Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh:

Không thể có quan hệ ổn định, hòa bình nếu không có độc lập, toàn vẹn lãnh thổ

Thứ Hai, 05/01/2015, 09:20
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nêu rõ, “Bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ” và “giữ quan hệ, ổn định, hòa bình để phát triển” là hai mục tiêu không mâu thuẫn, mà tương hỗ, bổ sung nhau.

Sau khi đánh giá tổng quan về các mặt công tác đã đạt được của Bộ Ngoại giao năm 2014, trả lời trên chương trình truyền hình "Dân hỏi Bộ trưởng trả lời" ngày 4/1, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định: "Năm 2015, chúng ta sẽ tiếp tục cùng ASEAN và cộng đồng quốc tế tăng cường hiểu biết và lòng tin trong vấn đề Biển Đông, thúc đẩy thực hiện nghiêm túc và đầy đủ DOC, nhất là sớm tiến hành đàm phán thực chất để xây dựng Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).Chúng ta cũng hoan nghênh mọi sáng kiến, đề xuất vì mục tiêu và lợi ích chung là duy trì ổn định, tự do, an ninh và an toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông, biến Biển Đông thành vùng biển hòa bình, hữu nghị và hợp tác, và Việt Nam sẽ tiếp tục chủ động đóng góp tích cực vào việc hình thành và triển khai các sáng kiến đó".

Đồng thời, Bộ trưởng Phạm Bình Minh cũng nêu rõ, “Bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ” và “giữ quan hệ, ổn định, hòa bình để phát triển” là hai mục tiêu không mâu thuẫn, mà tương hỗ, bổ sung nhau. Không thể có quan hệ ổn định và hòa bình nếu không có độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và chỉ có thể bảo vệ độc lập, toàn vẹn lãnh thổ trên cơ sở quan hệ ổn định và hòa bình.

Chìa khóa để theo đuổi cả 2 mục tiêu đó chính là việc đề cao và tuân thủ luật pháp quốc tế. Bởi lẽ, tôn trọng luật pháp quốc tế đồng nghĩa với việc thực hiện nghiêm chỉnh nguyên tắc giải quyết tranh chấp, bất đồng một cách hòa bình. Chính vì lẽ đó, năm qua, kể cả trong những lúc căng thẳng nhất, chúng ta đã kiên trì đối thoại, giải quyết vấn đề chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế; đồng thời, vẫn chủ động duy trì quan hệ bình thường trên các mặt với Trung Quốc, bao gồm trao đổi đoàn các cấp, quan hệ giữa các Bộ, ngành, địa phương; giao lưu nhân dân; triển khai bình thường các hoạt động hợp tác kinh tế, thương mại với Trung Quốc.

Đối với lao động Việt Nam ở nước ngoài, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định: Bảo hộ lao động Việt Nam ở nước ngoài là vấn đề được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Vừa qua, ngay sau khi nhận được các thông tin một số lao động Việt Nam, đặc biệt là lao động nữ giúp việc gia đình theo hợp đồng tại Ả-rập Xê-út gặp khó khăn, có trường hợp được phản ánh bị ngược đãi, Bộ Ngoại giao đã ngay lập tức chỉ đạo Đại sứ quán tại Ả-rập Xê-út khẩn trương thực hiện các biện pháp bảo hộ bằng một số hành động cụ thể. Ngày 29/12/2014, chúng ta đã hỗ trợ 7 trong tổng số 20 lao động của tỉnh Bắc Kạn làm việc cho Công ty Bader về nước, và ngày 31/12, 13 công nhân cuối cùng đã về đến Hà Nội. Chúng ta cũng đã làm tốt vấn đề này tại một số địa bàn có nhiều người Việt Nam sinh sống đã xảy ra chiến tranh, xung đột, gây nguy hiểm đến an toàn, tính mạng của công dân Việt Nam.

PV
.
.
.