Không nhận kim tiêm vì sợ bị bắt đi cai nghiện

Thứ Bảy, 13/09/2008, 15:16
Không ít trường hợp, khi cán bộ Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Lai Châu mang bơm kim tiêm sạch đến tận các xã phát thì người nghiện chích lại không chịu đến nhận, bởi họ sợ sẽ bị bắt đi… trại cai nghiện.
Theo báo cáo tổng kết về số liệu người có HIV tính đến hết ngày 30/8 của Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Lai Châu, số đối tượng nghiện ma túy có HIV chiếm tỷ lệ từ 70-75% tổng số đối tượng có HIV trên địa bàn tỉnh Lai Châu.

Các đối tượng nghiện khi biết mình có HIV thường rơi vào tư tưởng bi quan chán nản cũng như tìm mọi cách chống trả lại các lực lượng chức năng khi làm nhiệm vụ. Cùng với những khó khăn trong công tác truyền thông phòng chống HIV/AIDS, số lượng người nghiện ma túy có HIV đang ngày càng có xu hướng tăng ở Lai Châu.

"Nếu em có HIV là em đi tự tử"

Chúng tôi xin bắt đầu bài viết bằng câu chuyện có thật mà các cán bộ truyền thông của Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Lai Châu đã từng gặp phải khi trả kết quả xét nghiệm HIV. Đó là đối tượng P. trú tại phường Quyết Thắng, thị xã Lai Châu, nơi có trình độ dân trí cao nhất của tỉnh.

P. vốn là đối tượng hút chích ma túy nhiều năm nay. Cán bộ Trung tâm phải năm lần, bảy lượt đến tận nhà tuyên truyền vận động, P. mới chịu đi xét nghiệm. Đến khi có kết quả dương tính với HIV, cán bộ Trung tâm mang kết quả xét nghiệm đến tận nhà, P. nhất quyết không chịu thừa nhận mà phản ứng: "Nếu cán bộ bảo em có con HIV trong người là em đi tự tử đấy!".

Cán bộ Trung tâm tìm mọi cách diễn giải, khuyên can, P. cũng cương quyết không chịu nhận mình đã bị lây nhiễm HIV qua con đường nghiện chích. P. trốn khỏi nhà, lang thang tiếp tục hút chích, nhanh chóng chuyển sang giai đoạn AIDS và qua đời. Đằng sau cái chết của P. là câu hỏi đã có không biết bao nhiêu người dùng chung bơm kim tiêm và lây nhiễm HIV từ P. mà không biết.

Chúng tôi theo chân cán bộ Trung tâm Nguyễn Thị Huyền mang kết quả xét nghiệm đến một gia đình có hai anh em ruột đều có HIV tại xã Lả Nhì Thàng, huyện Phong Thổ.

Trong căn nhà tranh lụp xụp, cả gia đình gần chục người đang dùng bữa cơm chiều. Đồ ăn dọn ra chỉ có một đĩa sành cũ kỹ: Rau rừng, một dúm muối trắng, nồi cơm và mấy củ sắn nướng cháy đen thui. Hai người đàn ông lừ đừ nằm góc nhà.

Theo cán bộ y tế xã, cả hai anh em, người 30 tuổi, người 25 đều từng là những người chất phác, chăm chỉ làm ăn. Nhưng, chẳng biết từ bao giờ, họ cùng bập vào ma túy, nghiện ngập hút chích. Ngay cả cái tấm lợp brô xi măng được Nhà nước cấp cũng đem đi đổi lấy tiền hút chích.

Khi được hỏi đã dùng chung bơm kim tiêm với bao nhiêu người, cả hai anh em đều lắc đầu: "Không nhớ!". Cán bộ Trung tâm giải thích về việc hai anh em đều đã có HIV và yêu cầu họ ký phiếu kết quả xét nghiệm thì gia đình từ bố mẹ đến vợ đều phản ứng rất gay gắt. Họ cho rằng, cán bộ Trung tâm đã "đổ oan" cho con trai họ.

Cả gia đình kéo lên ủy ban xã, đòi "đuổi" bằng được cán bộ Trung tâm ra khỏi nhà. Bởi, trong suy nghĩ của không ít đồng bào dân tộc thiểu số, người có HIV cũng đồng nghĩa với việc họ đã biến thành "con ma rừng", bị cộng đồng xa lánh, hắt hủi.

Trên đây chỉ là hai trong rất nhiều trường hợp có HIV mà các cán bộ Trung tâm đã tiếp cận.

Chị Huyền tâm sự: "Việc vận động người dân, đặc biệt là các đối tượng nghiện chích đến Trung tâm làm xét nghiệm đã khó, việc trả kết quả xét nghiệm còn khó hơn rất nhiều. Người dân thường không đến Trung tâm nhận kết quả xét nghiệm mà cán bộ phải mang đến tận nhà. Dường như, họ dửng dưng với chính mạng sống của mình và của cộng đồng".

Không ít trường hợp, khi cán bộ Trung tâm mang bơm kim tiêm sạch đến tận các xã phát thì người nghiện chích lại không chịu đến, bởi họ sợ rằng sẽ bị bắt đi… trại cai nghiện. Chính nhận thức hạn chế của người dân là một trong những nguyên nhân căn bản khiến cho số người nghiện chích có HIV ngày càng có xu hướng tăng ở Lai Châu. 

Tăng cường các biện pháp tuyên truyền      

Bà Lê Thị Mai, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Lai Châu cho biết: Trung tâm mới thành lập được hai năm với bộn bề công việc. Trước tình trạng số người nghiện chích ma tuý có HIV đang có xu hướng tăng trong những năm gần đây, Trung tâm đã nhanh chóng cho thành lập các tổ công tác truyền thông.

Từ ngày 5 đến ngày 26 hằng tháng, các tổ công tác sẽ đến tận các xã, bản để tổ chức các buổi truyền thông. Tuy nhiên, công tác truyền thông cũng gặp rất nhiều khó khăn. Ban ngày, bà con thường lên nương, rẫy nên các buổi truyền thông thường phải diễn ra vào buổi trưa hoặc buổi tối, có khi kéo dài đến 11h đêm mới kết thúc một buổi truyền thông.

Đối tượng thanh niên từ 16 đến 29 tuổi, đối tượng chính của công tác truyền thông lại rất ít tham gia vào các buổi truyền thông. Trong năm 2008, Trung tâm đã kết hợp cùng với các ban, ngành thực hiện 9 chương trình hành động trong Chương trình phòng chống HIV/AIDS đến 53 xã trên tổng số 98 xã của tỉnh Lai Châu có nguy cơ cao về lây nhiễm HIV. Chương trình tập trung vào việc xây dựng lực lượng đồng đẳng viên phát bơm kim tiêm sạch cho các đối tượng nghiện chích...

Tuy nhiên, theo bà Lê Thị Mai, để có thể giảm tỷ lệ số người nghiện ma tuý có HIV, điều quan trọng nhất vẫn là tổ chức tốt các buổi truyền thông đến tận dân bản, nâng cao nhận thức để người dân hiểu và tự nguyện đến các trung tâm phòng chống HIV/AIDS xét nghiệm cũng như thực hiện tốt các biện pháp phòng chống, tránh lây nhiễm cho cộng đồng

Nguyễn Hương
.
.
.