉ thuộc một cơ quan, tổ chức cụ thể.

Phó Tổng Thanh tra Lê Tiến Hào cho biết, vừa qua, Thanh tra Chính phủ thành lập các đoàn đi kiểm tra tại các địa phương, việc KNTC trong giải toả, đền bù nhiều dự án giải phóng mặt bằng còn rất phức tạp.

Chẳng hạn, qua kiểm tra ở tỉnh Tiền Giang về KNTC liên quan dự án mở rộng quốc lộ 1A và dự án đường cao tốc TP HCM - Trung Lương, nổi lên các vấn đề: xác định loại đất, giá đền bù, tái định cư; quá trình kiểm kê, ra quyết định thu hồi đất, đền bù kéo dài thiếu cơ sở; có trường hợp người dân nêu bức xúc do nhà ở mặt phố, mặt chợ nhưng lại bị xác định là đất nông nghiệp, đền bù giá thấp; có trường hợp đưa ra yêu cầu bồi thường theo giá thị trường để tự tái định cư... Việc giải quyết nhất thiết phải theo pháp luật và căn cứ tình hình thực tế ở địa phương

Phan Đăng
.
.
.