Không xử lý đơn nặc danh vẫn phải xác minh chứng cứ đính kèm

Thứ Hai, 29/05/2017, 09:38
Một trong những nội dung được chú ý trong sửa đổi Luật Tố cáo (sửa đổi) này là việc có giải quyết đơn tố cáo nặc danh hay không và bảo vệ người tố cáo như thế nào để tránh hành vi trả thù.

Về tố cáo nặc danh (đơn tố cáo không ghi họ tên, địa chỉ người tố cáo), tờ trình của Chính phủ do Tổng thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày cho rằng chưa nên quy định về việc giải quyết tố cáo nặc danh. Nguyên nhân được ông Phan Văn Sáu cho biết: Quy định của Đảng và Luật tố cáo hiện hành chưa chấp nhận xem xét, giải quyết đơn tố cáo không rõ, họ tên địa người tố cáo.

Tờ trình cũng dẫn số liệu thực tế, trong những năm qua các cơ quan nhà nước mới chỉ giải quyết được 87,4% tổng số đơn tố cáo có danh, trong đó có đến  59,3% là tố cáo sai và 28,3% tố cáo có đúng, có sai. Vì vậy, nếu Luật quy định việc giải quyết tố cáo nặc danh sẽ gây khó khăn cho các cơ quan nhà nước trong quá trình xem xét, giải quyết.

“Hơn nữa, trường hợp người tố cáo lợi dụng quyền tố cáo để tố cáo nặc danh sai sự thật thì không có căn cứ để xem xét, xử lý trách nhiệm đối với người tố cáo” - Ông Phan Văn Sáu nhấn mạnh.

Việc e ngại trả thù khiến nhiều người tố cáo chưa dám đứng tên trên đơn

Báo cáo thẩm tra dự án luật do Chủ nhiệm ủy ban pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng cho biết đây là vấn đề còn có ý kiến khác nhau. “Đa số thành viên Ủy ban Pháp luật tán thành với dự thảo Luật là không quy định về giải quyết đối với đơn tố cáo nặc danh. Bởi vì, tố cáo là quyền của công dân, để thực hiện quyền thì công dân phải nhân danh chính mình tham gia vào quan hệ pháp luật và phải chịu trách nhiệm nếu cố tình tố cáo sai sự thật” – ông Nguyễn Khắc Định lý giải. 

Bên cạnh đó, Ủy ban Pháp luật cũng cho rằng nếu quy định tiếp nhận và giải quyết đối với đơn tố cáo nặc danh sẽ gây khó khăn cho cơ quan, người có thẩm quyền trong việc xác minh, xử lý thông tin giải quyết tố cáo, gây tốn kém chi phí của nhà nước, dễ xảy ra tình trạng lợi dụng quy định để tố cáo tràn lan, sai sự thật...

Tuy nhiên, dù nhất trí về nguyên tắc là không xử lý đơn tố cáo nặc danh, nhưng một số thành viên Ủy ban Pháp luật đề nghị cần quy định rõ trường hợp có gửi kèm theo chứng cứ, nội dung rõ ràng (như các tài liệu, vật chứng, ảnh, đoạn băng ghi hình, ghi âm…) thì cơ quan, người có thẩm quyền phải có trách nhiệm tổ chức việc xác minh, xử lý nhằm tránh bỏ lọt hành vi vi phạm pháp luật.

Các ý kiến này cho rằng quy định như vậy là phù hợp với điều kiện hiện nay khi mà cơ chế bảo vệ người tố cáo chưa có hiệu quả, vì nhiều lý do mà người tố cáo không dám hoặc không muốn đứng tên, thậm chí có trường hợp còn mạo danh người khác.

“Tuy nhiên, việc tiếp nhận và xử lý đối với các trường hợp này cũng cần có quy định cụ thể, đặc thù, coi đây là việc phản ánh, tiếp nhận thông tin để bảo vệ pháp luật, không thuộc quy trình xử lý tố cáo” - ông Nguyễn Khắc Định cho biết.

Về bảo vệ người tố cáo (từ Điều 40 đến Điều 50): Đánh giá cao việc bổ sung vào dự thảo Luật các quy định về bảo vệ người tố cáo, nhưng Ủy ban Pháp luật cho rằng các quy định này vẫn còn chung chung, chưa xác định rõ cơ quan nào chịu trách nhiệm chính trong việc bảo vệ người tố cáo; chưa làm rõ cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong công tác này; chưa đánh giá tác động của quy định này về phương thức, biện pháp bảo vệ, về nguồn nhân lực, kinh phí, phương tiện, cơ sở vật chất phục vụ cho việc bảo vệ người tố cáo.

Do đây là nội dung quan trọng, là một trong những vấn đề trọng tâm trong sửa đổi Luật lần này, nên Ủy ban Pháp luật đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu kỹ thêm để có quy định cụ thể, đầy đủ, dễ hiểu, dễ áp dụng nhằm bảo đảm tính khả thi của Luật, đáp ứng được mục đích sửa đổi Luật Tố cáo.


Vũ Hân
.
.
.