Không phải xin phép nếu bài hát không trái thuần phong mỹ tục, xâm phạm lợi ích quốc gia

Thứ Tư, 14/06/2017, 10:37
“Các bài hát đã trở nên quen thuộc, phổ biến trong thực tế, nếu không có nội dung trái thuần phong mỹ tục, xâm phạm lợi ích quốc gia thì không cần cấp phép phổ biến, không phụ thuộc vào địa điểm và thời gian sáng tác” – Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh điều này trong phiên chất vấn sáng 14-6 về việc cấp phép bài hát tai tiếng thời gian gần đây.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết: Hiện nay, Bộ đang thực hiện các thủ tục về mặt pháp luật để triển khai định hướng này, với tinh thần chỉ đạo là thông thoáng.

Ngoài “điểm nóng” Sơn Trà, việc cấp phép các bài hát, đặc biệt những tác phẩm sáng tác trước năm 1975 đã được các ĐB tập trung chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện. Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng nêu rõ: Sau khi sự việc xảy ra, Bộ đã yêu cầu các cục, vụ liên quan rà xét lại các thủ tục hành chính liên quan đến việc cấp phép theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Tinh thần là giảm và hạn chế, tiến đến chấm dứt việc xin – cho, để tạo môi trường thuận lợi cho sự sáng tạo của các văn nghệ sỹ

Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch cũng khẳng định sẽ tìm phương cách quản lý phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay và hội nhập quốc tế. Về giải pháp cụ thể, Bộ trưởng cho biết “sẽ có nghiên cứu và báo cáo đại biểu”.

Về chất vấn của ĐB Mai Sỹ Diến liên quan đến xử lý trách nhiệm cá nhân, tập thể những người liên quan đến “lùm xùm” cấp phép, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết “Bộ đã chỉ đạo kiểm điểm, xác định trách nhiệm của cá nhân, tập thể liên quan đến vụ việc; trên cơ sở đó sẽ có việc xử lý phù hợp. Tinh thần (xử lý) là sẽ hết sức cầu thị và nghiêm minh, để công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực này được tốt hơn.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện

Mặc dù đã nhận được câu trả lời của Bộ trưởng, ĐB Trương Trọng Nghĩa vẫn chưa hài lòng, tiếp tục bày tỏ lo âu về việc quảng bá, khai thác các sản phẩm văn hóa trước 1975, vì “vừa phục vụ nhu cầu thưởng thức của nhân dân, vừa xây dựng đoàn kết dân tộc”. Một số ĐB khác cũng có băn khoăn tương tự, đặc biệt về các văn bản quản lý hiện nay, khi khoản 3 Điều 7, Nghị định 15 (2012) quy định trách nhiệm của người biểu diễn nghệ thuật là “chỉ được biểu diễn các bài hát, vở diễn đã được phép biểu diễn” là không thể nào thực hiện được. ĐB đề nghị Bộ trưởng sửa đổi ngay điều này, vì không thể nào cấp phép với hàng ngàn tác phẩm mà bộ cứ loay hoay.

Trả lời ĐB Trương Trọng Nghĩa, ĐB Lê Xuân Thân và một số ĐB khác quan tâm, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định: Các bài hát đã trở nên quen thuộc, phổ biến trong thực tế, nếu không có nội dung trái thuần phong mỹ tục, xâm phạm lợi ích quốc gia thì không cần cấp phép phổ biến, không phụ thuộc vào địa điểm và thời gian sáng tác. Hiện nay, Bộ đang thực hiện các thủ tục về mặt pháp luật để triển khai định hướng này, tinh thần chỉ đạo là thông thoáng.

Chiều 13-9, chất vấn về vấn đề này, ĐB Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng cho biết: Trong Báo cáo số 119 ngày 8/6/2017 của Bộ, tại phần quản lý cấp phép các hoạt động văn hóa nghệ thuật, khi đọc đại biểu Quốc hội có cảm giác công tác quản lý của bộ là xin phép cấp phép. Phải chăng vì thiên về hoạt động xin phép cấp phép như vậy, nên cơ quan quản lý của bộ đã làm những việc không cần làm, như vừa rồi Bộ trưởng cũng đã nêu là quyết định phổ biến hơn 300 bài hát cách mạng trong đó có cả Quốc ca. Từ vụ việc đó xin Bộ trưởng đánh giá trong việc quản lý cấp phép các hoạt động văn hóa nghệ thuật thì có những bất cập gì? Trách nhiệm của Bộ đến đâu? Giải pháp để khắc phục trong thời gian tới?

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng cho biết: Vấn đề cập nhật 324 bài hát lên website có những cái sai không đáng có: Sai về nghiệp vụ - người ta không yêu cầu cập nhật bài hát đó thì mình lại cập nhật, cập nhật lại vào sai mục, cập nhật vào mục cấp phép, tức là sai những nghiệp vụ rất sơ đẳng của quản lý nhà nước. Hiện nay, chúng tôi đã tiến hành kiểm điểm trách nhiệm, xác định làm rõ trách nhiệm, nguyên nhân tại đâu và trên cơ sở đó thì sẽ có các giải pháp để đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, nâng cao đạo đức nghiệp vụ, cần phải thuyên chuyển. 

Kết thúc buổi chất vấn đối với Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh gíá: Bộ trưởng đã thẳng thắn nhận trách nhiệm về tồn tại, yếu kém của ngành. Tuy nhiên, do Bộ trưởng trả lời một số vấn đề chưa rõ, chưa thỏa mãn các ĐB, nên tranh luận khá sôi nổi. 


Vũ Hân
.
.
.