Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi):

Không nên mở rộng cơ quan có thẩm quyền điều tra

Thứ Tư, 27/05/2015, 19:43
“Hoạt động điều tra phải có nghề, có học, nếu không học, không có nghề thì không thể vận dụng được và dễ làm sai…” – Thứ trưởng Thường trực Đặng Văn Hiếu nhấn mạnh tại buổi thảo luận tại tổ, chiều 27-5 về vấn đề mở rộng các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, thuộc dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi).

Đi vào cụ thể một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau về dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự, Thứ trưởng Thường trực Đặng Văn Hiếu bày tỏ quan điểm đồng tình với Điều 40,41,42,43 quy định quyền của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can bị cáo được tự do trình bày lời khai của mình.

Khi bị can, bị cáo tự do trình bày lời khai của mình thì cán bộ điều tra cũng có thể khai thác, thấy có điều gì mâu thuẫn trong lời khai thì đấu tranh, và đây cũng là nghệ thuật trong quá trình điều tra. Nhưng nếu quy định bị can bị cáo không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc không buộc phải nhận mình có tội thì không chuẩn lắm, gây khó khăn cho quá trình xét hỏi của điều tra viên.

Đồng chí Thứ trưởng Thường trực đề nghị sửa lại là “không bị ép buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình, không bị ép buộc phải nhận mình có tội”.

Quyền của bị can, bị cáo được đọc, ghi chép tài liệu trong hồ sơ vụ án là vấn đề mới, chưa bao giờ được đưa ra thảo luận trước đây mà nếu quy định không cẩn thận thì gây nhiều phức tạp cho quá trình điều tra và cán bộ điều tra.

Thượng tướng Đặng Văn Hiếu, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an thảo luận tại tổ về dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi).

Thứ trưởng Thường trực Đặng Văn Hiếu đồng ý đưa vấn đề bị can, bị cáo có quyền này nhưng phải thoả mãn 4 điều kiện: Một là trong trường hợp bị can, bị cáo không có người bào chữa; hai là thời điểm đọc sau khi kết thúc điều tra hoặc sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử; ba là trong trường hợp nếu bị can bị cáo có yêu cầu; thứ tư là chỉ được đọc trên bản sao hoặc tài liệu đã được số hoá, không được đọc tài liệu chính thức (đề phòng trường hợp bị xé).

“Về vấn đề bắt buộc ghi âm ghi hình hoạt động hỏi cung, tôi nhận thấy, mục đích chính là nhằm chống bức cung, nhục hình, nhưng có nhiều trường hợp vụ án bắt quả tang, chứng cứ rõ ràng rồi, nhận tội rồi thì không cần thiết ghi âm ghi hình nữa. Trong thực tế cũng không có đủ điều kiện cơ sở vật chất để thực hiện điều này, chưa kể là rất tốn kém…” – Thứ trưởng Thường trực nêu quan điểm.

Việc ghi âm, ghi hình chỉ nên thực hiện đối với một số trường hợp phục vụ quá trình điều tra sau này hoặc quá trình tuyên truyền, và với loại tội phạm đặc biệt như chung thân, tử hình. Đồng chí Thứ trưởng Thường trực đề nghị không nên ghi điều này trong luật vì nó không cần thiết đối với tất cả các trường hợp.

Về vấn đề mở rộng các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra như Kiểm ngư, Thuế, Uỷ ban chứng khoán Nhà nước. Thứ trưởng Thường trực Đặng Văn Hiếu bày tỏ quan điểm không đồng tình, bởi vì đó là những cơ quan hoạt động gần cơ quan điều tra (CQĐT), nếu phát hiện vấn đề gì thì có thể trao đổi ngay với CQĐT.

“Riêng lực lượng Kiểm ngư có thể xa xôi hơn một chút nhưng lại có lực lượng BĐBP, Cảnh sát biển bổ sung” - Đồng chí Thứ trưởng Thường trực đặc biệt nhấn mạnh, hoạt động điều tra phải có nghề, có học, nếu không học, không có nghề thì không thể vận dụng được và dễ làm sai…

Thiếu tướng Trịnh Xuyên, Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hoá, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá: Không nên mở rộng mà phải chuyên sâu hoá các CQĐT.

Đối với vấn đề mở rộng các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, riêng trong lực lượng Công an hiện nay có rất nhiều đơn vị được giao thêm nhiệm vụ tổ chức hoạt động điều tra, như lực lượng CSGT, Cảnh sát môi trường, PCCC, Trại tạm giam… nhưng thực tế chưa có đơn vị nào tiến hành điều tra, khởi tố vụ án vì không thực hiện được. Hoạt động điều tra phải có bộ máy, có điều tra viên, có nghiệp vụ điều tra.

Theo tôi, xu hướng giao thêm không phù hợp, mà phải là xu hướng chuyên sâu hoá các CQĐT. Giao thêm cho các lực lượng này nhưng không có bộ máy điều tra, không có điều tra viên thì không phù hợp, không nên, không cần thiết, và trong thực tế sẽ không làm được.


Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đình Quyền: Giao quyền không đúng sẽ trờ thành “con ngáo ộp”.

Nghị quyết của Đảng nói rằng chúng ta tiến tới thu gọn còn một vài cơ quan tiến hành hoạt động điều tra thôi, dự thảo luật chúng ta lại muốn mở ra, đó là điều rất không hay.

Trên thực tiễn và qua giám sát của Uỷ ban chúng tôi, trước đây chúng ta giao thẩm quyền điều tra cho Kiểm lâm, Hải quan, Cảnh sát biển... đều có triết lý của nó, là bởi điều tra chuyên trách không thể có mặt ngay ở đó được (do đặc điểm địa bàn). Còn dự thảo lần này chả có lập luận gì, như Kiểm toán ở ngay thành phố, CQĐT chuyên trách ngay đấy, thì ông Kiểm toán điều tra làm gì?

Không thể ngành nào cũng muốn được điều tra, thứ nhất là trái Nghị quyết của Đảng, thứ hai cũng không phù hợp với nhu cầu thực tiễn, thứ ba là qua khảo sát và giám sát, các cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra tiến hành khởi tố điều tra rất ít. Đó là điều đáng báo động, không khéo giao cho anh quyền, nó trở thành “con ngáo ộp”.

Chúng tôi đã chất vấn rất nhiều lần, ví dụ phá rừng nhiều như vậy, tại sao trong từng ấy năm anh chỉ khởi tố có mấy vụ, 99% là xử lý hành chính, trong khi giở ra có những vụ hoàn toàn có thể khởi tố. Vì vậy, việc tiếp tục giao chúng tôi không đồng tình vì không có triết lý, các cơ quan này không có đặc thù gì mà phải giao thêm và thực tế họ cũng rất ít khởi tố.


Quỳnh Vinh – Vũ Hân
.
.
.